Văn phòng tuyển sinh của bà Oanh, nơi thu nhận hồ sơ để “chạy” vào các trường ĐH |
Để biết những điều bà Nguyễn Kiều Oanh, tự nhận là Giám đốc Viện Phát triển công nghệ và giáo dục, nói thật hay chỉ là chuyện lừa bịp, phóng viên đã tiếp tục tìm hiểu thông tin từ hai trong số các trường ĐH mà bà Oanh tư vấn là có thể “chạy” vào được. Đó là Học viện Ngân hàng và Trường ĐH Điện lực.
Trường chỉ nhận về đào tạo, tuyển sinh đã có đơn vị khác lo
Chúng tôi vẫn tỏ ra băn khoăn về những điều bà Oanh đã nói nên đề nghị cho gặp một trường hợp đã “chạy” được. Bà Oanh giới thiệu một vị phụ huynh mà năm trước bà đã chạy cho hai trường hợp là con và cháu họ vào Học viện Ngân hàng và Trường ĐH Điện lực.
|
Vẫn trong vai là người nhà thí sinh tìm hiểu về việc có thật là “chạy” được vào ĐH hay không, phóng viên Thanh Niên đã liên hệ với phụ huynh này. Phụ huynh kể, năm trước họ có cháu chỉ thi được 16,5 điểm nhưng bà Oanh đã chạy cho vào được Trường ĐH Điện lực (năm 2013 điểm chuẩn thấp nhất của trường này là 18,5).
Chúng tôi cũng đã liên hệ với Trường ĐH Điện lực để tìm hiểu thông tin. Ông Bùi Đức Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết mọi năm có tuyển hệ đào tạo theo nhu cầu xã hội còn năm nay đang xin 200 chỉ tiêu từ Bộ GD-ĐT và đang chờ quyết định.
Đồng thời ông Hiền cũng cho biết những thông tin về hệ đào tạo này. Điều quan trọng là những thông tin ấy trùng khớp với những điều bà Oanh đã nói.
Ông Hiền khẳng định: “Học phí theo nhu cầu xã hội gấp đôi, nộp một lần ngay từ đầu, sau đó hòa mình vào sinh viên khác, không có phân biệt gì nữa. Cách thức hằng năm là như vậy”.
Ông Hiền cũng thông tin mức điểm trúng tuyển thấp hơn 2 điểm so với điểm chuẩn của trường. Về cách tuyển sinh, ông Hiền cho biết sẽ do một đơn vị đứng ra lo và trường chỉ nhận về đào tạo.
Ông Hiền nói: “Thông thường là một đơn vị cùng phối hợp với trường xin Bộ (chỉ tiêu - PV) đào tạo cho họ. Ví dụ là đào tạo cho khu vực nào đấy. Hồ sơ do đơn vị đó nhận, nếu có thí sinh thì trường cũng giới thiệu sang đó. Họ làm cam kết theo yêu cầu của họ và họ chuyển cho trường thôi”. Đặc biệt, ông Hiền cho biết việc tuyển sinh thì “không công bố công khai vì đây là tuyển theo cách khác”.
Không có hồ sơ vẫn có giấy báo nhập học
Chúng tôi đến Học viện Ngân hàng đề nghị xác minh trường hợp được cấp giấy báo nhập học mà bà Oanh đang có. Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo cho biết trường có tuyển sinh chương trình hợp tác quốc tế với một trường của Mỹ và đây là chương trình được cấp song bằng nên thí sinh phải có điểm trúng tuyển bằng điểm sàn vào trường (năm 2014 là 19 điểm). Vì vậy, với mức điểm 21 như trong giấy báo nhập học mà trúng tuyển thì đúng quy định.
Tuy nhiên, khi chúng tôi nói rằng đây có thể chỉ là mức điểm giả nên trường cần rà soát lại hồ sơ đăng ký của thí sinh thì ông Dũng đã giới thiệu đến làm việc với Trung tâm hợp tác quốc tế, đơn vị phụ trách tuyển sinh chương trình có đối tượng trúng tuyển nêu trên.
