Tiến sĩ Nguyễn Nhã |
“Giàn khoan 981 hay Hoàng Sa, Trường Sa luôn là chất men khơi gợi lòng yêu nước của toàn dân để từ đó có thể Việt Nam sẽ thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc”, tiến sĩ Nguyễn Nhã nói.
Nhiều lần làm khổ Việt Nam
- Thưa tiến sĩ, tại sao ông lại cho rằng, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương–981 vào vùng biển Việt Nam là cơ hội cho chúng ta?
Với việc đặt giàn khoan ở Biển Đông, Trung Quốc cho rằng đó là thời cơ của họ. Tại vì bên ngoài những đối thủ của họ như Mỹ, các nước phương Tây đang có nhiều vấn đề phải lo như vấn đề Ukraina.
Giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc ở vùng biển Việt Nam. |
Tiếp nữa, Trung Quốc nghĩ rằng việc họ kéo giàn khoan, cũng như bao lần trước Việt Nam sẽ phản ứng yếu ớt. Rồi trong nội tại Trung Quốc đang có nhiều mâu thuẫn, họ nghĩ việc kéo giàn khoan vào Biển Đông để tạo sự đoàn kết trong nội bộ của họ. Cuối cùng họ muốn thực thi đường "lưỡi bò" biến Biển Đông thành ao nhà của họ.
Việc kéo giàn khoan này cũng là dịp để Trung Quốc muốn "nhắc nhở" Việt Nam. Sau thời điểm 30/4/1975, Tổng bí thư Lê Duẩn đã không theo Trung Quốc nên Trung Quốc đã có một số trả đũa như cắt chi viện hay ủng hộ Pôn Pốt chiếm đảo Thổ Chu của Việt Nam, tạo ra chiến tranh biên giới Tây Nam. Họ muốn nhắc nhở sẽ cho Việt Nam "một bài học" tương tự như vậy.
Tàu Trung Quốc hung hăng đâm tàu Kiểm ngư đang làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. |
Vì sao tôi lại cho rằng đây là cơ hội cho Việt Nam. Bởi việc Trung Quốc kéo giàn khoan ra Biển Đông khiến ta không còn mơ hồ gì nữa về mối quan hệ anh em này từ đó thúc đẩy lòng yêu nước trong nhân dân. Nhân cơ hội này ta có thể khẳng định rằng Việt Nam không phải là sân sau của Trung Quốc như một số ý kiến đã nêu.
Phân tích tìm hiểu kỹ, tôi thấy Trung Quốc chỉ theo chủ nghĩa cực quyền Đại Hán và nhiều lần làm khổ Việt Nam. Như cải cách ruộng đất ảnh hưởng Trung Quốc đã làm khổ hàng triệu người Việt, rồi họ giúp mình thời kỳ 1954 để sau đó đưa Việt Nam lên bàn cân trong hội nghị Giơnevơ, rồi năm 1972 họ cũng làm khổ ta, rồi năm 1974 họ chiếm Hoàng Sa…
Ông Lê Duẩn đã từng nói Trung Quốc chưa bao giờ muốn Việt Nam mạnh mà chỉ muốn Việt Nam lệ thuộc TQ. Và sự thực có một giai đoạn Trung Quốc chi phối Việt Nam quá đáng. Tất cả các học tập, trải nghiệm của nhiều cơ quan của Việt Nam đều sang Trung Quốc…
Trung Quốc không ngờ chính thời điểm đặt giàn khoan sau 30/4/2014 là khơi dậy tinh thần yêu nước vốn có của người Việt Nam lên cao chưa từng thấy, tạo thời cơ cho Việt Nam khẳng định Việt Nam không là sân sau của Trung Quốc.
Tranh thủ sự ủng hộ của thế giới
- Thưa tiến sĩ, trước mắt và lâu dài, Việt Nam cần làm gì trước những diễn biến mới này?
