Hàn Quốc săn lùng hơn 140 triệu USD của cựu độc tài

Thứ ba, 25/06/2013, 13:55
Cựu tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan nợ nước này 143,5 triệu USD tiền tham nhũng trong thời gian cầm quyền, nhưng ông tuyên bố đang rất nghèo.  

Theo AP, các công tố viên còn chưa đầy 4 tháng để chứng minh là ông Chun nói dối, bởi một quy chế về thời hạn sẽ sớm xóa nghĩa vụ trả lại tiền của ông này. Người Hàn Quốc nhớ đến cựu tổng thống Chun Doo-hwan với tư cách một cựu độc tài có mối quan hệ nồng ấm với các doanh nhân, và cuộc đàn áp gây chết người đối với những người biểu tình vì dân chủ. 

Các nhà lập pháp dự kiến gặp mặt hôm nay để thảo luận về pháp chế, nhằm kéo dài cuộc tìm kiếm và buộc gia đình ông phải chịu trách nhiệm về số tiền. Nhưng kể cả nếu nó được thông qua, tòa án có thể bác bỏ sự thay đổi này. 

Chun Doo-wan lên nhậm chức Tổng thống ngày 1/9/1980

Tháng trước, văn phòng công tố kêu gọi nỗ lực "bất thường" trong việc thu thập tài sản của ông Chun, 82 tuổi, người lên nắm quyền lực trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1979 và cai trị Hàn Quốc đến đầu năm 1988. 

Việc ông Chun rời ghế Tổng thống đánh dấu sự bắt đầu của dân chủ ở Hàn Quốc. Năm 1996, ông bị kết án tham nhũng và về vai trò trong cuộc đàn áp 1980, khiến 200 người chết ở thành phố Gwangju, Tây Nam Hàn Quốc. Ông bị tuyên án tử tuy nhiên được giảm án và sau đó ân xá. 

Ông cũng bị yêu cầu trả lại 189 triệu USD tiền "quỹ bôi trơn" mà các quan chức nói ông tích lũy được từ hàng chục doanh nhân để đổi lấy những hợp đồng chính phủ và các lợi ích khác. Ông đã trả lại 45 triệu USD. 

Các công tố viên vẫn có thể thu hồi tiền quỹ theo luật, quy chế về thời hạn được kéo dài thêm ba năm mỗi khi họ thu hồi một tài sản. Một chiếc Mercedes-Benz được tịch thu năm 2000 và năm 2010, ông Chun tự nguyện trả hơn 2.600 USD trong một nỗ lực được nhiều người cho là nhằm ngăn chính quyền tịch thu những tài sản lớn hơn. 

Trong phiên xử tham nhũng năm 1996, ông Chun khai nhận một quỹ bôi trơn lớn khi lên nắm quyền, nhưng ông nói chỉ đơn giản là bắt chước những người tiền nhiệm của ông. "Xét theo thước đo ngày nay, nó có thể là sai, nhưng thời đó, nhận quyên góp là tục lệ", ông nói trong phiên xử. 

Đến năm 2003, ông Chun nói số tiền đã biến mất, và ông chỉ có chưa đầy 300 USD. Chun cho hay ông sống bằng tiền của các con trai và từ người ủng hộ, nhưng không đề nghị con giúp trả nợ bởi "chúng cũng phải kiếm tiền để sống". 

Vợ của Chun năm ngoái nói vị cựu Tổng thống đã trả hết số tiền ông có thể trả, nhưng sau đó có báo đưa tin ông đã chơi golf và có bữa tiệc whisky ở một hòn đảo nghỉ dưỡng. 

Nghị sĩ phe đối lập, Jun Byung-hun cho rằng ba con trai của ông Chun nhận được tài sản của cha, hiện trị giá hơn 260 triệu USD. Con cả của ông này điều hành một công ty xuất bản có lợi tức 38 triệu USD trong năm ngoái. Jun cho hay một người con trai khác điều hành một nhà máy rượu vang California trị giá 86 triệu USD cùng bố vợ. 

Các dự thảo được đề xuất trong Quốc hội sẽ kéo dài quy chế giới hạn lên 10 năm, thay vì ba năm như hiện nay, mỗi khi một tài sản bị tịch thu hoặc chi trả. Dự thảo cũng cho phép chính quyền thu hồi tài sản từ thành viên gia đình Chun nếu ông không thể chi trả.  

Kim Sung-joo, một nhà khoa học chính trị tại đại học Sungkyunkwan ở Seoul nghi ngờ rằng khó có thể thu hồi tất cả số tiền của Chun, vì các quan chức cấp cao từng làm việc dưới thời ông này vẫn nắm quyền và có thể không gây áp lực đối với vấn đề này. 

"Nếu không chấm dứt chương này về Chun và số tiền bôi trơn của ông ta, Hàn Quốc không thể thiết lập ý thức về công bằng xã hội, điều các thế hệ tương lai có thể tự hào", Kim nói. 

Theo VNE

Các tin cũ hơn