Đến lúc phải quy định quyền im lặng

Thứ tư, 24/09/2014, 07:30
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, cơ quan điều tra không muốn đưa quyền im lặng của bị can, bị cáo vào luật tố tụng hình sự.

Quy định về quyền im lặng của bị can, bị cáo lại lần nữa được “xới” lên tại buổi thảo luận ngày 23/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Tổ chức TAND và Luật Tổ chức VKSND sửa đổi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Khi làm việc với Liên đoàn Luật sư và mới đây trong phiên điều trần, giám sát của Ủy ban Tư pháp về bức cung, nhục hình, bỏ lọt tội phạm, có ý kiến đề nghị bị can, bị cáo phải có quyền im lặng cho đến khi có luật sư. Nhiều ý kiến còn nhấn mạnh nguyên tắc tranh tụng phải được đảm bảo, bị can, bị cáo phải có quyền nhờ luật sư để tranh tụng…

Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSND Tối cao đã đáp lại: “Quyền im lặng của bị can, bị cáo đã và đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Khi bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không khai cho đến khi có luật sư. Nếu tự tin bào chữa được thì người ta có quyền nói”.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Thế nhưng ông Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết khi ban soạn thảo của VKS tổ chức góp ý về quyền im lặng thì nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau. Cơ quan điều tra không muốn đưa điều này vào luật, còn luật sư thì lại rất muốn. “Chúng tôi rất muốn có định hướng rõ ràng về nội dung trên, nếu không sẽ cãi nhau rất lớn. Cái này đang rất xung đột, ý kiến khác nhau còn nhiều quá nên chúng tôi chưa dám đưa vào trong luật” - ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Đem vấn đề này trao đổi với nhiều chuyên gia pháp luật, PV ghi nhận được nhiều ý kiến tán đồng: “Đã đến thời điểm chín muồi để quy định về quyền im lặng nhằm bảo đảm tối đa quyền con người”.

Sẽ ngăn được bức cung, nhục hình

Luật tố tụng hình sự hiện nay không có quy định nào về quyền im lặng của bị can, người bị tạm giữ nhưng cũng đã quy định rất rõ là bị can, bị cáo không có trách nhiệm chứng minh mình có tội. Việc chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, do chưa có quy định về quyền im lặng nên nhiều người bị tạm giữ, tạm giam khi không khai đã bị khép lỗi không thành khẩn và bị tăng nặng hình phạt. Còn nếu khai không đúng theo ý chí của cơ quan điều tra có khi bị coi là “khai báo quanh co”, “gian dối”.

Do đó tới đây khi sửa đổi luật tố tụng hình sự mà đưa được quy định về quyền im lặng vào thì rất tốt. Như thế sẽ tránh được tình trạng bức cung, nhục hình để buộc bị can phải khai nhận tội. Đồng thời sẽ hạn chế được tình trạng oan sai vốn đã xảy ra nhiều như thời gian vừa qua.

Đại biểu  Nguyễn Bá Thuyền,  Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Luật sư-ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam:

Phải luật hóa quy định quyền im lặng

Về quyền im lặng, pháp luật hiện hành cũng đã quy định những điều kiện nhất định nhưng chưa đầy đủ. Ví dụ như quy định người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo có quyền có luật sư trong một thời hạn nhất định.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, quyền có luật sư không được thực hiện kịp thời và chỉ sau khi đã có nhiều bản cung trước rồi thì luật sư được mời hoặc được chỉ định mới được tham gia. Hiện Điều 31 Hiến pháp quy định rất rõ người bị tạm giữ, bị bắt, bị can, bị cáo có quyền có luật sư, có quyền bào chữa và có quyền nhờ người khác hoặc luật sư bào chữa.

Hiến pháp cũng quy định nguyên tắc tranh tụng và cũng quy định nguyên tắc suy đoán vô tội. Với nguyên tắc suy đoán vô tội thì người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo phải được đối xử như người không có tội cho đến khi có bản án buộc tội của tòa án.

Lý do nữa, điều này cũng được quy định trong Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đang tham gia. Tiếp nữa, chúng ta đang hội nhập với các nước, hội nhập WTO, tiến tới cộng đồng chung ASEAN, đang thương lượng gia nhập TPP… Tất cả sự hội nhập này dẫn đến quan hệ giữa các nước, doanh nghiệp và người dân với nhau sẽ được tăng cường mạnh mẽ. Như vậy, nếu có phạm pháp xảy ra sẽ xử theo quy trình giống nhau.

Các nước xung quanh, kể cả các nước gần chúng ta nhất, gần như họ đều quy định quyền im lặng của người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo. Có thể nói Việt Nam đã chậm trễ trong việc luật hóa quy định này.

