Chuyện khó tin về nhầm lẫn "khó đỡ" ở bệnh viện Nhi Trung ương

Thứ tư, 02/07/2014, 06:15
Chỉ trong một thời gian ngắn, ba cháu bé điều trị tại khoa Ung bướu bệnh viện Nhi Trung ương bị nữ điều dưỡng tiêm nhầm thuốc. Trong đó có cháu Tr. K. L một tuần bị tiêm nhầm hai lần.

Dù chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của các bé, nhưng hậu quả thế nào thì chưa thể biết ngay được. Sự việc này khiến người nhà bệnh nhân và những gia đình có con em đang điều trị tại đây vô cùng bức xúc và lo ngại trước cách làm việc tắc trách của một số y, bác sĩ nơi đây.

Thuốc u cơ chữa trị u thận?

Cháu Tr. K. L. (20 tháng tuổi) bị u cơ, còn cháu Ng. V. T. (3 tuổi) bị u thận nhưng hai cháu nằm chung giường bệnh, điều trị tại khoa Ung bướu (bệnh viện Nhi Trung ương). Đầu tháng 6/2014 xảy ra việc điều dưỡng đã tiêm nhầm thuốc kháng sinh cho hai bệnh nhi này. Sự việc chỉ được phát hiện sau khi điều dưỡng tên Dung tiêm cho cả hai cháu, chị V. (mẹ cháu Tr. K. L.) tá hỏa khi thấy ống thuốc tiêm cho con gái mình ghi tên bé trai nằm cùng giường.

Hai gia đình cuống cuồng hỏi nhân viên điều dưỡng tên Dung vừa tiêm xong cho con mình sao lại có thể nhầm lẫn như vậy. Cô Dung điều dưỡng xua tay như chưa hề có chuyện gì xảy ra và tỉnh bơ nói rằng việc tiêm nhầm kháng sinh giữa bệnh nhi này và bệnh nhi khác không gây nguy hiểm.

Chuyện khó tin về nhầm lẫn 'khó đỡ' ở bệnh viện Nhi Trung ương - Ảnh 1

Giường bệnh cháu Ng. V. T và cháu Tr. K. L nằm chung bị tiêm nhầm thuốc.

Cháu Tr. K. L. và cháu Ng. V. T. đều mắc bệnh hiểm nghèo. Bố mẹ của hai bệnh nhi này đều từ quê lên phố, mọi hướng dẫn của y bác sĩ họ nghe và làm theo. Khi có vấn đề xảy ra trong việc điều trị, họ không chọn cách làm ầm ĩ lên, tố cáo mà lại im lặng bởi sai thì đã sai rồi, im lặng các con họ còn được điều trị, làm lớn chuyện lên chỉ thiệt.

Hầu hết các bệnh nhi điều trị tại khoa Ung bướu đều mắc các bệnh hiểm nghèo, thời gian nằm viện nhiều hơn ở nhà nên gia đình đành ngậm ngùi và cầu trời không có chuyện gì xấu đến với con mình trong sự bức xúc mà không biết nói cùng ai. Đến khi sự nhầm lẫn liên tiếp xảy ra họ mới dám phản ánh lên các bác sĩ là trưởng, phó khoa.

Chị V. mẹ cháu gái Tr. K. L. bức xúc cho biết:  “Sau khi cô điều dưỡng tên Dung tiêm xong, tôi để ý thấy xi lanh có tên con mình được tiêm cho cháu nằm cùng giường. Một cháu nằm đầu giường, một cháu nằm cuối giường, lại một trai một gái, độ tuổi cũng cách xa nhau vậy mà cô ấy vẫn tiêm nhầm. Ngay lập tức tôi mới bảo cô điều dưỡng tiêm nhầm thuốc hai cháu rồi. Cô Dung thản nhiên bảo tiêm kháng sinh nhầm không việc gì. Tôi cũng không nhớ chính xác tên thuốc đó là thuốc gì chỉ biết cô điều dưỡng bảo là thuốc kháng sinh. Tôi rất lo lắng, con bị tiêm nhầm thuốc ai mà không sợ, nhưng không dám hỏi nhiều, không biết loại thuốc đó là thuốc gì và ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của cháu?”.

