Vụ "vỡ trận" bến xe Mỹ Đình: Xuất hiện bản kiến nghị "lạ đời"

Thứ hai, 24/06/2013, 14:25
Sau nhiều bài phản ánh về vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình, các cơ quan chức năng đang ra tay dẹp bỏ tình trạng quá tải, mất an ninh trật tự tại bến xe này thì bỗng dưng xuất hiện một bản kiến nghị “lạ đời” là “xin” các cơ quan chức năng để nguyên tình trạng “vỡ trận” này.
Bến xe Mỹ Đình
Hà Nội cần dũng cảm chặt đứt “nhóm lợi ích” để lập lại trật tự vận tải, sắp xếp theo đúng quy hoạch (Ảnh: Vũ Văn Tiến).

Dũng cảm chặt đứt “nhóm lợi ích” ?

Thời gian qua, vấn đề “xe xuyên tâm, xe trái tuyến, xe dù, bến cóc”, bất cập, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong việc cấp phép vào bến xe Mỹ Đình liên tục “nóng” trên diễn đàn báo chí.

Các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm và phản ánh bóng dáng “nhóm lợi ích” đang cố thủ “chống” chủ trương chung - là tác nhân chính gây ra việc ‘vỡ trận” bến xe Mỹ Đình, kéo theo cảnh “xe dù, bến cóc” hoành hành, ùn tắc giao thông, gây nhức nhối dư luận.

Trước tình hình đó, ngày 28/5, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hỏa tốc số 4293/VPCP-TTĐT gửi UBND TP. Hà Nội, Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu rõ:

Trong thời gian qua, một số báo  đăng loạt bài viết phản ánh tình trạng quá tải trầm trọng, hiện tượng “xe dù”, “bến cóc” gia tăng và những bất cập trong việc cấp phép các tuyến xe tại bến xe khách Mỹ Đình (Hà Nội), gây ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông khu vực, có biểu hiện tiêu cực tham nhũng...

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giao UBND TP. Hà Nội kiểm tra, làm rõ sự việc báo nêu; Chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có biện pháp xử lý triệt để những bất cập trong tổ chức hoạt động của các bến xe khách trên địa bàn TP. Hà Nội, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2013".

Ngày 29/5/2013, tại Hội nghị toàn quốc về An toàn Giao thông, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc - gia nhấn mạnh: “Tôi sẽ kết luận Sở GTVT Hà Nội, Công an Hà Nội “bảo kê” cho các doanh nghiệp vận tải nếu Hà Nội không chấm dứt tình trạng bến xe lộn xộn, taxi gian dối tranh giành, lừa khách du lịch làm xấu hình ảnh Thủ đô”.

Thực hiện chỉ đạo trên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố khẩn trương kiểm tra, xử lý các vi phạm về vận tải hành khách liên tỉnh, kiểm tra, làm rõ tình trạng quá tải và những bất cập trong việc cấp phép các tuyến xe tại bến xe Mỹ Đình... 

Bến xe Mỹ Đình
Như vậy, sau nhiều bài điều tra công phu của PV, đến nay vụ "vỡ trận" tại bến xe Mỹ Đình bước đầu đã được Sở GTVT khắc phục thì bỗng dưng xuất hiện văn bản "kéo rào ngược" của Hiệp hội vận tải Hà Nội (Ảnh: Vũ Văn Tiến).

Trước những chỉ đạo quyết liệt đó, ngày 4/6/2013, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị (với sự tham gia của các lực lượng chức năng, các bến xe, các doanh nghiệp vận tải) triển khai kế hoạch “Rà soát, chấn chỉnh, sắp xếp luồng tuyến tại các bến xe khách và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe ô-tô theo tuyến cố định, bằng xe taxi trên địa bàn TP. Hà Nội”.

Theo kế hoạch này: Lần đầu tiên Sở GTVT Hà Nội thực hiện quy hoạch bến xe do chính Sở ban hành từ 7 năm về trước (năm 2006): Xe đi các tỉnh phía Nam vào bến Giáp Bát, Nước Ngầm, xe đi các tỉnh phía Bắc vào bến Mỹ Đình….

Từ ngày 4/6 đến ngày 20/7/2013, Sở GTVT Hà Nội thực hiện điều chuyển 313 lượt xe thuộc các tuyến đi từ Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình đến bến Mỹ Đình về bến Yên Nghĩa, Gia Lâm, Nước Ngầm; điều chuyển 77 lượt xe chạy xuyên tâm từ bến Giáp Bát... về bến Mỹ Đình.

Sau đó, Sở GTVT Hà Nội lại có thông báo tiếp tục điều chuyển xe khách chạy các tuyến từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đến Mỹ Đình về bến Yên Nghĩa, Nước Ngầm.

