Đã nghe đã thấy: “Tiếng Anh tích hợp” và câu chuyện lòng tin

Chủ nhật, 06/07/2014, 07:30
Chuyện thí điểm Chương trình tiếng Anh tích hợp đã biến thành một cuộc chẻ chữ đầy biến tấu của Sở GD&ĐT TP.HCM và Tập đoàn EMG Education - đối tác của Sở trong việc thực hiện chương trình này khi trả lời thắc mắc của công luận.

Để thuyết phục mọi người rằng cái chương trình này là “hàng xịn”, “hàng chính hãng”, Sở GD&ĐT TP.HCM và Tập đoàn EMG cho biết đã làm việc với Bộ Giáo dục Anh và Cơ quan Quản lý và Khảo thí quốc gia Anh (STA). Tại cuộc họp báo ngày 23-6, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn cho biết: “Bộ Giáo dục Anh có phối hợp thực hiện chương trình theo bản quyền của họ!” và “Đây là chương trình của Bộ Giáo dục Anh, đã được sự đồng ý của chuyên gia giáo dục Anh. Bộ và Sở đều có hội đồng thẩm định và đã làm việc về mặt nội dung tích hợp chương trình!”. Trả lời báo Tuổi Trẻ,  bà Nguyễn Phương Lan, Phó Chủ tịch EMG, cho biết chuyến đi làm việc với Bộ Giáo dục Anh, đoàn đã được đón tiếp rất “nồng hậu”… Rằng STA đã cấp giấy chứng nhận đàng hoàng cho EMG…

Ai hiểu tiếng Việt đều biết sự phối hợp dùng để chỉ sự thống nhất ý chí giữa hai bên để thực hiện một việc, trong đó có nêu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ, có những cam kết và ràng buộc. Với những tuyên bố trên, dư luận tin sái cổ rằng chương trình tiếng Anh tích hợp chắc hẳn được phối hợp thực hiện và giám sát chặt chẽ cả về giáo trình, giảng dạy và khảo thí bởi một trong những cơ quan quản lý giáo dục nổi tiếng toàn cầu.


Ảnh biếm họa - Nguồn: Pháp luật TP.HCM

Trong khi đó, ông Tổng Lãnh sự Anh tại TP.HCM cho biết không hề có cái gọi là thỏa thuận, rằng đây là chương trình miễn phí trên mạng, ai đăng ký thì được lấy về. STA và Bộ Giáo dục Anh chỉ có chức năng làm việc trên cấp độ nhà nước. EMG là một công ty nên không thể nào có quan hệ hợp tác với STA hay Bộ Giáo dục Anh.

Những phát biểu ban đầu của Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hồng Sơn mang lại cho người nghe cảm giác mình đang mua hàng chính hãng, hàng hiệu với chế độ bảo hành và hậu mãi chu đáo. Còn sự thật cho thấy đây là hàng được mời dùng, chỉ cần đăng ký là được xài và không có sự ràng buộc trách nhiệm nào giữa chủ bản quyền với người sử dụng nó. Đến đây thì Sở GD&ĐT bắt đầu chẻ chữ, ông Lê Hồng Sơn nói rằng mình chưa bao giờ tuyên bố giữa Sở và STA có sự hợp tác mà chỉ nói là hai bên đã có những buổi làm việc! Oai hơn, ông còn yêu cầu ông Tổng Lãnh sự Anh cải chính!

Ông Lê Hồng Sơn và lãnh đạo Sở có thể giải thích những gì đã phát ngôn theo cách của mình nhưng tin hay không tin lại là quyền của công chúng. Thay vì giải thích rõ ràng cho phụ huynh và công luận thì lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM lại có cách diễn giải lập lờ và chống chế. Mà lập lờ hay chống chế đều không phải là điểm tựa của lòng tin.

Theo Pháp luật TP.HCM

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích