Người “quái kiệt” và lễ cầu siêu... chó, mèo

Thứ tư, 26/06/2013, 14:09
Một lễ cầu siêu cho... chó, mèo diễn ra hôm 15/6 vừa qua ở ngõ 167 Trương Định (Hà Nội) đã khiến dư luận chú ý. Buổi lễ mang cái tên có một không hai: “Giỗ tổ Ami – khai sinh nghề kinh doanh chó, mèo cảnh Việt Nam và đại lễ cầu siêu”. Quanh buổi lễ là chuyện về người chủ trì: Ông Nguyễn Bảo Sinh.

“Giỗ tổ” Ami và đại lễ cầu siêu - chuyện thật mà như đùa

Nguyễn Bảo Sinh bắt đầu nghề nuôi chó và vẽ tranh truyền thần từ năm 1970. Trải qua bao khó khăn, có những lúc tưởng chừng như không thể thành công được với nghề kinh doanh đặc biệt này, nhưng giờ khách sạn Bảo Sinh đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong nghề kinh doanh chó, mèo cảnh với đầy đủ các dịch vụ từ khám chữa bệnh, tang lễ, mua bán... đến spa, massage, thẩm mỹ, thời trang: cắt tỉa, nhuộm màu lông, sơn sửa móng...

Và đi kèm theo từng dịch vụ hấp dẫn đó là các mức chi phí từ vài chục ngàn đồng đến hàng trăm triệu đồng. Một con chó gửi tại khách sạn giá thấp nhất 100 ngàn đồng/ đêm và cao là 700 - 800 ngàn đồng/ đêm.

Ngay khi còn bé, tính vốn yêu quý động vật, ông Sinh đã biết chôn cất, cài hoa, cắm hương và khóc thương cho con chim, con dế mình nuôi không may bị chết.

Tuy rằng lúc đó chỉ là những hành động nằm trong vô thức của trẻ con, song điều đó có thể lý giải vì sao ông lại có thể xây riêng một khách sạn 6 tầng dành riêng cho các thú cưng đặc biệt này cùng một khuôn viên nghĩa trang rộng rãi, sạch đẹp để chôn cất chúng sau khi chết. 

cầu siêu
Ông Nguyễn Bảo Sinh tiến hành buổi lễ cầu siêu dành cho chó, mèo.

Chiều 15/6 vừa qua, trong không khí tiếc thương của hàng trăm người, tại khách sạn chó, mèo, đã diễn ra buổi “đại lễ cầu siêu” độc nhất vô nhị. Từng hàng bát hương nghi ngút cùng với những bình hoa đỏ thắm, ngọn nến lung linh. Đặc biệt, bên cạnh còn có đĩa thịt, điếu thuốc lá, gói bim bim... thậm chí cả chiếc bánh ga tô, đó đều là những món ăn yêu thích khi sống của các chú chó, mèo (có cả thuốc lá sao?).

Nằm giữa khu nghĩa trang là ban thờ “mộ tổ” Ami – chú chó khai sinh ra nghề kinh doanh chó, mèo cảnh và đưa ông Sinh đến với thành công của hôm nay. Trước mộ, một chiếc bàn nhỏ được bày đủ các lễ vật cúng từ nước, cháo trắng, bánh trái... đến ốc sống. Đâu đó vang lên tiếng Nam mô A di đà, như làm tăng thêm không khí linh thiêng tại khu nghĩa trang đặc biệt này.

Đa phần đến dự đều là những người lớn tuổi, có chung tình yêu thương chó, mèo. Song cũng có không ít những trường hợp đến vì tò mò.

Vào buổi lễ, một vị cao tăng vận áo nâu, đeo tràng hạt, cầm micro và đọc kinh cầu cho những linh hồn con vật được siêu sinh tịnh độ. Đằng sau, bốn mục đồng (hai nam, hai nữ) đứng cúi đầu, thỉnh thoảng gõ nhẹ vào chuông hòa trong bài Á kinh cầu: "...Cõi dương thế chan hòa ánh nắng/ Dưới đất sâu lạnh trắng sương khô/ Não nùng thay những đêm mưa/ Ai lau giọt lệ ma xưa dưới mồ"...

