“Cựu nhà thầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã nhận được giấy tờ tị nạn của Ecuador để đảm bảo anh này có một chuyến đi an toàn khi rời khỏi Hồng Kông vào cuối tuần qua”, ông Assange cho biết từ London, nơi nhà sáng lập này cũng đang trốn tránh lệnh dẫn độ về Mỹ và Thụy Điển nhờ sự bảo bọc của chính phủ Ecuador sau khi cho tiết lộ hàng ngàn trang tài liệu mật về hoạt động ngoại giao của Mỹ cách đây 2 năm.
Chiếc máy bay này khởi hành từ sân bay Sheremetyevo tới Cuba ngày 24/6 xuất
hiện ghế trống được cho là của Snowden.
Trả lời báo giới tại Đại sứ quán Ecuador, ông Assange cũng cho hay những giấy tờ trên không đồng nghĩa với việc Snowden chọn địa điểm tị nạn cuối cùng tại thủ đô Quito của Ecuador. Một phát ngôn viên của WikiLeaks, Kristinn Hrafnsson, cũng nói thêm rằng Snowden đã gửi đơn xin tị nạn tới một số nước, trong đó có Iceland và Ecuador.
Những bí ẩn về hành tung cũng như địa điểm dừng chân tiếp theo của Snowden ngày càng làm chính phủ Mỹ "bẽ mặt" và phủ bóng đen nghi ngờ lên quan hệ của Washington với các nước, nhất là trong bối cảnh chính phủ của Tổng thống Barack Obama đang muốn tái khởi động quan hệ với Mátxcơva và xây dựng quan hệ đối tác với Bắc Kinh.
Trong tuyên bố mới nhất, Nhà Trắng đã một lần nữa cảnh báo gay gắt cả Nga và Trung Quốc về trường hợp của Snowden sau khi Hồng Kông để “kẻ phản bội nước Mỹ” nhẹ nhàng rời khỏi đặc khu này, còn Nga cũng bác bỏ yêu cầu hợp tác dẫn độ của Mỹ.
"Chúng tôi không chấp nhận rằng đây là quyết định theo luật của một quan chức di trú Hong Kong. Đây là sự lựa chọn có chủ ý của chính phủ (Trung Quốc) nhằm thả một người lánh nạn bất chấp lệnh bắt giữ hợp lệ. Quyết định đó tất nhiên sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ Mỹ-Trung", phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nêu rõ.
Cũng theo phát ngôn viên Carney, Nhà Trắng cho rằng Nga nên chấp thuận yêu cầu của Mỹ về việc trục xuất Snowden về quê nhà. Ông Carney nhắc đến việc tăng cường hợp tác với Nga trong lĩnh vực thực thi pháp luật sau vụ đánh bom kép ở Boston và Mỹ đã trao trả "nhiều tội phạm đầu sỏ về Nga theo yêu cầu của Chính phủ Nga".
Ông Carney cũng cho biết Mỹ vẫn thường xuyên trao trả các nghi can tội phạm cho Nga và trông đợi hành động tương tự của Mátxcơva trong vụ Snowden.
“Xét thấy rằng Mỹ vẫn hợp tác chặt chẽ với Nga sau vụ đánh bom tại Giải chạy Marathon ở Boston và lịch sử hợp tác với Nga trong việc thực thi pháp luật, kể cả việc trao trả cho Nga nhiều tội phạm nguy hiểm theo yêu cầu của Mátxcơva, chúng tôi trông đợi chính phủ Nga xem xét tới tất cả các phương án sẵn có để trục xuất Snowden trở lại Mỹ”, người phát ngôn nói thêm.
Ông Carney cũng cho rằng các nước mà Snowden lựa chọn để lánh nạn đi ngược lại tuyên bố của chính anh ta rằng anh ủng hộ sự minh bạch, tự do báo chí và quyền cá nhân.
Trong khi đó, Tổng thống Obama khẳng định đang tận dụng “mọi kênh hợp pháp thích hợp” để bắt giữ nhân viên tình báo hợp đồng tiết lộ các chương trình theo dõi bí mật của chính phủ Mỹ.
Theo Dantri