Cũng trong tuần đó, cháu Tr. K. L. một lần nữa bị tiêm nhầm hóa chất với một bệnh nhi khác ở phòng bên cạnh tên N., bị bệnh ung thư máu. Việc này chỉ phát hiện khi chị H. (mẹ cháu N.) chạy sang bảo với chị V. là mẹ cháu Tr. K. L. rằng cô điều dưỡng tiêm nhầm thuốc của hai cháu với nhau.

Chị V. bức xúc: “Lần đầu cô Dung tiêm nhầm tôi được trấn an bảo thuốc kháng sinh nên không sao. Tôi đã bỏ qua bởi cháu còn phải điều trị lâu dài, nhưng lần này thì không thể không lên tiếng. Tôi định đi tìm cô Dung làm rùm beng lên để hỏi cho ra nhẽ, nhưng để giữ thể diện cho cô ấy, tôi hỏi nhỏ thì nhận được câu trả lời: “Nhà chị biết thuốc ấy không phải là thuốc tiêm cho con chị thì chị bảo tôi đừng tiêm nữa”(?!).

Coi thường tính mạng con người

Chị V. quá thất vọng trước cách trả lời thiếu trách nhiệm của người thầy thuốc, mà cụ thể là cô điều dưỡng trực tiếp tiêm cho con chị và những bệnh nhi khác. Chị V. cho rằng sự nhầm lẫn này khó có thể chấp nhận được bởi dưới mỗi xilanh đều ghi rõ tên tuổi các cháu và trước khi tiêm còn gọi tên bệnh nhân chuẩn bị tiêm. Chứng tỏ các cô không cẩn thận, thiếu trách nhiệm, không nhìn tên các cháu ở xi lanh đã vội tiêm vào người”.

Trách nhiệm thuộc về ai?!

PV đã có cuộc trao đổi với BS. TS Bùi Ngọc Lan, Trưởng khoa Ung bướu, bệnh viện Nhi Trung ương để tìm hiểu thực hư về việc điều dưỡng của khoa tiêm nhầm thuốc. BS. TS Lan cho biết: “Lượng thuốc hóa chất tiêm nhầm vào người cháu Tr. K. L. ít nên không đáng ngại, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Trường hợp, cháu N. bị tiêm toàn bộ lượng hóa chất của cháu Tr. K. L. mới đáng lo ngại, bởi toàn bộ lượng hóa chất đã tiêm vào người nên hiện giờ chúng tôi đang theo dõi, điều trị để giảm bớt những độc tính”.

Cũng theo chị V. phản ánh sau khi con chị bị tiêm nhầm thuốc có biểu hiện sốt cao liên miên từ chiều cho đến tối. Linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, mẹ cháu Tr. K. L. đã báo lên các bác sĩ về trường hợp con mình, nhờ sự can thiệp kịp thời của các y bác sĩ cháu đã không sao.

“Tuy nhiên, khi tôi hỏi các bác sĩ liệu có phải do tiêm nhầm thuốc mà cháu bị sốt cao như vậy, một bác sĩ bảo cháu bị di căn. Nhưng có điều sao lúc chưa tiêm nhầm thuốc cháu không bị sốt cao như vậy mà lúc tiêm xong lại sốt” -  chị V. nói.

Ai ở trong hoàn cảnh của hai bà mẹ có con mắc bệnh hiểm nghèo bị tiêm nhầm thuốc mới lo lắng và bức xúc thế nào. Mẹ cháu Tr. K. L đã lên tiếng: “Các cháu đang bị bệnh hiểm nghèo, chúng tôi đang mong sự quan tâm cứu chữa của các bác sĩ. Vậy mà bác sĩ lại nhầm đến mấy lần, không thể bỏ qua được”.

Cuối ngày, chị V. đã bình tĩnh trở lại và tìm điều dưỡng Dung để hỏi rõ sự tình. Điều dưỡng Dung thừa nhận sai và giải thích: “Lượng thuốc tiêm vào người cháu Tr. K.L. mới 1/10 xilanh (khoảng 30cc)”.

Là người phát hiện chiếc xilanh thuốc tiêm cho con mình là của cháu phòng bên, chị H. không tin vào mắt mình cả một xilanh thuốc tiêm nhầm vào người con gái chị (cháu N.). Chị H. bức xúc: “Từ hôm cháu bị tiêm nhầm thuốc không ăn uống gì, không biết có phải do cháu bị tiêm nhầm thuốc hay nguyên nhân nào khác dẫn đến như vậy? Cháu bị tiêm nhầm hết cả xilanh thuốc vào trong người, sau đó cháu sốt liên tục. Khó có thể do viêm nhiễm bởi vết mổ của cháu đã hơn một tháng và lành trở lại rồi”.

