Một bài báo trên tạp chí SAPIO của Nhật Bản thừa nhận Hải quân Trung Quốc đang lớn mạnh. Tuy nhiên, bài báo cho rằng nếu không có những máy phóng phi cơ phù hợp, chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc không thể xuất kích từ hàng không mẫu hạm Liêu Ninh với đủ cơ số đạn và tên lửa.
Trong khi đó, mặc dù Không quân Trung Quốc có thể huy động hơn 100 chiến đấu cơ thế hệ thứ tư (thế hệ mới nhất) từ các căn cứ trên đất liền, những phi cơ đó vẫn chưa đủ khả năng giành thế thượng phong trước Không quân Nhật Bản.
Một phản lực cơ F-22 của Mỹ. Ảnh: defence.pk |
Hiện tại Lực lượng Phòng không Nhật Bản sở hữu 20 phản lực cơ F-2 và 200 chiến đấu cơ F-15. Trong số chúng, 70 chiếc có khả năng phối hợp với không quân Mỹ để đối phó Trung Quốc. Nếu Trung Quốc chiếm nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku mà Nhật Bản đang quản lý, Mỹ có thể huy động phản lực cơ F-22. Theo SAPIO, mỗi chiếc F-22 có khả năng diệt từ 10 tới 20 phi cơ chiến đấu của Trung Quốc.
Ngoài ra, các phản lực cơ Mỹ và Nhật Bản có thể phá hủy hệ thống phòng không của Trung Quốc phía trên các đảo tranh chấp. Sau đó, thủy quân lục chiến Mỹ và binh sĩ Nhật Bản sẽ lấy lại nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku từ phía Trung Quốc.
Liu Jianping, một nhà phân tích quân sự người Trung Quốc, phản bác lập luận của tạp chí SAPIO thông qua một cuộc phỏng vấn trên báo Global Times. Ông cho rằng bài báo chứa đựng nhiều lập luận sai lầm.
“SAPIO phóng đại khả năng chiến đấu của Mỹ và Nhật Bản, đồng thời đánh giá quá thấp sức mạnh và ý chí của quân đội Trung Quốc. Ngoài ra vũ khí không phải là yếu tố quyết định kết cục của chiến tranh”, Liu bình luận.
Theo Zing