Từ danh xưng "dâm phụ" đa dâm giết chồng
Theo Wikipedia: "Phan Kim Liên nguyên là hầu gái trong nhà một đại gia, do không chịu làm thiếp cho tài chủ già nên bị bức phải lấy Võ Đại Lang, anh Võ Tòng, một người vừa lùn vừa xấu xí.
Phan Kim Liên vốn tính lẳng lơ nên rất thất vọng. Về sau, Võ Tòng gặp lại Võ Đại Lang, Phan Kim Liên thấy Võ Tòng là anh hùng cái thế thì ra sức quyến rũ nhưng Võ Tòng không chút động lòng.
Nhân lúc Võ Tòng đi Đông Kinh, do người láng giềng là Vương Bà dắt mối, Phan Kim Liên quen với Tây Môn Khánh, một tên tài chủ. Khi hai người gặp nhau ở nhà Vương Bà thì bị Võ Đại Lang phát hiện. Võ Đại Lang bị Tây Môn Khánh đánh đến ngất đi. Vì muốn gian díu lâu dài với Tây Môn Khánh nên Phan Kim Liên với sự giúp đỡ của Vương Bà bỏ thạch tín vào bát canh của Võ Đại Lang để giết chàng.
Võ Tòng trở về, biết chuyện lập tức mời hàng xóm đến nhà. Chàng lôi Vương Bà đến trước bàn thờ anh rồi gọi Phan Kim Liên ra. Phan Kim Liên xin tha tội nhưng Võ Tòng đã chém chết ả ngay tại chỗ rồi đi giết Tây Môn Khánh. Phan Kim Liên về sau trở thành mỹ nhân điển hình trong văn học Trung Hoa."
Tạo hình Phan Kim Liên trong phim.
Câu chuyện ngoại tình của Phan Kim Liên cũng được người ta nhắc lại trong tiểu thuyết nổi tiếng Thủy Hử của Thi Nại Am. Sau đó, nhân vật này còn bước vào những tác phẩm nổi tiếng không kém là Kim Bình Mai với hình ảnh một phụ nữ lẳng lơ ngoại tình giết chồng.
Rất nhiều câu chuyện về việc ngoại tình của Phan Kim Liên được ghi chép lại nhưng hầu hết đó đều là những câu chuyện trong tác phẩm văn học. Chính vì thế, giả sử hình tượng "dâm phụ" của Phan Kim Liên chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng thì cũng không có gì là khó hiểu.
... đến "nỗi oan" vì Thủy Hử và Kim Bình Mai
Mặc dù trong suy nghĩ của rất nhiều người Phan Kim Liên là biểu tượng cho hình ảnh một người phụ nữ lẳng lơ giết chồng theo trai nhưng vẫn có nhiều tài liệu lịch sử đi ngược lại với quan niệm này.
Nhiều nhà làm sử đã quyết tâm "minh oan" cho mỹ nhân vốn mang nhiều "tội đồ" này.
Theo một số tài liệu gần đây vừa công bố thì Phan Kim Liên đã phải chịu nổi oan khuất hàng trăm năm nay. Bởi trái ngược lại với hình ảnh Phan Kim Liên trong Thủy Hử hay Kim Bình Mai, Phan Kim Liên của lịch sử lại là một người vợ hiền dâu thảo. Còn Võ Đại Lang lại là một người đàn ông thành đạt, mạnh khỏe chứ không phải là một ông chồng yếu đuối, nhu nhược.
Liệu Phan Kim Liên có bị oan?
Theo sử tải, Võ Đại Lang tên thật là Võ Thực (có tài liệu ghi là Võ Trực, trên bia mộ ghi tự là Điền Lĩnh), người cao hơn 1m78 (sau khi khai quật mộ phân tích), người huyện Thanh Hà, Sơn Đông (nay là Hà Bắc). Võ Thực xuất thân cơ hàn, nhưng thông tuệ hơn người, sùng văn thượng võ. Đến khi trung niên thì thi đỗ tiến sĩ, làm huyện lệnh huyện Dương Cốc, Sơn Đông.
