Chưa đầy hai tháng sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nước này tiếp tục triển khai các giàn khoan Nam Hải 2, 4, 5 và 9 hoạt động tại Biển Đông trong tuần qua.
Trả lời phỏng vấn kênh Deutsche Welle (Đức) ngày 24/6, ông Ian Storey, chuyên gia về các vấn đề an ninh châu Á, nhận định động thái điều thêm 4 giàn khoan thể hiện rõ quyết tâm của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền trong vùng biển thuộc đường 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra.
Ông Storey cảnh báo trong tương lai Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa nhiều giàn khoan. “Lần tiếp theo có thể Trung Quốc sẽ nhắm tới vùng biển tranh chấp với Philippines, vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Hành động này thực sự thách thức sức mạnh liên minh Mỹ - Philippines”.
Giàn khoan Hải Dương-981 mà Trung Quốc đưa vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: DPA |
Chuyên gia Singapore cho rằng: “Các nước Đông Nam Á có liên quan trong tranh chấp trên Biển Đông có rất ít giải pháp để đối phó tình hình hiện nay. Họ hiển nhiên không muốn đối đầu quân sự với Bắc Kinh vì tương quan sức mạnh quân đội. Các nước đã tích cực sử dụng giải pháp ngoại giao, như Việt Nam đã và đang thực hiện, để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Nhưng Bắc Kinh dường như phớt lờ đề nghị này”.
Ông Storey tỏ ý ủng hộ “giải pháp tốt nhất của Việt Nam” là kiện Trung Quốc ra Tòa án hình sự quốc tế về Luật Biển (ITLOS) tại The Hague vì hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép. Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh: “Ngay cả khi ITLOS ra phán quyết có lợi cho Việt Nam thì Trung Quốc sẽ tiếp tục phủ nhận và thà chấp nhận đánh đổi thanh danh”.
Theo ông Storey, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục gây áp lực, bày tỏ lo ngại với Trung Quốc về các hành động đơn phương và khiêu khích đẩy hòa bình và ổn định khu vực vào hiểm nguy.
“Khủng hoảng hiện tại chỉ được giải quyết sau khi Trung Quốc rút giàn khoan khỏi khu vực trước thời hạn 15/8 như họ thông báo trước đó”, chuyên gia Storey khẳng định.
Theo Zing