Hàng nghìn người biểu tình phản đối việc trao quyền phòng vệ tập thể cho quân đội Nhật Bản trước văn phòng của Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: Reuters |
Reuters cho hay những người biểu tình, bao gồm sinh viên, hưu trí và các bà nội trợ, tập trung trước văn phòng của ông Abe.
Các nhà tổ chức nói rằng có 10.000 người đã tham gia biểu tình trong âm thanh hòa lẫn của trống, saxophone và tiếng hò hét. Một số người mang theo các biểu ngữ ghi "Tôi không muốn nhìn thấy trẻ em và các binh sĩ của chúng ta phải chết" hay "Bảo vệ hiến pháp".
"Nếu thủ tướng lần nào cũng thay đổi việc giải thích hiến pháp thì hiến pháp sẽ không có chức năng gì", Ayumi Yamashita, 51 tuổi, nói giữa tiếng hô vang từ đám đông xung quanh "Đừng để chúng ta đi đến chiến tranh!".
Yuriko Umehara, 34 tuổi, nhân viên một công ty xây dựng, cho rằng việc thay đổi vai trò của lực lượng phòng vệ là một mối đe dọa đến hòa bình. "Muốn thay đổi cách giải thích hiến pháp thì người dân phải đi bỏ phiếu", cô nói.
Một cuộc thăm dò do nhật báo kinh tế Nikkei tổ chức vừa được công bố hôm qua cho thấy 50% số người bỏ phiếu phản đối việc gỡ bỏ lệnh cấm quân đội phòng vệ tập thể, trong khi 34% ủng hộ thay đổi này.
Hôm qua, một người đàn ông đã châm lửa tự thiêu tại một giao lộ tấp nập ở Tokyo với mục đích được cho là để phản đối đề xuất của Thủ tướng Abe.
Nội các Nhật Bản dự kiến sẽ thông qua một nghị quyết sửa đổi cách giải thích từ lâu đời của hiến pháp do Mỹ soạn thảo sau khi Nhật Bản thất bại trong Thế chiến II. Việc giải thích lại nhằm nới lỏng hạn chế của hiến pháp về việc cấm quân đội Nhật Bản chiến đấu ở nước ngoài và hỗ trợ đồng minh khi bị tấn công. Các nhà phân tích mô tả đây là bước ngoặt lớn nhất kể từ khi lực lượng vũ trang Nhật Bản thành lập năm 1954.
Liên minh các đảng cầm quyền bày tỏ sự ủng hộ với sự thay đổi này. Tuy nhiên, việc sửa đổi pháp lý còn cần có sự phê chuẩn của quốc hội Nhật Bản.
Quân đội Nhật Bản không hề tham chiến kể từ năm 1945 đến nay. Những người theo đường lối bảo thủ cho rằng quy định của hiến pháp đang hạn chế khả năng phòng vệ của Nhật Bản và trước sự thay đổi về cán cân sức mạnh trong khu vực, với sự nổi lên của Trung Quốc, các chính sách an ninh của Tokyo cần phải linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, các nhà phê bình lại chỉ trích sự thay đổi này sẽ phá hủy quy định của hiến pháp về vai trò quân đội và là sự nhạo báng quy trình sửa đổi hiến pháp.
"Hiến pháp lẽ ra nên kiểm soát quyền lực của chính phủ, nhưng ông Abe lại đang dùng quyền lực của mình để thay đổi nó", một người biểu tình nói.
Theo VNE