Dư luận đánh giá cao việc làm trên. Vì lợi ích chung của Thủ đô Hà Nội, tập thể lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã dám đối mặt với “lợi ích nhóm”, quyết liệt triệt tiêu nạn xe trái tuyến, xe xuyên tâm, “xe dù, bến cóc”. Giới vận tải ô-tô khách cho rằng đây là một quyết định mang tính “lịch sử” của tập thể lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội. 

Bến xe Mỹ Đình
Văn bản "lạ đời" của Hiệp hội vận tải Hà Nội đi ngược lại chủ chương Chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan chức năng (Ảnh: Vũ Văn Tiến).

Văn bản “lạ đời” của Hiệp hội vận tải Hà Nội

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tiếp thu ý kiến phản biện của các cơ quan báo chí, Sở GTVT đã nhanh chóng triển khai việc sắp xếp, điều chỉnh lại luồng tuyến vận tải, giảm tải bến Mỹ Đình, kiên quyết xử lý “xe dù”, “bến cóc” đang hoành hành ở nội đô. Dư luận hoan nghênh, đánh giá cao quyết tâm của Sở GTVT Hà Nội trong việc chấn chỉnh vấn nạn bất cập suốt bấy lâu nay.

Đột nhiên, ngày 10/6/2013, Hiệp hội Vận tải ô-tô Hà Nội lại có Công văn số 18/2013/HH-CV gửi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đề nghị “hoãn việc điều chuyển phương tiện nhằm giảm tải cho bến xe Mỹ Đình” với những lập luận mập mờ, đánh tráo khái niệm, không có cơ sở khoa học và pháp lý, tổ chức trên đã ngang nhiên đề nghị“ngừng việc giảm tải bến xe Mỹ Đình và bố trí luồng tuyến theo hướng Đông - Tây - Nam - Bắc”(!?).

Lẽ ra, vì lợi ích chung của Thủ đô và sự bình đẳng, của hoạt động kinh doanh vận tải ô-tô khách liên tỉnh, Hiệp hội Vận tải ô-tô Hà Nội phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP. Hà Nội, kế hoạch sắp xếp, chấn chỉnh luồng tuyến vận tải của Sở GTVT Hà Nội. Tuy nhiên, tổ chức này lại “quyết tâm” chống đối. Lý do tại sao? Còn điều gì khác ngoài “lợi ích nhóm” đang cố thủ?

Điều đặc biệt đáng nói trong Công văn của Hiệp hội Vân tải Hà Nội còn cảnh báo: “Ngoài ra cũng cần phải lưu ý đến các mối quan hệ: Thái Bình là quê của một Phó Thủ tướng, một Bộ trưởng, hai Thứ trưởng Công an, Nam Định là quê của một Phó Thủ tướng, ba Bộ trưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, Phó Ban Kinh tế Trung ương…” để “nhắc nhở” TP. Hà Nội “cân nhắc". 

Bến xe Mỹ Đình
Những phát biểu, kiến nghị của ông Bùi Danh Liên là “tiền hậu bất nhất”, khiến dư luận và cơ quan chức năng không thể hiểu ông Liên muốn gì, đâu là ý kiến thực, đâu là ý kiến ảo? (Ảnh: Vũ Văn Tiến).

Theo luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho hay: "Việc văn bản của Hiệp hội vận tải Hà Nội đưa chức danh các lãnh đạo cao cấp ra để "nhắc nhở”, “hù dọa”, "nắn gân", tung hỏa mù như trên đã gây hoang mang dư luận, đặc biệt là trong giới vận tải khách, không những làm ảnh hưởng uy tín của lãnh đạo cấp cao của Nhà nước mà còn có yếu tố kích động, chống đối việc điều hành của cơ quan quản lý chức năng của TP. Hà Nội.

Thông tin này đã gây hoang mang trong dư luận. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Hà Nội sẽ khó có thể thực hiện Kế hoạch giảm tải bến xe Mỹ Đình chỉ vì vướng quê của một số lãnh đạo? Trước khi ký công văn trên, tại hội nghị ngày 4/6/2013 do Sở GTVT Hà Nội tổ chức, chính ông Liên cũng phát biểu ủng hộ chủ trương giảm tải bến xe Mỹ Đình".

"Như vậy, những phát biểu, kiến nghị của ông Bùi Danh Liên là “tiền hậu bất nhất”, khiến dư luận và cơ quan chức năng không thể hiểu ông Liên muốn gì, đâu là ý kiến thực, đâu là ý kiến ảo? Nhiều chuyên gia về vận tải cho rằng, việc viện dẫn quy hoạch của TP. Hà Nội và Chính phủ để phản đối kế hoạch giảm tải bến Mỹ Đình của ông Bùi Danh Liên là thiếu thuyết phục, không có cơ sở pháp lý, khoa học" - Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

 

Theo Dân trí

Các tin cũ hơn