Đâu đó, ở hàng ghế bên dưới có tiếng sụt sùi lau nước mắt của một số vị nhớ tiếc cho con vật nhỏ yêu của mình.

Trung bình một năm khách sạn tổ chức hai lần đại lễ cầu siêu và thường là vào rằm tháng 7 (âm lịch) hoặc chọn một ngày thiêng trong các tháng. Và các buổi lễ này đều được những người mai táng chó mèo ở đây đóng góp theo nhiều hình thức.

Ông Sinh là người viết ra bài kinh để cúng trong lễ cầu siêu này. Những con vật sau khi chết, tùy theo yêu cầu của chủ nhân muốn hỏa táng thì sẽ được đưa vào đài hóa thân ở góc vườn, sau đó tro cốt, ảnh của chúng sẽ được đặt trên giá thờ bằng kính.

Và cùng với đó là bảng nội quy nghĩa trang ghi rõ: Nếu gia chủ lưu lại đóng 1 triệu đồng/năm, sang năm thứ ba tro cốt lưu lại đóng 500 ngàn đồng/năm.

Ông Sinh cho biết: “Trước kia lượng người đến rất ít, không đáng kể, nhưng vài năm trở lại đây, nhiều người sẵn sàng bỏ ra 3 - 4 triệu đồng để làm lễ cầu siêu sinh cho chó, mèo nhà họ sau khi chết”.

cầu siêu
Nhiều bạn trẻ đến thắp hương cho thú cưng đã qua đời tại nghĩa trang.

Bi hài chuyện mai táng

Tại nghĩa trang kỳ lạ này, mỗi ngôi mộ đều gói trong mình những chuyện bi hài. Ngay cả khổ chủ của “khách sạn 5 sao” này cũng không tránh khỏi điều đó.

Cách đây vài năm, một cặp vợ chồng trẻ người Mỹ có con chó không may bị chết. Người chồng đã khóc gần như ngất đi bởi đó còn là một người bạn bên cạnh họ suốt bao năm sống tại VN. Họ đặt nó trong chiếc hòm, thuê taxi chở đến đây và trên suốt quãng đường không ngừng khóc lóc, tiếc thương.

Người lái xe thấy lạ và nghĩ chắc đã xảy ra vụ án nghiêm trọng nào đó nên họ mới như vậy, và chiếc hòm kia có lẽ là xác chết đem đi phi tang. Nên khi vừa tới điểm đến, đã đi báo công an ngay.

Lại có trường hợp một cô khoảng 17 tuổi, hằng ngày vào 22h đến nghĩa trang hút thuốc lá và ho sặc sụa. Thấy lạ, ông Sinh liền nói: "Cháu còn trẻ không nên hút nhiều thuốc". Cô bé giải thích rằng: "Con chó này của cháu lúc còn sống bị nghiện mùi thuốc lá, bởi ngày xưa bố cháu hay hút thuốc nên nó quen. Có hôm cháu phải hút thay để phà hơi vào mồm nó thì nó mới không kêu và cào chân nữa".

Nhớ lại, khi xây khách sạn và tổ chức lễ cầu siêu, ông Sinh gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình, thậm chí nhiều người còn cho ông là người “có vấn đề”. Ông nói: "Nhiều người đã chửi tôi rằng “người ta đang đói khổ, thì mày lại đi cầu siêu cho chó, mèo”. Tôi chỉ quan niệm rằng, qua những việc làm của mình, tôi muốn gửi tới mọi người thông điệp: Yêu và chăm sóc động vật cũng là hành động để con người chúng ta yêu thương nhau hơn...".

 

Theo Laodong

Các tin cũ hơn