Bài học đầu đời của cu Tí là "đập kiến" để khỏi bị cắn vì phải ngủ tạm ở góc công viên.
“Đập từng con kiến cho nó ngủ”
Công viên 23/9 (TP.HCM) một buổi mưa nắng trái mùa, trong trạm thông tin xe buýt, hai mẹ con cu Tí co ro, nhỏ thó. Trạm thông tin chỉ đủ che một đầu người này là “nhà” của cu Tí.
Cu Tí được 16 tháng tuổi, không quần, không áo, những nốt kiến cắn đỏ hằn trên làn da mỏng. Nhưng cu Tí không khóc.
Ông Nguyễn Kỳ Nhiên, 55 tuổi, tài xế xe ôm, cũng là người cưu mang cu Tí cười nói: “Nó bị kiến cắn riết quen rồi, bụi đời mà”. Rồi ông Nhiên bảo cu Tí: “Đập kiến đi con, đập kiến lấy chỗ mà ngủ”. Cu Tí lẫm chẫm đi đập kiến, mọi trẻ em đều cần đồ chơi, và thú vui của cu Tí chỉ có vậy.
Ông Nhiên kể, ngày đầu mới gặp mẹ con cu Tí, thương người mẹ trẻ không có kinh nghiệm nuôi con, ông Nhiên tính giúp một tay. Nhưng rồi thương đứa trẻ hồi nào không biết. Kể từ đó, nhóm xe ôm của ông Nhiên ở công viên 23/9 cùng nhau gom góp để cưu mang cu Tí.
Ông Nhiên trở thành cha "bất đắc dĩ" cho cu Tí. |
Chạy cuốc xe ôm được mấy chục ngàn, các bác tài cũng trích ra người mười ngàn, hai chục ngàn để Tí được thêm bịch sữa, cái bánh quy. Ông Nhiên nói: “Ở đây, tụi tui đập từng con kiến cho nó ngủ. Hồi nó chưa biết đập kiến, kiến cắn khóc hoài. Tụi tui chỉ nó cách đập kiến, giờ đỡ hơn rồi”.
Ông Nhiên chỉ tay sang bác xe ôm ngồi gần nói: “Ông Mạnh này ổng cũng thương thằng nhỏ lắm nè. Mua sữa cho nó uống hoài, phỏng vấn ổng đi”.
Tôi lại gần ông Mạnh, chưa kịp hỏi gì ông đã xua tay: “Thôi nha, thôi nha, tui mua cho nó có bịch sữa mấy ngàn, có gì đâu mà viết. Ai như tui cũng làm vậy thôi à”.
Nói rồi ông Mạnh rồ ga xe, tôi hỏi: “Ủa, bác phải chạy xe giờ hả?”. Ông Mạnh ngại ngùng nói: “Không có, tui không có làm gì lớn lao, mà phỏng vấn tui, tui không biết nói gì, nên… chạy qua chỗ khác đậu”.
Chỉ vài ngàn, cũng là một bữa ăn của cu Tí. Vì cứ ban trưa, ban chiều ông Nhiên, ông Mạnh, hay bác tài nào rảnh rỗi lại đưa mẹ con cu Tí đến quán cơm từ thiện 2.000 đồng để tiết kiệm một phần chi phí.
Lúc trước mẹ con cu Tí ngủ trong nhà vệ sinh tại công viên, giờ nhà vệ sinh xây mới lại, không có chỗ ngủ, cu Tí lại dạt sang trạm thông tin xe buýt kế cận. Ngày ráo thì thôi, ngày mưa, mẹ con cu Tí phải đi thuê trọ gần đó ngủ qua đêm, hết đến 200.000 đồng.
Giờ, có người thương, cho mẹ con Tí nghỉ qua đêm ở nhà bếp và đến sáng trạm thông tin lại trở thành “nhà”. Còn các bác xe ôm tốt bụng tại công viên 23/9 nghiễm nhiên là những người cha “bất đắc dĩ” của cu Tí.
Đứa trẻ “một ngàn rưỡi đô không bán"
Từ khi mới lọt lòng còn đỏ hỏn, cu Tí đã phải cùng mẹ mưu sinh bằng cách mà tôi tạm gọi là “mua bán tình thương”. Bởi khi hỏi Mai, mẹ của cu Tí, vì sao không mặc áo quần vào cho bé, Mai chỉ im lặng, lảng tránh câu trả lời.
Ai cũng hiểu, chiều nay Mai phải bồng cu Tí đi bán sing-gum và hình ảnh đứa trẻ không quần, không áo, đen nhẻm… có lẽ dễ dàng hơn trong việc khơi dậy lòng trắc ẩn của nhiều người.
Mai năm nay mới 21 tuổi. Người mẹ trẻ có khuôn mặt ngơ ngác như kẻ lạc đường im lặng trước tất cả các câu hỏi mở. Chỉ gật đầu, lắc đầu khi tôi hỏi có, không. Nhưng rồi quá khứ đau lòng của Mai cũng được tái hiện qua vài lời góp nhặt lại từ các bác xe ôm có mặt ở đó.
Mai - mẹ cu Tí còn quá trẻ. |
Mẹ đi lấy chồng khác, ông bà nội bán nhà, Mai lang thang với cha và phải mưu sinh từ nhỏ. Lớn lên một chút, Mai yêu và đến với chàng trai cùng cảnh bụi đời. Nhưng chồng Mai quậy phá rồi phạm tội phải vào tù.
Không hôn thú, không tiền bạc, không được gia đình chồng thừa nhận đã đành, cha Mai còn đột ngột mất đi. Từ đó, mẹ con Mai tìm ra công viên sống lay lắt qua ngày.
Tôi lại hỏi, hỏi như để nhắc rằng, Mai nên mặc quần áo cho cu Tí, Mai lại im lặng. Ông Nhiên cười buồn: “Chuyện đời nhiều cái khó nói. Thằng nhỏ chắc cũng quen sương gió, ít thấy bệnh tật gì. Mai nó cũng có nỗi khổ, nếu nó không thương con thì mấy hôm nó cho ông người Mỹ, lấy ngàn rưỡi đô ngon ơ rồi”. Từ đó mọi người ở công viên gọi đùa Tí là "thằng nhỏ ngàn rưỡi đô không bán".
1.500 USD, có thể là số không lớn, nhưng đó là cả gia tài với nhiều người như Mai, như ông Nhiên, bởi: “Lấy số đó làm ăn, gầy lại cuộc sống cũng đỡ lắm à, mấy chục triệu chứ ít gì” - lời ông Nhiên.
1.500 USD là lời hứa đảm bảo cuộc sống cho cu Tí, là chút hy vọng vào tương lai của người phụ nữ mới 21 tuổi đời… Nhưng Mai không đồng ý vì: “Nó là con em mà…”, Mai nói rất ít và rất nhỏ.
Tôi chưa làm mẹ, nên không biết phán xét kiểu gì cho phải. Đời còn rất nhiều chuyện chẳng thể rạch ròi. Trước khi đi, tôi chỉ biết dặn Mai: “Mai mốt khá hơn, em mặc áo quần vô cho Tí”. Mai gật đầu rất nhẹ…
Tên khai sinh của cu Tí là Nguyễn Văn Sang, Mai nói, đặt tên vậy hy vọng đời cu Tí mai này sẽ sáng tươi hơn đời của mẹ. Mai nói rất ít và rất nhỏ.
Theo MTG