Nói dối bác sĩ
Theo ghi nhận của bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương, khoảng 30-40% các bệnh nhân nhập viện do nhiễm khuẩn liên cầu lợn đều có tiền sử ăn tiết canh lợn. Có nhiều trường hợp khi nhập viện do bị mắc liên cầu lợn, nhưng khi các bác sĩ hỏi có ăn tiết canh lợn không, nhiều bệnh nhân đã giấu, nói không ăn tiết canh lợn. Đến khi các bác sĩ bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương hỏi những người thân của bệnh nhân thì họ nói là có ăn tiết canh lợn.
Vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis) ký sinh trực tiếp trong vòm họng lợn, ngay cả khi con lợn vẫn khỏe mạnh. Khi lợn bị ốm, mắc bệnh, sức khỏe yếu, vi khuẩn liên cầu sẽ tấn công mạnh gây viêm phổi và nhiễm trùng máu. Chính vì vậy, khi những người ăn tiết canh lợn, họng lợn hay thịt lợn chưa được nấu chín sẽ có nguy cơ mắc bệnh liên cầu lợn. Đặc biệt, nếu ăn phải lợn bị bệnh, ốm đau thì nguy cơ mắc bệnh liên cầu lợn sẽ rất cao.
Tuy nhiên, phát bệnh liên cầu lợn sẽ tùy vào từng cá nhân ăn, có thể cùng một con lợn có 4-5 người ăn, nhưng chỉ có một người bị mắc bệnh. Nhưng cũng có thể tất cả những người ăn đều mắc bệnh (nếu ăn phải lợn mắc bệnh).
Trong điều kiện lợn bình thường, sẽ có khoảng 15% số lợn có liên cầu lợn, nên khi lợn bị ho hoặc hắt hơi, những người tiếp xúc với lợn hoặc ăn các sản phẩm từ lợn vẫn có nguy cơ mắc bệnh, tuy nhiên trong điều kiện này, nguy cơ mắc bệnh sẽ thấp hơn.
Trong điều kiện đặc biệt (lợn có dịch bệnh), trên lợn 15% trong tổng số lợn sẽ có liên cầu lợn, trong trường hợp này liên cầu lợn sẽ gia tăng mạnh. Nó không chỉ xuất hiện ở vòm họng lợn mà còn ở các bộ phận nội tạng. Khi lợn bị bệnh, số vi khuẩn liên cầu lợn sẽ tăng cao, số nội tạng bị nhiễm khuẩn cũng sẽ gia tăng, vì vậy, nguy cơ lây bệnh sang người sẽ rất cao.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Phó trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trung ương) cho biết: "Thời kỳ đỉnh điểm xuất hiện liên cầu lợn ở người thường xảy ra vào thời gian xảy ra các đợt dịch bệnh ở lợn. Ngoài ra, các ca nhập viện do mắc liên cầu lợn thường gia tăng vào các dịp tết, bởi dịp này người dân thường "vui mồm vui miệng", hay ăn tiết canh lợn, thịt sống… để tổng kết cuối năm. Hầu như tết năm nào cũng có nhiều trường hợp mắc liên cầu lợn, các bệnh nhân phải nhập viện trong ba ngày tết, nhiều bệnh nhân đã tử vong dịp này".
Những con lợn có biểu hiện ốm đau, mắc dịch bệnh thì không nên giết mổ, mà cần có những biện pháp tiêu hủy an toàn.
Không tử vong thì mắc nhiều di chứng!
Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, hiện tại có hai thể đối với bệnh liên cầu lợn: Thể nhiễm trùng huyết, tức là các bệnh nhân thường sốt cao, xuất hiện các ban hoại tử trên da (da tím tái, đen), gây tắc mạch hoại tử chân tay, một số bệnh nhân nặng sẽ bị sốc.
Ngoài ra, các trường hợp nặng hơn có thể bị suy đa phủ tạng, cuối cùng là tử vong. Các trường hợp cứu sống được để lại các di chứng như: Tắc mạch hoại tử ở chân và tay, trường hợp này sẽ phải cắt cụt ngón chân, ngón tay, có khi phải cắt cụt cả bàn chân, bàn tay. Những người ở thể này, nếu bị suy đa phủ tạng thì tử vong trên 40%.
Bệnh nhân bị suy đa phủ tạng nếu điều trị sẽ rất tốn kém, nếu xử lý sạch phủ tạng mà không hồi phục được thì vẫn tử vong. Suy đa phủ tạng cũng là căn bệnh nặng nhất trong thể nhiễm trùng máu, là bệnh chết nhiều nhất. Đối với thể này cũng để lại di chứng ở các khớp, mắt và một số nơi khác gây di chứng, di bệnh.
Thứ hai là thể viêm màng não mủ: Các bệnh nhân ở thể này thì hầu hết là chữa khỏi, tuy nhiên gần 4% bệnh nhân sẽ để lại di chứng điếc tai. Các biểu hiện của thể này là sốt, đau đầu, buồn nôn, trường hợp nặng hơn có thể hôn mê, không điều trị kịp thời và điều trị không hiệu quả sẽ dẫn tới tử vong.
Thời gian trung bình phát bệnh liên cầu lợn ở người dao động từ 3-5 ngày, kể từ khi ăn các sản phẩm từ lợn.
Bác sĩ Cấp cho biết, đối với người mắc vi khuẩn liên cầu lợn thường được điều trị bằng kháng sinh thông thường. Nhưng để khắc phục hậu quả của liên cầu lợn gây ra vẫn là điều khó khăn với ngành y. Khi vi khuẩn liên cầu lợn đã vào máu, nó sẽ tấn công khắp cơ thể con người, có thể sẽ bị viêm màng não.
Theo Người Đưa Tin