Châu Âu đối mặt mối đe dọa khủng bố lớn nhất từ trước đến nay

Thứ hai, 23/06/2014, 15:00
Khoảng 2.000 công dân tại các nước thuộc Liên minh Châu Âu được cho là đã nghe theo lời kêu gọi Thánh chiến Hồi giáo, trong đó có hàng trăm người có thể đã gia nhập các tổ chức Hồi giáo cực đoan, khiến châu Âu đang đối mặt với nguy cơ bị tấn công khủng bố bất cứ lúc nào.
Châu Âu đối mặt mối đe dọa khủng bố lớn nhất từ trước đến nay

Tên Mehdi Nemmouche. Ảnh Internet

Thành phố Cannes ở vùng Riviera của Pháp nổi tiếng là nơi lưu trú của những người giàu có và những liên hoan phim hoành tráng chứ không phải là nơi trú ẩn của những kẻ khủng bố. Tuy nhiên, Cảnh sát Pháp mới đây đã đột kích vào một căn hộ ở ngoại ô thành phố và phát hiện những lon soda đã được chuyển thành những quả bom thô.

Tổng cộng, trong những quả bom này có chứa gần 1kg thuốc nổ có tính công phá cao TATP – một chất thường được sử dụng để làm ngòi nổ trong nhiều âm mưu đánh bom nhằm vào phương Tây của tổ chức khủng bố Al Qaeda trong nhiều năm liền sau khi xảy ra các vụ tấn công ngày 11/9/2001 tại Mỹ.

Căn hộ nói trên là nhà của một người đàn ông 23 tuổi, được các công tố viên nêu tên là Ibrahim B – kẻ mới trở về Pháp sau 18 tháng chiến đấu trong hàng ngũ chi nhánh Jabhat Al Nusra của Al Qaeda tại Syria. Cuộc đột kích được tiến hành sau khi cảnh sát phát hiện Ibrahim B nhiều lần lên mạng internet và đưa ra những tuyên bố đòi “trừng phạt nước Pháp”.

Ibrahim B là một trong hàng chục vụ việc tương tự có liên quan đến những phần tử thánh chiến người châu Âu từ Syria và Iraq về nước sau khi đã gia nhập các nhóm như Al-Nusra và Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS) cùng với kinh nghiệm chiến đấu, được đào tạo và cả tư tưởng cực đoan bị cảnh sát phát giác trong những tháng gần đây.

Tín hiệu cảnh báo sớm về mối đe dọa tiềm năng diễn ra hồi tháng trước, khi một người đàn ông nổ súng vào một nhà thờ Do Thái ở Thủ đô Brussels của Bỉ, khiến 4 người thiệt mạng. Người đàn ông bị buộc tội trong các vụ giết người này là Mehdi Nemmouche - một phần tử quá khích người Pháp – Algeria.

Theo các công tố viên, Nemmouche đã tới Syria sau khi bị tiêm nhiễm tư tưởng cấp tiến tại một nhà tù của Pháp. Chỉ vài giờ sau khi thông tin về vụ bắt giữ đối tượng này được công bố, một thành viên người Pháp của ISIS đang ở Syria thông báo Nemmouche đã chiến đấu cho ISIS dưới tên Abu Omar al Firansi.

Các quan chức châu Âu cho rằng khoảng 2.000 công dân tại các nước thuộc Liên minh Châu Âu đã đáp lời kêu gọi chiến tranh Hồi giáo, trong đó có vợ của những phần tử cực đoan, và khoảng 500 đến 1.000 người trong số đó có thể đã gia nhập ISIS. Pháp, Đức và Anh là những nước có số người đi theo phong trào thánh chiến cao nhất, với mỗi nước đều có hàng trăm người đang chiến đấu tại Syria.

Tuy nhiên, Bỉ lại đang là nước có số người rời đi trên số dân lớn nhất trong khối EU. Nước này có số dân người Hồi giáo Bắc Phi và Thổ Nhĩ Kỳ khá lớn và cũng là địa bàn hoạt động của nhiều nhóm cực đoan như Sharia4Belgium - một tổ chức có nhiều thành viên đã tới Syria từ năm 2012 để đặt nền móng và tiếp tục kêu gọi nhiều người khác đi theo họ.

Một quan chức chống khủng bố của Bỉ cho biết, theo thông tin mà họ có được, khoảng 150 chiến binh người Bỉ đang ở Syria, trong đó hầu hết là thành viên của ISIS. Mỗi tháng lại có khoảng 15 người rời nước này tới Syria.

Một trong những đối tượng khiến giới chức Bỉ đặc biệt lo ngại là Azzedine Kbir Bounekoub, ngoài 20 tuổi, được cho là đang ở Raqqa tại Syria – trung tâm chính của ISIS. Trong những ngày qua, tên này đã kêu gọi tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn nữa tại Bỉ. “Đấng Allah sẽ nâng đỡ thêm những người trẻ, lấy những người đã thực hiện vụ tấn công tại bảo tàng Do Thái làm hình mẫu, máu, tài sản và danh dự của họ chính là nguồn sống của chúng ta” – tên Bounekoub viết trên tài khoản facebook hôm 3/6.

Một quan chức Bỉ cho biết, giới chức nước này thường xuyên phải chơi trò “đuổi bắt” và đôi khi phát hiện  ra những chuyến đi đầy nghi vấn trong vài tháng sau khi một người nào đó xách hành lý rời khỏi đất nước. Một số người khi về lại châu Âu bị tổn thương và ghê sợ vì tính chất tàn bạo của những cuộc chiến tại Syria và không còn muốn là một phần của phong trào thánh chiến. Song, nhiều người khác lại nuôi trong mình sự thù ghét sâu sắc đối với phương Tây.

Theo các quan chức chống khủng bố tại châu Âu, các nhóm cực đoan hiện bắt đầu tận dụng tâm lý của những nhóm đối tượng trên. Điển hình như ISIS. Trong tuần qua, nhóm này đã phát đi một đoạn băng tuyên truyền tại Đức với nội dung: “Những người anh em, đã đến lúc trỗi dậy. Hãy bắt đầu cuộc chiến nếu các bạn tin vào chiến thắng hay tinh thần tử vì đạo” – đoạn băng có đoạn kêu gọi. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi những phần tử cực đoan khi trở về nước có thể đã có các kỹ năng chế tạo bom và không cần phải có sự giúp đỡ của các tổ chức này trong các ý đồ tấn công.

Theo Báo Pháp luật

Các tin cũ hơn