PGS-TS Hoàng Công Đắc, Chuyên ngoại khoa, Bệnh viện Medlatec cho biết, thói quen ít vận động của dân công sở sẽ gây ra nhiều bệnh tật.
“Người ta nhận thấy, người ngồi nhiều một tư thế, ngồi lâu mỏi nên thường xuyên phải thay đổi nhiều tư thế khác nhau. Trong đó, có nhiều tư thế ngồi không chuẩn dẫn tới mắc nhiều bệnh của nhiều cơ quan. Có thể là một bệnh hoặc nhiều bệnh kết hợp nhau”, bác sĩ Đắc nói.
Ông Đắc dẫn chứng bằng kết quả nghiên cứu viện SAX (Úc) từ năm 2006 đến năm 2012 trên 200.000 người từ 45 tuổi: “Những người ngồi trên 11h/ngày có nguy cơ tử vong cao hơn gần gấp đôi so với người ngồi dưới 4h/ngày”. Một nghiên cứu khác đăng ở tờ Medical Billing & Cooing cũng chỉ ra rằng tỉ lệ mắc bệnh tim ở những người làm việc ở tư thế ngồi cao gấp 2 lần người làm việc ở tư thế đứng: “Việc ngồi làm việc đang giết chết loài người”.
Ảnh minh họa |
“Khi ngồi các bộ phận của cơ thể đang hoạt động thì trở về trạng thái tĩnh. Chân của chúng ta ngừng hoạt động, cứ mỗi phút tiêu thụ thì giảm 1 calo, lượng enzym chống béo phì giảm 90%, ngồi trên 24 giờ, lượng cholesterol có lợi giảm 20%. Tất cả diễn biến trên kéo theo nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngồi liên tục 24giờ, hoạt tính của Insulin trong cơ thể giảm 24% dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hoặc có rối loạn đường huyết”, ông Đắc phân tích.
Còn GS-TS Trần Văn Sáng, Chuyên khoa hô hấp, bệnh lao phổi cho biết làm việc nơi công sở, có nguy cơ mắc nhiều bệnh về đường hô hấp.
“Nguy cơ cao, vì môi trường văn phòng thường kín, mật độ nhân viên đông, ngồi sát nhau. Bệnh lây qua đường hô hấp có thể do vi khuẩn, siêu vi khuẩn (virus) hoặc phối hợp cả vi khuẩn và virus như lao, cúm, SARS… Người này ốm, khi ho, nói chuyện có thể làm lây vi khuẩn, virus qua người khác rất dễ dàng”, bác sĩ Sáng nói.
Cân bằng ngồi, đứng, đi bộ để hạn chế bệnh
PGS-TS Hoàng Công Đắc cho rằng, để hạn chế bệnh tật khi ngồi lâu, dân văn phòng nên tìm cách cân bằng giữa ngồi, đứng, đi bộ và các hoạt động khác:
+ Hoạt động được cho là tốt nhất với người hay ngồi là gập thân, đi bộ và nhảy tại chỗ.
+ Tập thể dục một cách hợp lý sau mỗi giờ làm việc, có thể đứng dậy đi lại vươn vai hoặc ngồi thư giãn trên ghế, vuốt ngực, xoa bóp từ cẳng chân lên đùi. Ngồi trên ghế để hai chân sát xuống mặt đất, thân gấp với đùi một góc 135 độ và nhắm mắt thả lỏng người.
+ Bỏ thói quen dùng ghế có bánh xe để vừa ngồi vừa di chuyển trong phòng làm việc. Mỗi lần đứng dậy để đi lại, bạn đã tự cho mình thêm một khoảng thời gian để sống.
+ Ngoài ra, yếu tố dinh dưỡng rất quan trọng với những người làm việc văn phòng. Người làm việc văn phòng có thể tự tính toán cân nặng của mình để đưa ra được lượng thức ăn cho phù hợp.
Theo VNN