Tình huống phòng vệ của Nhật có thể bao gồm cả Việt Nam?

Thứ năm, 03/07/2014, 06:10
Quyền tự vệ tập thể mà Nội các Nhật Bản thông qua ngày 1/7 không chỉ với Mỹ, Hàn Quốc, Úc mà còn có thể mở rộng ra với các nước như Việt Nam, Philippines.

Điều này được Tiến sĩ sử học Jeremy A. Yellen (Đại học Harvard) nêu ra trong bài trả lời phỏng vấn báo Đức Deutsche Welle (DW). Nội các Nhật Bản hôm qua đã thông qua nghị quyết diễn giải lại Điều 9 Hiến pháp, theo đó cho phép Nhật Bản thực hiện "quyền tự vệ tập thể" hỗ trợ một nước đồng minh đang bị tấn công (ngay cả khi Nhật không bị tấn công), cho phép quân đội Nhật có nhiều quyền hạn rộng rãi hơn và đóng vai trò lớn trên trường quốc tế.

Theo tiến sĩ Yellen, động thái này của Nhật là một cử chỉ quan trọng đối với Mỹ, nhưng rất có thể sẽ là một đòn đối phó với Trung Quốc.

Ông Yellen cho biết thêm, do ảnh hưởng trước đây của hiến pháp hòa bình của Nhật (do Mỹ xây dựng), Nhật Bản đứng ngoài cuộc Chiến tranh lạnh. Nhưng từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Lực lượng phòng vệ Nhật từng được triển khai ở nước ngoài tham gia hoạt động nhân đạo như gỡ mìn ở Campuchia, hay gần đây là chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe về xuất khẩu vũ khí, ký hợp đồng phát triển vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ, mà theo Điều 9 Hiến pháp là không được phép.

Tình huống phòng vệ của Nhật có thể bao gồm cả Việt Nam? - Ảnh 1

Tàu đổ bộ Kunisaki của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đến Đà Nẵng cùng lực lượng
đại diện các quốc gia tham gia chương trình đối tác Thái Bình Dương 2014,
từ 6 - 14/6/2014 - Ảnh: Nguyễn Tú.

Việc diễn dịch lại Điều 9 Hiến pháp sẽ cho phép quân đội Nhật được rộng quyền, và Nhật Bản có thể hỗ trợ các nước đồng minh và bạn bè, đóng vai trò với an ninh toàn cầu nhiều hơn nữa, vốn lâu nay Nhật thường bị Mỹ chỉ trích.

Tiến sĩ Yellen nhận xét rằng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có những bước đi quan trọng để dẫn đến việc diễn dịch lại Điều 9 Hiến pháp kể từ khi lên nắm quyền.

Đầu tiên, ông diễn dịch điều này trong khuôn khổ sự hợp tác đồng minh với Mỹ. Theo đó, chính sách "phòng vệ tập thể" sẽ cho phép quân đội Nhật Bản bảo vệ tàu thuyền của Mỹ và giúp quét mìn ở vịnh Persia. Nhật có thể bắn hạ tên lửa nhắm bắn vào Mỹ khi bay qua vùng lãnh thổ của Nhật. Mở rộng khả năng của quân đội như vậy mới có thể khiến Nhật không lo lắng việc Mỹ có thể không thực hiện cam kết bảo vệ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc.

Thứ hai, ông Abe diễn dịch Điều 9 Hiến pháp để nhắm vào việc Trung Quốc mở rộng sức mạnh lấn át trên các vùng biển. Thủ tướng Nhật đã đề cập đến các xung đột trên biển mới đây do Trung Quốc gây ra với Việt Nam, Philippines như bằng chứng về ý định hung hăng của Trung Quốc.

Thủ tướng Abe đã gợi ý rằng chính sách "tự vệ tập thể" có thể được mở rộng đến các quốc gia như Hàn Quốc, Úc, Philippines, Việt Nam và Ấn Độ, nếu các mối đe dọa từ Trung Quốc hoặc các nước xâm lăng khác mang đến. Và chính sách tự vệ này sẽ được nhân danh là "hòa bình chủ động", theo tiến sĩ Yellen.

Tình huống phòng vệ của Nhật có thể bao gồm cả Việt Nam? - Ảnh 2

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 1/7 giải thích về việc diễn dịch Điều 9 Hiến pháp là để bảo vệ
nước Nhật. Ảnh Reuters.

Khi được báo DW hỏi theo cách giải thích mới của ông Abe, trong hoàn cảnh nào sẽ Nhật Bản có thể triển khai lực lượng quân sự của mình, tiến sĩ Yellen nói rằng theo quyết định của Nội các Nhật, có 3 tình huống Nhật sẽ triển khai lực lượng của mình. Thứ nhất là nếu một nước đồng minh hay nước bạn của Nhật bị tấn công, thứ hai là nếu cuộc tấn công đó đại diện cho mối đe dọa đến sự tồn vong của Nhật, và thứ ba là những mối đe dọa đó làm suy yếu quyền của người dân theo đuổi cuộc sống, sự tự do và hạnh phúc.

Tuy nhiên ông Yellen cũng thừa nhận chưa rõ lắm về việc ai sẽ quyết định thế nào là cuộc tấn công vào nước bạn đại diện cho "mối đe dọa rõ ràng" nhắm vào Nhật Bản. Ngoài ra ông Abe cam kết việc đưa quân ra nước ngoài là có "giới hạn", nhưng từ "giới hạn" là rất không rõ ràng.

Khi báo Đức hỏi phản ứng của các nước với chính sách mới này của Nhật Bản, ông Yellen nói rằng đây là cú đấm của Nhật với các mối quan hệ ở Đông Á. Cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản. Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ và lên án chính sách này như là bước leo thang căng thẳng. Còn Hàn Quốc thì có thể tận dụng việc này để biện minh cho mối quan hệ lạnh nhạt với Nhật Bản, dù cả hai đều là đồng minh với Mỹ.

Trái lại, Mỹ sẽ hoan nghênh điều này sau nhiều thập niên thuyết phục Nhật Bản gánh vác vai trò trên trường quốc tế. Và các nước như Việt Nam, Philippines cũng sẽ hoan nghênh khi họ đang đối đầu với các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông với Trung Quốc.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn