Xung quanh viện Nhi, nhiều nhà trọ giá rẻ mọc lên như nấm, nhưng người thuê lại phải chịu cảnh "cha chung không ai khóc" với chất lượng luôn đối nghịch với lời giới thiệu. |
Dịch vụ, chất lượng giá siêu rẻ
Gọi tới số điện thoại để được dẫn tới nhà anh Hiệp – chủ nhà được quảng cáo nhiều nhất trên các “phương tiện” trước cổng viện Nhi, chỉ sau một vài phút, người phụ nữ trạc 40 tuổi ra tận nơi để dẫn “khách” vào thuê nhà. Chị nhìn trước nhìn sau, lấm lét rồi bấm số điện thoại gọi cho “khách” và chỉ để vài giây điện thoại chạy sao cho kịp “định vị” được vị khách ấy đang ngồi đâu.
70.000 đồng/phòng riêng, 15.000 đồng/phòng chung, chăn, màn, chiếu, tivi, quạt… đều đầy đủ. Lời tư vấn của chị như bài học thuộc lòng mà ngày nào cũng tua đi tua lại cho ai mới tới thuê nhà. “Thuê” hay “không thuê”, với chị chỉ có hai câu hỏi ấy để quyết định dẫn khách vào hay bỏ đi.
Trong cuộc điện thoại trao đổi với người phụ nữ ấy, chọn cho mình phòng chung với giá siêu rẻ 15.000 đồng/ngày, tôi nhận được những cái nhìn đầy ái ngại của một số người đang nằm lại ghế đá trước cổng bệnh viện nghỉ ngơi.
Một người phụ nữ rỉ tai tôi: “Đó là loại phòng ô hợp với đủ mọi thành phần: Công nhân, người nhà bệnh nhân, người đi buôn đồng nát… thậm chí nam nữ ngủ lẫn lộn. Mất trộm đồ là chuyện khó tránh khỏi. Có người trông con đã mệt, không được ngủ, tìm chỗ nghỉ ngơi. Thấy giá rẻ thì thuê, nhưng ai dè cả đêm không ngủ được vì phải canh… điện thoại, ví tiền mang theo trong người”.
Bản thân chị cũng chỉ dật dờ nơi ghế đá, đợi tới giờ lại vào chăm con đang nằm trong viện Nhi. Tiếng thở dài của chị càng khiến tôi tò mò muốn thực mục sở thị cái được gọi là “ô hợp” ấy. Mà theo người phụ nữ dẫn đường thì số lượng trong các phòng chung ấy không biết bao nhiêu để nói trước.
Mới 9h tối, nhưng từng dòng người đã lũ lượt đổ về các con ngõ dày đặc những biển quảng cáo cho thuê nhà trọ bình dân. Trong căn nhà của anh Hiệp cho thuê phòng chung, tầng một dành cho những người có con nhỏ: Nam, nữ, người già, người trẻ… không phân biệt đều nằm chung.
Khi còn thưa người nằm, thấy những chiếc quạt treo tường đang được sử dụng hết công suất, “ôsin” của nhà anh Hiệp đã xơi xơi: “Tắt bớt quạt đi, tắt bớt quạt đi. Mọi người nằm tập trung lại để quạt chung, không chủ nhà lên nhìn thấy lại mắng cho bây giờ”.
Những cái nhìn đầy khó chịu được dồn về phía người ôsin ấy. “Chúng tôi không ở không, chúng tôi mất tiền thì cũng phải được chút thoải mái chứ” - một chị đang mang bầu lên tiếng. Nhưng rồi những phản ứng của chị bỗng chốc rơi vào không gian im bặt. Bởi lẽ, những người đi thuê nhà ai cũng chọn cho mình phương án im lặng như thế trước mọi lời lẽ của chủ nhà.
“Ở đây là thế, chăn chiếu đã bốc mùi mà quạt cũng không được dùng thoải mái…” - quay sang tôi, chị thở dài rồi xoa xoa cái bụng cũng tầm 6 tháng tuổi.
Cứ thế, những câu chuyện về bệnh viện, gia đình, con cái… được những người ở đây nhỏ to với nhau cho tới khi giấc ngủ đến với họ sau một ngày mệt mỏi với gánh nặng mưu sinh, với cơn bạo bệnh của con cháu mình.
Rời căn nhà cho thuê phòng chung của anh Hiệp, những bước chân của tôi lại đổ tiếp trên con đường dẫn tới những phòng trọ khác. Những bóng chủ nhà lấp ló trước cửa, gương mặt ai cũng chờ đợi và vẫn là những lời mời quen thuộc: “Thuê phòng em ơi!”.
Những chiếc gối đã bốc mùi và như đồ phế thải vẫn được chủ nhà giới thiệu là thơm tho và mới được giặt sạch. |
Nhiều đồ dùng… vừa hỏng
Người đàn ông bước ra từ quán Cơm P. vồn vã giới thiệu: phòng rộng, có điều hòa, quạt, tivi, giá rẻ. Rồi cái “ma lực” tiện nghi đầy đủ ấy lại tạo sức hút với tôi.
Nhưng giá để ở tạm 1 tiếng đồng hồ dao động 50.000 – 80.000 đồng tùy thuộc vào chất lượng và quy mô của phòng. Chọn cho mình mức giá thấp nhất, tôi được đưa vào căn phòng chỉ đủ kê một chiếc giường đơn.
Cầu thang tối om vì… bóng điện vừa hỏng, phòng có điều hòa nhưng khi hỏi điều khiển để bật, chủ nhà chỉ quẩn quanh chối khéo và mời khách… dùng quạt, nhà vệ sinh dùng chung.
Chăn, chiếu, gối đều bốc mùi, ẩm mốc, tivi bật không lên hình và được chủ nhà giải thích: “Thông cảm cho anh, tivi mới hỏng, anh chưa sửa được. Còn chăn gối anh mới giặt đấy”.
Lắc đầu trước căn phòng được ưu ái dành cho khách nghỉ theo giờ, tôi bước sang phòng của gia đình người Yên Bái vừa đưa con xuống viện Nhi Trung ương điều trị bệnh viêm não. Một năm nay, gia đình anh chị đã quen với cuộc sống nơi bệnh viện.
Chỉ tay vào chiếc gối trống trơ không vỏ đã ngả sang màu đen, người chồng cười: “Đây là phòng khá nhất trong những phòng vợ chồng tôi đi thuê rồi. Tiền ít phải chấp nhận thôi”.
Nhưng cái ít mà anh chị đang chịu cũng lên tới 80.000 đồng/ngày mà ba người chung một giường.
Khi nghe cái giá mà tôi ở theo tiếng trong căn phòng chật hẹp anh đã từng lên thăm và phải vội vàng bỏ qua, cả hai vợ chồng đều giật mình. Rồi họ ngồi nhẩm tính và quy ra thóc.
Đứa con nhỏ vẫn đang ngồi ăn từng thìa cháo. Bị bệnh, có lẽ nghỉ lại trong căn phòng với những vật dụng đã bốc mùi, bé sẽ càng bệnh hơn.
Khi tôi trả phòng thì nhận được ánh nhìn khó chịu từ phía chủ nhà: “Bảo thuê phòng rộng không thuê còn thắc mắc gì”. Và tôi bị ám ảnh bởi cái giật mình của cả hai vợ chồng người Yên Bái khi biết giá phòng tôi thuê cho một tiếng nghỉ ngơi ngang giá với tiền thuê nhà nghỉ với những điều kiện gấp nhiều lần so với phòng trọ ở đây.
Theo Tri thức trẻ