Chị H. cho biết thêm: “Khi cháu bị tiêm nhầm hóa chất, tôi hỏi cô điều dưỡng tiêm cho cháu là có sao không thì bác sĩ bảo “cùng là ung thư thì hóa chất nào chả là điều trị được ung thư(?!)”. Còn khi tôi hỏi sao cháu ốm thế thì các bác sĩ bảo cháu bị di căn. Vì cháu bị tiêm nhầm vào người một lượng lớn nên các bác sĩ bảo cần phải theo dõi thêm. Cháu nhà tôi lên 3 tuổi, nhưng đi viện hơn một năm nay rồi, cứ đi rồi về, khi có triệu chứng sốt xuất huyết, hay triệu chứng thay đổi sẽ điều trị ở viện ít nhất cũng từ một- hai tuần. Không biết cháu có bị làm sao không, bây giờ gia đình chỉ biết trông chờ vào bác sĩ”.

Không dám tố vì sợ bị trù

Bà nội của cháu Tr. Kh. L. (bệnh nhi một tuần bị tiêm nhầm thuốc hai lần trong khi mang bệnh hiểm nghèo) đã quá bức xúc trước việc người thầy thuốc bất cẩn và tắc trách đến như vậy. Bà xót xa nói: “Cháu tôi nhập viện được hơn một tuần mà bị tiêm nhầm hai lần. Sau khi bị tiêm nhầm thuốc, tay cháu bị sưng phồng lên. Toàn bộ cánh tay cháu bầm tím, khổ thân cháu tôi. Hai cháu bệnh khác nhau nên thuốc điều trị cũng khác nhau. Một cháu  bệnh u thận, một cháu bệnh u cơ, nên thuốc điều trị cho các cháu phải khác nhau. Còn cháu N. bị bệnh máu trắng lại tiêm thuốc của cháu bị bệnh u cơ. Trong một thời gian ngắn mà tiêm nhầm thuốc cho ba cháu và chỉ do một điều dưỡng thì không thể chấp nhận được. May mà các cháu chưa bị ảnh hưởng đến tính mạng”.

Không chỉ người nhà các bệnh nhân bị tiêm nhầm thuốc bức xúc mà nhiều gia đình có con em đang điều trị tại đây tỏ ra hết sức lo lắng trong quá trình điều trị của con em mình. Chứng kiến vụ việc tiêm nhầm thuốc, mẹ một bệnh nhi cùng phòng với cháu N. bị ung thư máu kể: “Mũi tiêm nhầm giữa cháu Tr. K. L. và cháu N. ngày hôm đó là mũi tiêm hóa chất. Vỏ hộp thuốc ghi tên cháu N. nhưng bên trong ruột thuốc thực chất của cháu Tr. K. L.. Gia đình hai cháu bị tiêm nhầm thuốc đã đến gặp bác sĩ Lan, phó trưởng khoa Ung bướu. Bác sĩ Lan nói tiêm nhầm như thế cũng nguy hiểm. Cháu N. ở lại một tuần để theo dõi nếu không có hiện tượng gì sẽ cho cháu về. Sau đó các bác sĩ có xin lỗi hai gia đình”.

Cũng theo chị này, gần như khi có chuyện gì mọi người không dám phản ánh, tố cáo vì các con thường bị bệnh nan y phải điều trị lâu dài, nếu làm to chuyện chỉ sợ các y bác sĩ không nhiệt tình với các con. Như con nhà tôi đã điều trị ở khoa này hơn bốn năm rồi. Bức xúc và lo lắng lắm, nhưng chúng tôi đành phải bỏ qua. Điều đáng buồn, người tiêm nhầm cho các cháu là điều dưỡng Dung, cô này không phải là người ít kinh nghiệm bởi bốn năm trước tôi đưa con vào điều trị tại khoa này đã gặp điều dưỡng Dung.