Chúng tôi cũng đã cung cấp hình ảnh giấy báo nhập học của trường do chính ông Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện ký và đóng dấu đỏ mà chúng tôi đã chụp lại để nhà trường xác minh. Sau đó, chúng tôi đã được bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Phó giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế của học viện, gọi điện lại thông báo là trường đã rà soát hồ sơ và không có thí sinh nào tên như vậy nộp hồ sơ vào trường. Khi hỏi tại sao lại có giấy báo nhập học thì bà Thu cũng phủ nhận: “Nhà trường không phát ra giấy báo nhập học nào như vậy”.
Tuy nhiên, ngày hôm sau bất ngờ bà Oanh gọi điện thoại hỏi về việc chúng tôi đến Học viện Ngân hàng có đúng không? Hỏi vì sao bà Oanh biết thì bà kể: “Nhà trường gọi ngay cho em trong chiều hôm qua. Em chỉ cho duy nhất mình chị chụp cái tờ đấy. Chị đến là họ ầm ĩ gọi ngay cho em. Em biết ngay là chị mà”.
Tôi lấy lý do là chỉ đến để hỏi xem có đúng trường hợp mà bà Oanh “chạy” là thật không thì mới yên tâm nhờ vì số tiền “chạy” lớn quá. Bà Oanh tiếp tục kể: “Em thì em nghĩ đơn giản nhưng mọi người thì mắng, bảo tại sao em lại cho chụp như vậy”.
Khi chúng tôi thông tin lại rằng học viện trả lời là không có hồ sơ nào như vậy thì bà Oanh khẳng định: “Hồ sơ bọn em đã nộp vào đâu. Giấy báo nhập học vẫn còn đang cầm đây”. Chúng tôi hỏi: “Phải có hồ sơ nộp vào mới có giấy báo nhập học chứ?”, bà Oanh nói: “Có thì vẫn có chứ. Bao giờ nhập học, bọn em mới nộp hồ sơ. Ngày mai ngày kia em bắt đầu mới nộp chứ. Bây giờ, giấy vẫn còn ở đây, bố mẹ nó ra lấy về mới nhập học được chứ”.
Lúc này tôi mới tin vì sao trong một cuộc điện thoại, khi chúng tôi tỏ ý muốn bà Oanh viết cụ thể nội dung về việc nhận tiền để lo chạy vào Học viện Ngân hàng trong tờ giấy biên nhận tiền đặt cọc, bà cũng sẵn sàng đồng ý và bảo “người thật, việc thật thì chả có gì phải sợ cả”.
Điều đáng nói là tại cuộc trao đổi này, bà Oanh còn nói ra cho chúng tôi nhiều thông tin khác về các trường mà bà đã từng “chạy” vào được, trong đó có rất nhiều trường ĐH lớn ở Hà Nội.
Nhiều cửa để “chạy” Tiếp xúc với bà Oanh, chúng tôi thấy bà có rất nhiều cửa để “chạy” vào các trường ĐH, CĐ nhưng cơ bản vẫn là thông qua việc xét tuyển, trong đó có xét tuyển vào các hệ liên kết quốc tế, đào tạo theo nhu cầu xã hội, hệ chính quy bằng nguyện vọng 2... Tuy nhiên, cửa lớn nhất mà bà Oanh sử dụng vẫn là vào hệ đào tạo theo nhu cầu xã hội (hay còn gọi là đào tạo theo địa chỉ sử dụng) vì chính sách đối với hệ đào tạo này có nhiều kẽ hở mà chúng tôi sẽ phân tích trong bài kế tiếp. |
Bà Oanh không còn là cán bộ Viện Phát triển công nghệ và giáo dục Ngày 23/9, trao đổi với phóng viên, ông Dương Tiến Sĩ, Chủ tịch Hội đồng quản lý, Phó Viện trưởng Viện Phát triển công nghệ và giáo dục tiếp tục khẳng định bà Oanh đã không còn là cán bộ thuộc Viện từ ngày 14/7/2014. Chính ông đã ký quyết định miễn nhiệm bà Oanh cũng vì chuyện bà đã nhân danh Viện phát tờ rơi thông báo tuyển sinh mà Thanh Niên vừa nêu. Còn văn phòng mà bà Oanh vẫn hoạt động nhân danh Viện là trái phép vì Viện không có văn phòng nào như vậy. |
Theo Thanh Niên