Suối đổi nhiệt độ theo mùa
Suối Khe Xanh ở xóm Bắc Sơn (xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, tỉnh nghệ An) có từ trước khi lập làng, là nơi cung cấp nước cho người dân sinh hoạt và tưới tiêu đồng ruộng. Điểm đặc biệt là con suối được hình thành từ ba mạch nước, mạch trên cùng là Mó Cả Quan, ở giữa là Mó Tôm, mạch cuối cùng không có tên. Riêng Mó Tôm vào mùa đông lại trở thành mạch nước nóng.
Người dân trong làng có cái thích thú tiện lợi là mùa đông không phải đun nước, cứ ra Mó Tôm tắm nước nóng thỏa thích. Mùa hè dù trời nắng nóng đến 40 độ nhưng chỉ cần ngâm mình dưới nước suối, hai bên là vách núi đổ bóng râm, mọi cái nóng nực đều tan biến, cảm giác khoan khoái như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác.
Truyền thuyết kể rằng xưa kia vùng này là cổng trời. Nước từ con suối nơi cổng trời là nước thánh, ai tắm ở đây sẽ được mạnh khỏe. Do đó Khe Xanh còn có tên gọi khác là Suối Tiên, được người dân tôn thờ và giữ gìn vệ sinh tuyệt đối. Theo người dân, nước suối ở đây lúc nào cũng đầy ăm ắp, ngay cả khi các giếng nước và con suối trong làng đều cạn kiệt trơ đáy trong những năm hạn hán kéo dài. Nhiều hôm, người từ các nơi đến lấy nước phải xếp hàng dài cả cây số.
Chính những đặc điểm khác biệt của con suối đã khiến người dân tin rằng nước suối có khả năng làm đẹp da cho chị em. Từ xưa con gái làng Bắc Sơn đã nổi tiếng xinh đẹp. Các cô gái đều có làn da trắng hồng mịn màng, mái tóc đen và rất mượt mà. Ai đến nơi đây cũng lấy làm kỳ lạ vì thấy dân cư trong vùng chủ yếu làm nông nghiệp, suốt ngày phải dãi nắng dầm mưa cày cuốc, trồng trọt, nhưng không hiểu sao con gái trong làng lại rất xinh xắn trắng trẻo.
Mặc dù đều hít thở một bầu không khí, có chung một môi trường sống nhưng con gái các làng xung quanh không có được nước da đẹp như gái làng Bắc Sơn. Dân trong vùng không tìm ra được lý do nào ngoài việc người Bắc Sơn được tắm suối Khe Xanh từ nhỏ đến lớn. Lời đồn nước suối giúp trắng da lan truyền khắp nơi khiến đàn bà, con gái các làng lân cận nô nức tìm đến “tắm trắng”.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng xóm Bắc Sơn cho biết: “Nước ở suối Khe Xanh quả thật thay đổi nhiệt độ theo mùa, mùa hè thì mát, mùa đông thì nóng. Nhưng có phải do tắm suối mà phụ nữ ở đây đều có nước da đẹp hay không thì không rõ. Chỉ thấy thực tế trong làng, phụ nữ có làn da trắng mịn chiếm đa số, rất ít người da ngăm đen”.
Suối Khe Xanh. |
Một người dân hào hứng kể: “Có điều lạ là khi ngâm mình xuống nước suối Khe Xanh sẽ thấy làn da trắng bóc một cách lạ thường. Nhưng khi lên bờ màu da lại trở lại bình thường. Tắm xong ai cũng sẽ thấy cơ thể khỏe khoắn, tinh thần thoải mái hơn. Dân trong vùng đều nghĩ nhờ nước suối này mà người dân Bắc Sơn ít bị ốm đau bệnh tật”.
Tuyệt tác tự nhiên gắn với giai thoại lịch sử
Ngoài tác dụng làm đẹp kỳ diệu của nước suối như lời đồn, suối Khe Xanh đã là một tuyệt tác thiên nhiên hiếm thấy. Dưới đáy suối là lớp đá trắng phau, nhẵn nhụi. Hai bên bờ là những vách đá tự nhiên mang nhiều hình thù tựa như hình con cá, con chim, con hạc, tạo thêm phần huyền bí, thơ mộng.
Nước suối trong vắt, đứng trên bờ nhìn xuống không chỉ thấy những hòn đá nhỏ phía dưới đáy mà còn thấy bọt tăm của ba mạch nước sủi từ dưới lên, chứng tỏ nước suối bắt nguồn từ trong lòng đất chứ không phải ở các khe núi chảy ra như những con suối khác trong vùng.
