Ông lão câm, điếc giỏi tiếng Anh sửa chìa khóa

Thứ tư, 24/09/2014, 08:44
Đã hơn 10 năm nay, nhiều người tỏ ra rất khâm phục một ông lão hằng ngày ngoài việc cắt, sửa chìa khóa vẫn ngồi cắm cúi học tiếng Anh những lúc vắng khách.
Những lúc không có khách ông tranh thủ học từ mới tiếng Anh.

Những lúc không có khách ông tranh thủ học từ mới tiếng Anh.

Được người dân mách bảo về ông lão câm, điếc làm chìa khóa giỏi lại biết tiếng Anh, biết “giao tiếp toàn cầu” bằng tiếng Anh, thoạt đầu chúng tôi cũng chưa tin, nên đã tìm gặp để hiểu rõ ngọn ngành.

Chúng tôi tìm đến tiệm cắt, sửa chìa khóa trước hẻm 617 của ông Nguyễn Mạnh Tường (trên đường CMT8, phường 11, quận 10, TP.HCM) vào gần giữa trưa. Khi đến, chúng tôi thấy một ông lão dáng người gầy gò, ốm yếu đang ngồi cắm cúi học từ vựng tiếng Anh.

Chưa kịp chào hỏi, ông Tường liền ra dấu bằng động tác tay của người câm, tuy không biết rõ nhưng tôi cũng đoán được ý của ông muốn mời chúng tôi ngồi xuống. Tiếp đến, ông mở ngăn tủ lôi giấy viết để trò chuyện. Tôi và ông như bị hút vào nhau bằng cách viết qua lại trên cuốn vở.

Khách bỏ đi vì không hiểu tôi nói gì

“Nhìn mọi người giao tiếp qua lại vui vẻ; mấy anh, chị em trong gia đình ai cũng đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình… Nằm suy nghĩ mấy tháng liền, tôi trằn trọc mãi về bản thân và cuối cùng quyết định xin ý kiến ba mẹ đi kiếm cái nghề làm tự nuôi sống bản thân, chứ không muốn phụ thuộc vào gia đình”, ông Tường kể.

Ông đi khắp các con đường, ngõ hẻm ở Sài Gòn để kiếm cái nghề. Tuy trải qua nhiều nghề nhưng không thành công nên có lúc ông muốn bỏ cuộc. Cũng may trong lúc lang thang trên đường CMT8, ông tình cờ gặp ông Sơn cùng chung hoàn cảnh đang làm nghề cắt, sửa chìa khóa.

Từ đó, ông Tường lấy ông Sơn làm động lực rồi theo học nghề. Do người đồng cảnh ngộ nên ông Sơn sẵn sàng chỉ dẫn tận tình, trong vòng hai năm ông Tường đã ra mở tiệm riêng làm trên chợ Tân Bình. Có điều tiệm không có khách, ông chuyển sang nhiều chỗ khác nhưng vẫn không làm ăn được, suốt ngày ế ẩm.

“Bởi mọi người cứ nghĩ tôi bị câm, điếc nên khó có thể sửa theo ý muốn của họ. Thực tế nhiều người tới sửa nhưng chỉ nhận được những ký hiệu ú ớ khó hiểu nên người ta cũng bỏ đi”, ông Tường tâm sự.

Khi đó ông chợt suy nghĩ trong đầu nếu mình biết chữ, biết đọc, biết viết với khách hàng thì mới có cơ hội làm ăn được. Nghĩ là làm, ban ngày ông chịu khó đi làm, tối về đi học kiếm con chữ ở trung tâm khiếm thị.

Trước tiên ông học những từ tiếng Việt phổ thông nhất. Lúc đầu gặp không ít khó khăn nhưng ông được gia đình và bạn bè giúp đỡ, động viên. Dần dần, những dòng suy nghĩ của ông được viết ra giấy, khách hàng hiểu được nên tiệm của ông ngày một đông hơn.

Trong tủ đồ nghề kiếm tiền hàng ngày của ông Tường có một ngăn kéo dành riêng cho những quyển từ điển, tài liệu học tập mà ông đã cặm cụi dành dụm hơn nửa đời người.

