Đáng báo động nhất, ngay cả đêm khuya từ 22 giờ đến 5 giờ sáng, mức độ ồn đo được vẫn quá giới hạn gấp nhiều lần. Có nơi ô nhiễm và ồn đến mức, người dân phải “di cư” về quê để bớt căng thẳng đầu óc.
Theo số liệu quan trắc của trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, tại 150 điểm của 30 tuyến đường trung tâm thành phố, tiếng ồn ở mọi lúc, mọi nơi đều vượt mức cho phép rất nhiều lần.
Những tuyến đường có mật độ giao thông cao thì hầu hết số lần đo đều cho kết quả vượt tiêu chuẩn ở mức cao, tuyến có mật độ giao thông ít hơn cũng không khả quan hơn là bao.
Đáng báo động nhất, ngay cả đêm khuya từ 22 giờ đến 5 giờ sáng, mức độ ồn đo được vẫn quá giới hạn gấp nhiều lần.
Người dân thường mắc các chứng bệnh về thị lực, đau đầu, chóng mặt, thậm chí là mất ngủ, chán ăn, suy nhược cơ thể… (Ảnh minh họa) |
Kết quả quan trắc tiếng ồn của Chi cục Bảo vệ Môi trường TP.HCM vừa qua cũng cho thấy tất cả số lần đo ở 6 trạm quan trắc gồm ngã tư An Sương (quận 12), ngã sáu Gò Vấp (quận Gò Vấp), vòng xoay Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), đường Đinh Tiên Hoàng-Điện Biên Phủ (quận 1), vòng xoay Phú Lâm (quận Bình Tân), đường Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (quận 7) đều cho kết quả tiếng ồn đạt tới 85 decibels (dBA), trong đó ngưỡng vượt tiếng ồn cho phép cao nhất là 75dBA.
Điểm có mức độ ồn cao nhất hiện nay là ngã tư An Sương, “thủ phạm” chủ yếu là do lượng xe tải, xe cơ giới qua lại đông gây cộng hưởng tiếng ồn quá lớn.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Viết Hồng (75 tuổi) sống gần ngã tư An Sương cho biết, cứ đến giờ tan tầm là lượng xe cộ lại đông đặc xung quanh ngã tư này, tiếng động cơ, tiếng còi inh ỏi. Ông Hồng chia sẻ những ngày chuyển mùa, khó chịu trong người ông phải “di cư” về quê lánh tiếng ồn để bớt căng thẳng đầu óc, khi nào khỏe người mới dám trở về nhà.
Anh Út Em, một người hành nghề xe ôm cũng cho biết, giữa trưa vào ngày nắng nóng là kinh khủng nhất với bất kỳ ai đi ngang qua ngã tư An Sương.
Tiếng động cơ xe, còi hơi inh ỏi, khói bụi từ mặt đường bốc lên khiến ai cũng muốn nổi nóng khi có va chạm giao thông xảy ra.
Giữa trưa nắng nếu ra đường thì hầu hết phụ nữ đều trong trang phục kín như bưng từ đầu tới chân, nam giới cũng khẩu trang, kính mắt bịt bùng.
Ô nhiễm ánh sáng cũng là vấn đề đáng báo động đối với người dân TP.HCM. Hầu hết các tuyến đường trung tâm của thành phố đều được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng công cộng có công suất từ 100W đến 500W, đèn huỳnh quang, đèn led, đèn từ các biển hiệu quảng cáo… sáng suốt đêm.
Hầu như những tuyến phố chính như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Nguyễn Trãi… không có bóng tối, khiến cho người dân choáng ngợp trước thứ ánh sáng đủ sắc màu mỗi khi đêm xuống.
Ánh sáng đèn điện là rất cần thiết cho cuộc sống con người, nhưng tình trạng lạm dụng ánh sáng đèn chiếu sáng ở đô thị suốt ngày đêm như ở thành phố hiện rất đáng báo động.
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại các thành phố “không ngủ”, người dân thường mắc các chứng bệnh về thị lực, đau đầu, chóng mặt, thậm chí là mất ngủ, chán ăn, suy nhược cơ thể…
TP.HCM được ghi nhận là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất cả nước với mức tăng bình quân từ năm 2011-2013 là 9,6%, tổng thu ngân sách năm 2013 đạt trên 764.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, áp lực tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã khiến cho vấn đề bảo vệ môi trường là một thách thức lớn với chính quyền thành phố.
Ô nhiễm môi trường của thành phố rất đa dạng, trong đó chủ yếu là ô nhiễm nước mặt, không khí, tiếng ồn, ánh sáng… Mỗi năm thành phố tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng ngân sách để khắc phục nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào.
Theo TTXVN