Chuyện ở nơi cứ buồn là tự tử

Thứ hai, 23/06/2014, 16:08
Những người tự vẫn xem cái chết là sự giải thoát khỏi những khúc mắc cuộc sống. Câu chuyện buồn thêm nét thâm u giữa chốn đại ngàn ở tỉnh Bình Định.

Chuyện ở nơi cứ buồn là tự tử

Xã An Trung, huyện An Lão là một trong những địa phương có người dân tộc thiểu số tự tử nhiều nhất tỉnh Bình Định.

Cứ mâu thuẫn là… tự tử

Ngày21/1/2014, bà Đinh Thị Thươu (SN 1960) cùng chồng là ông Đinh Văn Đổi (SN 1954, ở làng  Hà Lũy, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) cùng đi làm rẫy, đến chiều ông Đổi chặt hai buồng chuối về bán được 50 nghìn đồng, mang tiền đi uống rượu. Đến khoảng 18h, ông Đổi đã ngà ngà say nhưng vẫn đem về nhà một chai rượu và muốn uống cùng vợ. Bà Thươu không đồng ý, nói mãi vợ không chịu “đối ẩm”, ông Đổi quật mạnh chiếc võng xua vợ ra.

Bà Thươu muốn êm chuyện nên nín nhịn lên nhà trên xem vô tuyến. Khoảng 21h, bà Thươu ra ngoài đi vệ sinh thì thấy nhà dưới tối om nên bật điện, thấy chồng trong tư thế quỳ gối, sợi dây thừng thắt chặt vào cổ. Nguyên nhân cái chết được xác định là do ông Đổi giận vợ không chịu hầu rượu.

Hơn hai tháng sau, ngày31/3/2014 ở làng Chồm, xã Canh Liên, huyện Vân Canh, khi bị gia đình phát hiện ngoại tình, cặp tình nhân chị dâu - em chồng đã cùng nhau uống thuốc độc tự tử. Theo đó, khoảng 7h ngày 31/3, chị Đinh Thị Bơi (SN 1987) phát hiện chồng mình là anh Đinh Văn Lưa (SN 1987) và chị dâu Đinh Thị Dép (SN 1990) đang cầm chai thuốc sâu uống ở một căn chòi gần nhà.

Những đứa con của anh Lưa và chị Dép vừa mất cha, mất chú, vừa mất mẹ.

Khi hô hoán, người nhà kịp đưa chị Dép đi cấp cứu còn anh Lưa thì không qua khỏi. Nguyên nhân được xác định là do trước đó anh Lưa và chị Dép nhiều lần ngoại tình bị gia đình phát hiện và can ngăn. Tối ngày 30/3, chồng chị Dép lại phát hiện vợ mình và em trai ngoại tình nên tát mỗi người một cái, vì thế cả hai rủ nhau uống thuốc độc.

Chỉ một tháng sau là vụ tự vẫn của chị Đinh Thị Ha (SN 1991, ngụ làng 4, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh). Lấy chồng sớm, những đứa con lần lượt chào đời, nghèo khó khiến mâu thuẫn vợ chồng càng nhiều, chồng chị Ha sa đà rượu chè, bỏ bê nương rẫy. Một mình cáng đáng mọi công việc gia đình và khi đuối sức, quá uất ức chồng, chị đã dùng thuốc sâu để kết liễu đời mình vào tháng 5/2013, bỏ lại hai đứa con thơ nheo nhóc.

Còn tại huyện An Lão, nạn tự tử không chỉ người dân mà ngay cả cán bộ cũng tìm đến cái chết rất mơ hồ. Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, kể lại:

“Vào năm 2009, trong hội thi bắn súng, có anh là cán bộ thuộc xã đội An Nghĩa tham gia. Trong hội thi, anh cán bộ xã đội này đạt điểm thấp hơn cấp dưới. Mặc dù đồng đội không ai chọc ghẹo gì nhưng có lẽ do trong lòng anh tự thấy xấu hổ nên trên đường từ hội thi về nhà, anh đã ghé vào rừng thắt cổ tự tử chết.

Hoặc như trong năm 2011, tại một đám cưới, anh Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã An Quang có lời qua tiếng lại với một người làng. Không biết buồn lòng thế nào mà sau đám cưới, anh này tìm đến cái chết bằng cách thắt cổ tự tử”.

Sáu năm, 133 vụ tự vẫn

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 133 vụ tự tử, làm chết 75 người, phát hiện và cứu sống 58 người. Trong đó, huyện An Lão được xem là “điểm nóng”, với 46 vụ tự tử, làm chết 24 người, phát hiện và cứu sống 22, tập trung nhiều nhất ở xã An Quang, An Nghĩa, An Hưng, An Trung. Phần lớn những người tự tử là lao động chính đóng góp chủ yếu vào kinh tế gia đình (làm nông 82,5 %; học sinh, sinh viên 3,7%; cán bộ, công chức 4,6% và già yếu mất sức lao động 9,2%).

Để ngăn chặn nạn tự tử, vai trò của già làng có uy tín là vô cùng  quan trọng.

Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định: “Đặc điểm tính cánh tâm lý của người miền núi là bộc trực, trọng tín nghĩa nhưng cũng rất tự ti, mặc cảm. Họ thiếu ngôn ngữ để biểu lộ cảm xúc, nhất là trước những sự việc tế nhị trong sinh hoạt gia đình. Do vậy, khi phát sinh mâu thuẫn không giải quyết được là họ nghĩ ngay đến cái chết. Hành vi tự tử được xem là một phản ứng có tính chống đối, hay để gây ra sự đau khổ cho người thân đã làm mình buồn cái bụng, theo suy nghĩ đó là cách trả thù”.

Trước tình hình vấn nạn tự tử vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ ngày càng lan rộng và trở thành một “tập tục” xấu, nhiều địa phương đã xác định nhiệm vụ của công tác dân tộc trong tình hình mới.

Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: “Từ năm 1998, nhận thấy vấn nạn tự tử tại địa phương có xu hướng ngày càng lan rộng nên Ban Thường vụ Huyện ủy An Lão đã kịp thời ban hành hẳn chỉ thị về việc “Đẩy mạnh công tác phòng ngừa và ngăn chặn nạn tự tử ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; đồng thời trích một khoản kinh phí khá lớn để các địa phương duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ nạn tự tử.

Với sự phối hợp gắn bó của cả hệ thống chính trị trong toàn huyện, những năm đầu thực hiện đã cho thấy những chuyển biến tích cực. Thế nhưng khi kinh phí cạn, công tác tuyên truyền gặp khó khăn, tình trạng tự tử lại tái diễn phức tạp”.

Theo Báo Pháp luật

Các tin cũ hơn