Riêng về giàn khoan, ta phải trường kỳ kháng chiến chống lại việc Trung Quốc đang xâm phạm khu đặc quyền kinh tế của mình. Chúng ta cần khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Khi kiện ra tòa thì Trung Quốc sẽ phải đối mặt với luật pháp quốc tế. Nếu anh bất chấp tuân thủ luật pháp thì về lâu dài thế giới sẽ không ai chấp nhận anh cả.
Súng trên tàu Trung Quốc mở bạt và chĩa thẳng về tàu Việt Nam ở biển Hoàng Sa. |
Ngược lại hành động không tuân thủ luật pháp của Trung Quốc sẽ khiến thế giới, các nước mạnh ủng hộ Việt Nam.
Song song đó Việt Nam cần tìm mọi cách phát triển kinh tế mạnh như Nhật Bàn, Hàn Quốc, Singapore… để tránh bị lệ thuộc. Khi kinh tế mạnh lên, không phụ thuộc vào ai thì tự nhiên mình thoát thôi. Lúc đó việc hợp tác giữa hai bên trên cơ sở hai bên đều có lợi trên quan hệ sòng phẳng chứ không lệ thuộc.
- Trong những giải pháp ông đưa ra đáng chú ý là giải pháp phát triển kinh tế biển, từ đó biến Việt Nam thành cường quốc biển. Ông có thể phân tích thêm về giải pháp này?
Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế biển. Tiêu biểu như cảng Vân Phong là cảng nước sâu vào loại sâu nhất thế giới, có nhiếu thế mạnh để phát triển thành cảng quốc tế thu hút tàu bè nước ngoài rồi thu ngoại tệ. Rồi cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn… cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực. Ở đây mình cần tập trung phát triển cảng nào có nhiều lợi thế chứ không phải làm giàn trải, địa phương nào cũng có cảng như thời gian qua.
Dù ở trong vùng biển của Việt Nam nhưng tàu cá Trung Quốc (tàu to, bìa trái hình) ngang nhiên đánh bắt và đe dọa tàu cá Việt Nam. |
Rồi Việt Nam còn có hơn 20 thành phố “mặt tiền” bờ biển có thể phát triển du lịch, nuôi trồng thủy hải sản. Nhân đây tôi cũng muốn nói tiếng Việt của ta rất hay. Trong khi từ Hán Việt gọi đất nước là giang sơn, tức là chỉ có sông và núi thì người Việt Nam mình gọi là đất nước. Ở đây khái niệm đất nước được thể hiện đầy đủ và toàn diện hơn, gồm cả đất, nước, sông, núi, hồ, biển…
Trung Quốc đang tự cô lập mình
- Theo ông Việt Nam được gì, mất gì sau hai tháng Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam?
Việt Nam được nhiều hơn mất. Cái được lớn nhất là lòng yêu nước của toàn dân được thể hiện. Tiếp nữa là Việt Nam đã rất thành công trên mặt trận ngoại giao. Bây giờ Trung Quốc có nói cái gì thế giới cũng không tin vì Trung Quốc chỉ giỏi nói mà không có bằng chứng. Trung Quốc có nói tàu Việt Nam đâm va tàu Trung Quốc hàng ngàn lần mà không có lấy một hình ảnh thì ai tin. Trong khi ngược lại hình ảnh của Việt Nam đưa ra rất nhiều. Nếu cứ như vậy Trung Quốc sẽ tự bị cô lập trên toàn thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Việt Nam sẽ không cô đơn Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông không chỉ là cơ hội cho Việt Nam thoát Trung mà còn là cơ hội để các nước cùng chung mối nguy Trung Quốc sẽ liên minh, liên kết với nhau. Việt Nam sẽ không bao giờ cô đơn trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Hiện nay có nhiều nước đề nghị liên minh an ninh biển với Việt Nam, trong đó đáng chú ý nhất là Nhật Bản và Ấn Độ. Đây là hai nước từ trước đến nay luôn ở thế đối trọng với Trung Quốc mà Việt Nam cần quan tâm. Hai nước này đủ sức để đương đầu với Trung Quốc. |
Theo Thanh Niên