Còn Phan Kim Liên tên thật là Phan Thục Viên, là thiên kim của nhà Phan Tri Châu, trú ở Hoàng Kim Trang, cách Võ Gia Thôn 1,5 dặm.
Một số dấu tích về bia mộ được khai quật cũng chứng minh cho suy luận của các sử gia. Được biết, năm 1946, các nhà lịch sử tiến hành khai quật bia mộ của Võ Đại Lang tại huyện Thanh Hà, Sơn Đông, nay thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Trên bia mộ cũng ghi thông tin trùng khớp với những gì tài liệu lịch sử ghi lại.
Trên bia mộ ghi: "Võ công tên Thực, tự là Điền Lĩnh. Thuở nhỏ gọi là Đại Lang. Phu nhân của ông là Phan thị, danh môn thục nữ. Tổ tiên cư ở Tấn Dương quận, sau đó dời đến Thanh Hà huyện..."
Hơn nữa, theo những gì ghi lại trên bia mộ thì được biết, do chức cao vọng trọng nên cuộc đời và gia thế của Võ Đại được ghi lại khá rõ ràng cho người đời sau. Cụ thể, ngay trên bia mộ cũng ghi rõ Võ Đại Lang và Phan Kim Liên có với nhau tới bốn người con và sống rất hạnh phúc.
Một số sử gia cũng cho biết, Phan Kim Liên nổi tiếng xinh đẹp và khuê các lại xuất thân từ con nhà quan lại nên những lề thói lễ nghĩa rất nghiêm chỉnh. Vì thế, không có chuyện Phan Kim Liên lẳng lơ như trong tác phẩm của Thi Nại. Được biết, do chồng là Võ Đại Lang bận công việc triều chính nên mọi công việc trong nhà và nuôi con đều do một tay người phụ nữ này quán xuyến.
So với nhiều ngôi mộ khác được đặt trong khuôn viên thì ngôi mộ của Võ Đại Lang và Phan Kim Liên được đánh giá là khang trang và lớn hơn. Vì thế, những tài liệu được các sử gia tìm ra cũng có phần xác thực hơn về vị trí cũng như vai trò của Võ Đại Lang thời xưa.
Không những thế, "nỗi oan" của Phan Kim Liên và Võ Đại Lang còn được hậu duệ "kêu hộ" khi hậu duệ đời thứ 24 của Võ Đại Lang là Võ Song Phúc đã kể lại một số tình tiết chưa xuất hiện trong các tài liệu.
Võ Song Phúc cho biết, theo một số tài liệu nội bộ gia đình ghi lại thì Phan Kim Liên và Võ Đại Lang đã bị oan. Và nỗi oan này xuất phát từ những câu chuyện bịa đặt của một người họ hàng xa nhà Võ Đại Lang là họ Vương. Được biết, do hận Võ Đại Lang không thăng quan tiến chức cho mình nên họ Vương đã bịa đặt nên những câu chuyện tày đình nhằm hạ thấp danh tiếng của gia đình Võ Đại Lang.
Tạm kết
Đến tận bây giờ dân gian vẫn quen câu chuyện về Võ Đại Lang yếu đuối bị vợ ngoại tình còn Phan Kim Liên vẫn gắn mác "dâm phụ" trong các câu chuyện Thủy Hử hay Kim Bình Mai.
Tuy nhiên, phải thành thật một điều rằng, những câu chuyện về việc ngoại tình của Phan Kim Liên được ghi chép lại nhưng hầu hết đó đều là những câu chuyện trong tác phẩm văn học. Chính vì thế, giả sử hình tượng "dâm phụ" của Phan Kim Liên chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng thì cũng không có gì là khó hiểu..
Sự thật vẫn là câu hỏi của lịch sử nhưng có lẽ những thông tin mới được các sử gia tiết lộ biết đâu lại là lời kêu oan từ hàng trăm năm qua cho Phan Kim Liên.
Theo Trí Thức Trẻ