Khoảng 20h ngày 23/6, sau khi đổ bộ vào các tỉnh Đông Bắc Bộ (trọng tâm là Hải Phòng, Thái Bình) bão số 2 (Bebinca) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục đi sâu vào đất liền và tan dần.
Trước khi đổ bộ vào đất liền, bão gây gió mạnh cấp 5 - 6, giật trên cấp 6 ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Theo ông Lê Thanh Hải - Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hoàn lưu bão số 2 gây ra mưa to đến rất to ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Đợt mưa này kéo dài đến ngày 24/6 sẽ kết thúc.
Dự báo trong 12h tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 16h ngày 24/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khu vực các tỉnh vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/h).
Nhiều nhà dân ở Đồ Sơn, không kịp di chuyển đồ đạc do triều cường dâng cao quá nhanh. |
Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết đến 16h ngày 23/6 bộ đội biên phòng đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn, sắp xếp neo đậu cho 19.998 tàu thuyền, lồng bè cùng 71.587 người.
Cụ thể, khu vực vịnh Bắc Bộ (từ Quảng Trị đến Quảng Ninh): 19.973 tàu/71.289 người, khu vực quần đảo Hoàng Sa có 25 tàu/298 người (hoạt động trong vùng biển an toàn).
Mặc dù bão số 2 không gây gió quá mạnh nhưng trong chiều 23/6 do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với gió bão, nhiều khu vực ven biển bị nước đánh tràn qua đê. Tại khu vực đê trong bãi tắm Quất Lâm, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, sóng đánh tràn qua mặt đê gây sạt lở 20m.
Biên phòng Nam Định cử 45 cán bộ chiến sĩ của đồn biên phòng Quất Lâm phối hợp cùng địa phương tham gia khắc phục sự cố. Chiều 23/6, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nam Định cho biết trưa cùng ngày, Nam Định cơ bản hoàn thành việc di dời hơn 7.000 người dân ở ngoài tuyến đê chính, vùng cửa sông, vùng nuôi trồng thủy sản tại ba huyện ven biển Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu vào nơi trú ẩn an toàn sâu trong đất liền.
Chiều 23/6 tại Hải Phòng, do mực nước dâng cao, gió thổi mạnh kết hợp với triều cường đã gây ngập lụt tại một số khu dân cư ở các quận huyện ven biển như huyện đảo Cát Hải, Q.Đồ Sơn và một số đường phố trong khu vực nội thành. Nhiều khu vực đê xung yếu, kè tại Cát Hải và Đồ Sơn cũng bị sóng đánh gây sạt lở.
Tại phường Ngọc Hải, Đồ Sơn, mưa lớn và triều cường gây ngập lụt đến ngang ngực người dân. |
Ông Trần Quang Thống, Phó chánh văn phòng UBND huyện Cát Hải, cho biết tại khu vực gần thị trấn Cát Hải triều cường dâng cao, sóng biển mạnh đánh tràn qua mặt đê, nước tràn vào gây ngập lụt cục bộ tại khu vực thị trấn và các xã Văn Phong, Văn Chấn, Hoàng Châu...
Khoảng 2km đê xung yếu đã bị vỡ và hơn 450m kè bị sạt lở. UBND huyện Cát Hải đã tổ chức di dân cho khoảng 1.800 người về nơi tránh bão an toàn.
Tại Q.Đồ Sơn cũng xuất hiện triều cường lớn, nước dâng cao làm ngập nhiều khu dân cư. Toàn bộ khu vực P.Ngọc Hải, khu 1 - P.Vạn Hương, khu chợ Cồng Vồng... đều ngập nước mênh mông, có nơi nước sâu khoảng 1m.
Để phòng chống những thiệt hại của bão, trong sáng 23/6 Quân khu 3 đã tổ chức di dời 760 người ở Kim Sơn (Ninh Bình) từ các khu vực nuôi trồng thủy sản về nơi trú tránh an toàn.
Tại Quảng Ninh, triều cường, nước biển dâng qua bờ làm ngập lụt, gây nguy hiểm cho sáu hộ dân thuộc hai thôn Thái Hòa và Tân Phong, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Đồn biên phòng Quan Lạn đã cử 15 cán bộ chiến sĩ phối hợp cùng địa phương tổ chức be bờ đập, chống tràn, di dời sáu hộ dân đến nơi trú tránh an toàn.
Một số hình ảnh bão làm ngập lụt tại Hải Phòng:
Nước ngập khắp các tuyến phố.
Nước tràn ngang nửa nhà dân.
Đẩy xe giữa mênh mông nước.
Nhiều phương tiện bị chết máy.
Tàu thuyền về bến cá của phường Ngọc Hải trú ẩn.
Bộ đội thuộc Trung đoàn 50 của Bộ chỉ huy Quân sự Hải Phòng đắp đường, ngăn nước. |
Theo Tuổi Trẻ