Quyền im lặng sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn cho công lý, cho quyền con người và hoạt động tư pháp. Nó thể hiện ở chỗ công dân khi bị tình nghi và bắt buộc phải khai báo với cơ quan điều tra, họ biết là họ có luật sư, đồng thời họ được luật sư tư vấn một cách hợp pháp. Khi đó lời khai của họ sẽ công bằng, khách quan hơn, hiện tượng phản cung sẽ giảm đi rất nhiều, hiện tượng mớm cung, bức cung và nhục hình cũng sẽ giảm đi vì khi có những hiện tượng đó họ sẽ báo cho luật sư biết ngay.

TS-luật sư Phan Trung Hoài, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam:

Là nguyên tắc tiến bộ

Quyền im lặng (hay nguyên tắc Miranda) là một trong những quyền hết sức quan trọng của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, được pháp luật tố tụng hình sự của nhiều nước trên thế giới ghi nhận.

Khi một người bị tình nghi phạm tội, bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ, cơ quan điều tra phải thông báo cho họ biết về quyền im lặng cho đến khi có sự hiện diện của luật sư do mình yêu cầu hoặc do cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định (khi họ không có khả năng thanh toán phí luật sư). Nếu họ khai báo mà không có mặt luật sư thì lời khai đó sẽ là bằng chứng chống lại họ. Đó là một nguyên tắc tiến bộ, phổ quát trên thế giới nhưng lại chưa được pháp luật tố tụng hình sự nước ta ghi nhận.

Hiện nay trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã kiến nghị cần ghi nhận quyền này nhưng cần điều chỉnh cho phù hợp với mô hình tố tụng hình sự và đặc điểm lịch sử cụ thể sự vận hành hệ thống tư pháp của nước ta.

Cụ thể, cùng với việc xác định quyền tự bào chữa và nhờ luật sư và người khác bào chữa đã được quy định trong Hiến pháp, điều quan trọng nhất hiện nay là khi bắt giữ, tạm giam người bị tình nghi phạm tội, cơ quan điều tra và điều tra viên phải thông báo và lập biên bản, giải thích quyền này cho người bị bắt, tạm giữ, tạm giam và tạo điều kiện cho luật sư tiếp cận ngay từ đầu để trợ giúp pháp lý cho họ.

Trên cơ sở đó, luật sư phải được chủ động gặp, trao đổi và tư vấn cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, được quyền thu thập và hỗ trợ thu thập chứng cứ nhằm chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Lo ngại tòa “lấn át” cơ quan truy tố, điều tra

Góp ý dự thảo Luật Tổ chức TAND và Luật Tổ chức VKSND sửa đổi, nhiều thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại việc cho phép tòa án có quyền kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử hoặc tòa án có quyền điều tra, xác minh bổ sung chứng cứ trong trường hợp cần thiết đối với các vụ án hình sự dễ “làm loạn” quá trình điều tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng công tác điều tra, thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra.

“Thực tế ở Việt Nam cũng như trên thế giới không có quy định tòa án có thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ, trừ thẩm quyền điều tra, thẩm vấn tại phiên tòa” - ông Hiện nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị tòa án chỉ nên xem xét hồ sơ, nếu thấy hồ sơ đủ điều kiện thì mở phiên tòa xét xử. Còn nếu không đủ thì trả lại hoặc tự đi xác minh bổ sung.

“Khi xét xử và trong quá trình tranh tụng, nếu nhận thấy “ông” điều tra, truy tố có vấn đề thì tòa có quyền xác minh, làm rõ. Chứ tòa mà lại được phép nhảy vào khâu điều tra, truy tố thì sẽ “làm loạn” quá trình điều tra” - ông Hùng thể hiện quan điểm.

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, nếu như tòa án tham gia ngay từ đầu quá trình tố tụng thì sẽ “lấn sân” của các cơ quan chức năng khác. “Tòa án không thể xem xét việc khởi tố là sai hay đúng. Đối với vụ án, nếu tòa có thể xác minh thêm mà không phải trả hồ sơ điều tra cho VKS thì được. Chứ còn những việc khác thì không phù hợp” - ông Bình nói.

Về phạm vi, nội dung, chức năng thực hành quyền công tố của VKSND được quy định trong dự thảo Luật Tổ chức VKSND, ông Hiện cho hay: “Theo Ủy ban Tư pháp, kết quả giám sát thời gian qua cho thấy việc giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm còn tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Trong khi đó, những hoạt động này được tiến hành trước khi khởi tố vụ án. Do đó nếu chỉ quy định VKSND thực hành quyền công tố từ khi khởi tố vụ án hoặc từ khi khởi tố bị can thì không ràng buộc được trách nhiệm của VKS, không đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm. Vì vậy Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định thời điểm thực hành quyền công tố ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm”.

Theo Pháp Luật Online

Các tin cũ hơn