Việc y tá, điều dưỡng tiêm nhầm thuốc từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác như ba trường hợp trên ở khoa Ung bướu, bệnh viện Nhi Trung ương khiến dư luận lo ngại về tài đức của những người khoác áo blouse trắng. Chưa biết ai sẽ phải chịu trách nhiệm chính, nhưng hậu quả thì những bệnh nhi đang phải gánh chịu.

Được biết, trước đó việc tiêm nhầm vắc xin viêm gan B ở Hướng Hóa (Quảng trị) năm 2013 đã khiến ba trẻ em cùng tử vong rất đáng báo động và khiến dư luận bàng hoàng. Sự việc gần đây tiêm nhầm thuốc ở bệnh viện Nhi Trung ương chưa dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhưng đó như một hồi chuông cảnh báo đối với những người làm trong ngành y tế về ý thức, trách nhiệm và trình độ cần phải thay đổi toàn diện để lấy lại lòng tin của người dân.

Những chuyện khó tin ở bệnh viện: Các bà mẹ lên tiếng

Bà mẹ từ Nghệ An có con nhỏ đang điều trị cùng phòng với cháu Tr. K. L. bày tỏ những lo lắng trước một số vấn đề xảy ra thời gian gần đây chia sẻ: “Tôi mới đưa con ra đây điều trị được mấy hôm nhưng nghe được rất nhiều chuyện từ tiêm nhầm thuốc ở khoa sơ sinh cách đây hơn một tháng, bây giờ lại thấy cháu Tr. K. L. cùng phòng bị nhầm thuốc với cháu Ng. V. T. và cháu N.. Điều đáng nói một điều dưỡng có kinh nghiệm lại bất cẩn và thiếu trách nhiệm đến thế ở một bệnh viện tuyến Trung ương để nhầm lẫn tai hại đến hai lần”.

Theo chị này, trong phòng có một trường hợp mà bác sĩ không xác định chính xác u nằm trước gan hay sau gan. Lúc bác sĩ tiến hành mổ u mới phát hiện u nằm sau gan chứ không phải nằm trước. Bởi vậy bệnh nhi đó lại phải chờ vết mổ lành mới mổ lại. Việc này không khác gì lấy con cháu người ta ra mổ thử, không thể tưởng tượng được. Tâm trạng của bà mẹ này rất hoang mang bởi đưa con lên bệnh viện tuyến Trung ương là tốt nhất rồi, vậy mà… Bà mẹ này cũng sợ con mình giống các trường hợp trước đó nên cũng khá hoang mang và đề phòng.

“Thấy các bác sĩ mổ nhầm, điều dưỡng tiêm nhầm thuốc, tôi thấy sợ và hoang mang lắm. Điều đáng nói  không phải nhầm vì các cháu trùng họ tên, mà họ tên khác nhau hoàn toàn, thậm chí có trường hợp còn khác phòng vẫn bị nhầm. Để chắc chắn và an toàn, các cô điều dưỡng tiêm cho con  tôi thuốc gì tôi phải kiểm tra xem có đúng loại thuốc và đúng tên con tôi hay không. Mỗi lần cháu chuẩn bị tiêm tôi hỏi tiêm thuốc gì và ghi lại tên loại thuốc đó, đến giờ tiêm phải kiểm tra thuốc trước khi đồng ý cho y tá, điều dưỡng tiêm. Hơn nữa, ghi lại để biết là con mình đã được tiêm bao nhiêu mũi trong ngày, nếu có thiếu hoặc thừa còn biết” – bà mẹ này nói.

Một bà mẹ ở Hà Nam cũng có con điều trị tại khoa này cho biết: “Con tôi khi đi xét nghiệm máu cũng bị nhầm tên, khi xét nghiệm xong có kết quả lại là tên người khác. Nhầm vì hai cháu cùng tên là Duy nhưng nhà tôi quê ở Hà Nam, còn cháu kia khác tỉnh. Nói ra sợ các cô ghét nên đành im lặng để con mình được chữa trị một cách tốt nhất”.            

Chuyện khó tin về nhầm lẫn 'khó đỡ' ở bệnh viện Nhi Trung ương - Ảnh 2

Sau khi ba cháu bé bị tiêm nhầm thuốc, nhiều người nhà bệnh nhân khác tại khoa Ung bướu, viện Nhi Trung ương rất lo lắng.

Theo Người Đưa Tin

Các tin cũ hơn