Bỏ xưng hô "chú-cháu" nơi công sở: Quy chuẩn cứng nhắc khó thành công!

Thứ tư, 02/07/2014, 12:45
Chuyên gia ngôn ngữ Phạm Văn Tình cho rằng bỏ xưng hô "chú-cháu", "bác-cháu" nơi công quyền là một điều nên làm trong xu hướng phát triển của xã hội hiện nay. Tuy nhiên, điều này không dễ để có thể thay đổi nhanh chóng.

PV đã có cuộc trao đổi với PGS TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) về vấn chuẩn hóa cách xưng hô trong văn hóa công sở:

Là chuyên gia về ngôn ngữ học, ông có đồng tình với việc sẽ bỏ xưng hô “chú-cháu”, “bác-cháu” nơi công quyền theo dự thảo quy định của Bộ Nội vụ đang xây dựng?

- Việc xưng hô trong xã giao đã được bàn đến từ rất lâu nhưng gần đây lại được bàn đến nhiều hơn. Bởi người ta thấy xưng hô theo kiểu gia tộc hóa vẫn còn khá phổ biến, khi vào công sở hay ở những hoạt động có tính cộng đồng mà vẫn đem những điều này vào thì nghe thật không ổn. Đây là một dự định nên làm và theo tôi có lẽ sẽ được nhiều người tán thành.

Tuy nhiên, có thực thi được hay không là cả một vấn đề, không hề đơn giản. Bởi cái xưng hô không chỉ liên quan đến ngôn ngữ giao tiếp mà còn liên quan tới văn hóa ứng xử. Cho nên, việc áp dụng nó theo một quy chuẩn cứng nhắc quả không dễ.

Thường đối với người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng, vấn đề tuổi tác cũng là một giá trị, thể hiện sự kính trọng với người cao tuổi. Khi lần đầu tiên tiếp xúc, nếu muốn thiết lập một cuộc giao tiếp thật sự thoải mái thì người ta cần phải xác lập được một cái vai xưng hô. Tiêu chí quan trọng để xác lập được cái đấy là yếu tố tuổi tác. Đây cũng là cách ứng xử đầu tiên mà đa số người Việt Nam hiện đang chấp nhận.

Chuyên gia ngôn ngữ học PGS.TS Phạm Văn Tình

Nếu dự thảo này đi vào triển khai, sẽ có thể có trường hợp công chức tầm tuổi “ông” cũng vẫn được gọi là “anh”, ông nghĩ sao về điều này?

- Nếu giờ đến công sở bỏ xưng hô “chú-cháu”, “bác-cháu” mà thay bằng “anh-tôi” thì cũng được. Tuy nhiên, có thể sẽ gây ra sự không thiện cảm đối với những người mà mình tiếp xúc lần đầu. Có thể nhiều người sẽ thông cảm, nhưng cũng rất nhiều người chưa quen với việc này.

Ví dụ khi gặp một người tương đối già mà một cô sinh viên vừa ra trường gọi bằng anh xưng tôi thì sẽ có thể bị coi là thất lễ. Không ít người vẫn thích được gọi anh, song không phải ai cũng thế. Theo tôi, ngay cả những người thích gọi "anh" thì chắc họ vẫn có một sự đánh giá ban đầu về cô gái này là thiếu lịch sự.

Bởi tầm tuổi đáng bằng bố, bằng bác cô ta mà lại nghe gọi bằng anh thì có thể có cảm giác bị xách mé. Và ngược lại, chính cô gái chắc cũng cảm thấy “ngượng” khi nói và cũng không biết phải xưng hô như thế nào cho phải. Vì vậy, ăn chắc nhất vẫn là lấy vị thế của tuổi tác để lựa chọn cặp từ xưng hô cho phù hợp.

Theo tôi, nếu so với trước đây, thì việc xưng “anh-tôi” trong những tình huống như câu chuyện của cô gái giờ không còn hiếm nữa và rồi người ta cũng sẽ quen dần thôi.

Như vậy, điều này có đi ngược với văn hóa giao tiếp, ứng xử của người Việt Nam từ trước tới nay, thưa ông?

- Điều này hoàn toàn khó phù hợp với văn hóa của người Việt Nam từ xưa đến nay. Vì vậy, theo tôi, nếu áp dụng một cách quá nhanh và cứng nhắc thì sẽ khó đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, khi mà những người trong cuộc giao tiếp có được một sự thỏa thuận chấp nhận với nhau, thì  theo tôi việc xưng hô là “anh/chị-em” sẽ khiến người trong cuộc có một sự thoải mái nhất định. Điều này cũng giúp những người trẻ cảm giác không bị lệ thuộc một điều gì. Vì vậy, xưng “anh-em” hay “chị-em” có thể là một giải pháp mà theo tôi là phù hợp hơn “ông-tôi” hay “bác-cháu”, “chú –cháu” ,….

Bởi thực sự khi xưng hô là “bác” hay là “ông” với “cháu” thì vẫn sẽ có một khoảng cách, mà khó có sự chia sẻ. Vì vậy, nếu cặp từ xưng hô khiến hai người trong cuộc giao tiếp thoải mái và cảm thấy được tôn trọng, thì cặp từ xưng hô “anh-em” theo tôi hoàn toàn có thể được.

Với những trường hợp người cùng huyết thống làm cùng cơ quan, hay dù không cùng cơ quan nhưng vì tính chất công việc vẫn phải có những tương tác với nhau ở những môi trường công sở, theo ông sẽ làm sao cho thỏa đáng?

- Trong công sở cũng cần phân biệt hoạt động tương tác của từng người với nhau và hoạt động trong bối cảnh nhiều người. Chỗ nhiều người thì ngôn từ giao tiếp đòi hỏi phải trang trọng và chuẩn về cách xưng hô, nhưng khi chỉ có hai người tương tác với nhau thì có thể không theo các nghi thức kia khống chế mà tùy bối cảnh, cho dù đứng trong khuôn viên công sở.

Riêng về hai người có quan hệ huyết thống, khi chỉ hai người thì chắc chắn sẽ xưng hô theo đúng thứ bậc trong gia tộc, không thể vượt giới hạn nhưng khi trong cuộc họp thì tất nhiên họ vẫn sẽ phải sử dụng một cặp từ xưng hô sao cho thích hợp. Một cách có thể dùng thay cho các cặp từ xưng hô là gọi theo chức danh, ví dụ như: “đề nghị đồng chí trưởng phòng”, “thưa giáo sư, giám đốc,,…

Cũng cần nói thêm, sẽ có trường hợp hai mẹ con ở trong cùng một cơ quan, nhưng một người ngoài sẽ xưng hô riêng với mẹ và con đều với tư cách là “chị-em”. Nhưng chúng ta vẫn phải tôn trọng mối quan hệ riêng của từng người với nhau và nên thấy đây là điều hết sức bình thường trong quan hệ xã hội.

Vì có như thế này mới giúp đơn giản hóa và tránh sự rối loạn. Bởi ở Việt Nam hiện nay, không chỉ có quan hệ mẹ con mà còn nhiều quan hệ huyết thống ở các cơ quan,… Và nếu cứ suy nghĩ vòng vo như thế thì sẽ chẳng bao giờ tìm ra được một cách xưng hô nào cho phù hợp.

Theo tôi, đây là đề án hướng tới tương lai nhưng cần phải triển khai từng bước, có giải pháp phù hợp chứ nếu lấy các quy chuẩn bắt buộc một cách cứng nhắc quá thì sẽ khó thành công.

Xin cảm ơn ông!

Theo Infonet

Các tin cũ hơn