Suối Khe Xanh gắn bó với những câu chuyện lịch sử thời Lê Lợi. Cụ Trương Văn Đại (71 tuổi), một cao niên trong làng cho biết nơi đây từng là nơi đóng quân của nghĩa quân Lam Sơn. Những ngày hè nóng nực, Lê Lợi lại cùng các tướng lĩnh của mình ra Khe Xanh bơi lội, do đó người dân gọi tên mạch nước trên cùng là Cả Quan chỉ nơi các quan ông trong nghĩa quân tắm.
Ở gần suối còn có đền Khe Xanh thờ Đức ông Lê Mạnh, một trong những tướng lĩnh trong nghĩa quân. Theo lời kể truyền lại, Lê Mạnh tử trận trên lưng ngựa, con ngựa mang xác chủ chạy về gần suối thì kiệt sức gục xuống chết. Chỉ một lát sau các ụ mối ùn lên bao quanh vị trí đó tạo nên một ngôi mộ lớn. Để tưởng nhớ công lao của vị tướng và con ngựa trung thành, người dân địa phương đã lập một đền thờ ngay tại Khe Xanh.
Đền Khe Xanh bên dòng suối. |
Điều lạ, đền vừa lập xong thì đêm ấy có một đàn voi kéo về. Nghe tiếng voi rống trên đền người dân sợ hãi không dám ra. Ai cũng tưởng đền đã bị voi quật hư hỏng nhưng không ngờ khi voi đi, ngôi đền vẫn còn nguyên mặc dù đã bị đàn voi kéo đổi hướng thành song song với bờ suối. Cho rằng vong linh tướng quân muốn hướng nhìn ra suối nên từ đó đến nay người dân vẫn giữ hướng đến như vậy dù qua nhiều lần tu sửa.
Không ai dám xâm phạm
Khu vực xung quanh suối và đền thờ dù đất đai rộng lớn bằng phẳng nhưng không hề có hộ dân nào sinh sống. Chỉ có duy nhất một mái nhà nhưng đã bỏ hoang. Đem chuyện hỏi người dân địa phương, được biết, cách đây hơn 10 năm có một người lên gần suối Khe Xanh ở để tiện trông coi ruộng vườn. Nhưng mới chuyển lên một thời gian ngắn gia đình đã gặp rất nhiều chuyện kỳ lạ.
Cơm nấu xong chưa kịp ăn thì thức ăn đã ôi thiu. Nước đun chưa kịp uống thì đã cạn. Các thành viên trong nhà thường xuyên ốm đau bệnh tật. Đi xem bói lại được các “thầy” phán nguyên nhân do họ lên sống và chăn nuôi gần đền và suối, làm ô uế chốn linh thiêng nên gặp chuyện không may. Gia đình vội gói gém đồ đạc chuyển đến vùng khác, ngôi nhà đã làm kiên cố vẫn bỏ hoang đến ngày nay.
Ngôi đền bên bờ suối này nổi tiếng linh thiêng. Cách đây khoảng 35 năm, công nhân của công trường đem máy ủi đến san bằng đất đai để trồng trọt, định san lấp suối và đền Khe Xanh. Nhưng khi các máy ủi còn cách khu vực này khoảng 5m tự nhiên đều chết máy. Các lái xe sợ hãi không dám tiến lên. Duy nhất một người bất chấp sự ngăn cản của dân làng điều khiển xe ủi tiến tới. Bỗng từ đâu một con rắn hổ mang lao ra cắn người lái xe chết ngay tại chỗ. Mọi người hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Từ đó công trường bỏ ý định san lấp con suối và ngôi đền.
Ngoài ra người dân địa phương vẫn còn nhớ như in câu chuyện xảy ra cách đây 7 năm cũng về cái chết đột ngột của một người đàn ông trong làng. Cạnh suối Khe Xanh vốn có một cây săng lẻ hàng trăm năm tuổi. Người kia đã tự tiện đốn cây lấy gỗ về làm nhà, sau đó không lâu bị một con trâu rừng húc chết.
Những vụ người chết do rắn cắn, trâu rừng húc chỉ là tai nạn ngẫu nhiên, nhưng người dân từ đó càng tuyệt nhiên không dám xâm phạm khu vực suối và đền. Ngoài việc đến tắm, lấy nước về dùng, không ai dám xả rác làm ô uế nơi này. Thậm chí cả ngôi nhà hoang gần đó cũng không ai bén mảng.
Theo Pháp Luật Việt Nam