Giao tiếp toàn cầu bằng tiếng Anh

Đến năm 2007, đứa con gái lớn mua cho ông chiếc máy tính và hướng dẫn cho cách lên mạng giao tiếp với những người khiếm thị, từ đó ông tham gia kết bạn với nhiều người khiếm thị trên toàn thế giới để rồi ông mê học tiếng Anh từ khi nào không hay.

Sau một thời gian giao tiếp với người nước ngoài trên mạng, ông ra nhà sách mua từ điển “Việt Anh” về tự học những khi vắng khách. Phương pháp học tiếng Anh của ông rất đơn giản nhưng lại hiệu quả.

Ông luôn đặt ra cho mình một ngày chỉ học duy nhất một từ, ghi đi ghi lại nhiều lần để nhớ. Lúc nào không có khách tới tiệm thì ông lại mang sách ra xem và viết lại những từ đã học. Từ nào không hiểu, ông mở từ điển ra xem bản dịch, cứ thế vốn từ vựng của ông ngày một nhiều.

Trong nhà có bất cứ tờ giấy bỏ, hoặc tờ lịch nào vứt đi đều có chữ tiếng Anh của ông trong đó. Những từ khó hơn thì ông mua những cuốn sổ để ghi chép lúc rảnh mang ra tập viết. Ông còn nhớ rõ câu nói tiếng Anh đầu tiên ông viết là “What are you doing”.

Hiện nay, mỗi tối ông thường dành hơn 30 phút để lên mạng nói chuyện với người nước ngoài và ngày càng sử dụng thành thạo hơn.

Không chỉ nói chuyện với những người bạn trên mạng, mà việc thành thạo tiếng Anh còn giúp ông chỉ đường cho những người khách nước ngoài đến Việt Nam. Trong cái tủ đồ nghề cắt, sửa chìa khóa kiếm tiền hàng ngày của ông Tường có một ngăn kéo dành riêng cho những quyển từ điển, tài liệu học tập mà ông đã cặm cụi dành dụm hơn nửa đời người.

Cuốn sổ tay ghi chép những từ vựng tiếng Anh và những câu giao tiếp thông dụng của ông Tường.

Cay đắng và hạnh phúc

Bây giờ cuộc đời của ông Tường đã khác, bước sang một trang mới. Tuy vậy, khi đọc được những tâm sự đầy cảm động của ông qua trang giấy, tôi mới hiểu hơn về cuộc đời không như cái tên “Bách Tường” mà ba mẹ đặt cho ông lúc sinh ra với mong sẽ mang lại nhiều ý nghĩa và may mắn.

Ông Tường chia sẻ: “Tôi sinh ra trong một gia đình có 9 người, may mắn thay chỉ mình tôi bị tật bẩm sinh, còn tất cả những người khác đều lành lặn. Một mình tôi bị như vậy là đã khổ cho ba mẹ lắm rồi. Gia đình khó khăn, không có tiền chạy chữa nên sống vậy chứ biết sao giờ…”.

Ngày qua ngày cuộc sống của ông không cất được một tiếng nói, không nở được một nụ cười như bao trẻ thơ khác.

“Tuổi thơ của tôi lớn lên đầy bất hạnh, không được trông nom, chăm sóc. Đến khi lớn lên biết chuyện mình không thể nói được như người bình thường khiến tôi càng mặc cảm”, ông Tường nói vẻ cam chịu.

Nay thì nỗi buồn đã qua, niềm vui đã tới. Hiện ông có một mái ấm gia đình rất hạnh phúc khi năm 1987 ông quen và lấy một người con gái cùng hoàn cảnh câm, điếc như ông. Hạnh phúc tràn ngập hơn khi lần lượt ba cô con gái ra đời, đó là thành quả của một tình yêu chân chính, vượt lên số phận.

Ông Tường đang cặm cụi làm chìa khóa cho khách.

Thế nhưng sau 18 năm chung sống, người vợ đột ngột ra đi sau một cơn đau tim, tưởng chừng như cuộc sống sẽ suy sụp với ông Tường. Nhưng chính nghị lực phi thường và động lực từ 3 người con đã giúp ông nuôi dưỡng và chăm sóc ba cô con gái nên người. Và đến bây giờ niềm hạnh phúc lớn nhất của ông là cả ba con trường thành và có công ăn việc làm ổn định.

Theo MTG

Các tin cũ hơn