Ngày 18/8, theo thông tin từ Sở GD-ĐT Đồng Nai, thí sinh L.T.Q., (thuộc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Cửu) đạt điểm 10 môn Lịch sử. Đây cũng là điểm 10 duy nhất trong toàn tỉnh thi môn Lịch sử.
Tuy nhiên thí sinh vẫn bị trượt tốt nghiệp vì chỉ đạt 1 điểm môn Toán. Kết quả các môn còn lại là Ngữ văn 5, Địa lý 7,5 và điểm trung bình năm lớp 12 đạt 6,9.
Nhận định về trường hợp này, PGS Văn Như Cương, nguyên hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh cho biết: "Tôi rất tiếc cho em nhưng Bộ GD-ĐT đã quy định thì phải chấp nhận, không thể thay đổi được”.
Thí sinh tại một điểm thi TP Biên Hòa (Đồng Nai) vui mừng khi làm được bài. |
Cùng quan điểm với PGS Văn Như Cương, một độc giả chia sẻ: "Muốn trở thành sinh viên đại học khối C, tương lai không sử dụng nhiều đến kiến thức toán học, thì trước tiên bạn vẫn phải đạt được trình độ đủ điều kiện đỗ tốt nghiệp THPT".
Ông lấy ví dụ tương tự, nếu một học sinh khối A, đạt 10 điểm cả ba môn Toán, Lý, Hóa nhưng Ngữ văn 1 điểm thì cũng vẫn bị trượt tối nghiệp. Hay trong kỳ thi năm trước, khi Bộ GD-ĐT vẫn quy định 6 môn thi tốt nghiệp, nhiều trường hợp thí sinh đạt 10 Toán nhưng bị điểm liệt Lịch sử vẫn bị đánh trượt.
Theo PGS Văn Như Cương, việc tổ chức thi tốt nghiệp là để đánh giá kiến thức cơ bản tất cả học sinh phải đạt được sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, đặc biệt là Toán và Ngữ văn.
Trong đó, Toán là môn khoa học cơ bản không chỉ cung cấp những phép tính mà còn giúp con người nâng cao khả năng tư duy, nhìn nhận sự việc một cách có logic. Chính vì thế Bộ GD-ĐT mới quy định đây là một trong hai môn thi bắt buộc".
"10 điểm Sử - 1 điểm Toán thì được bênh vực, khen yêu nước. Trong khi 10 điểm Toán - 1 điểm Sử chắc sẽ bị nói là quên nguồn cội", độc giả Trinh Xuan Quang chia sẻ.
Đối với đề thi Toán năm nay, PGS Văn Như Cương nhận định không khó, đặc biệt câu hỏi về đồ thị hàm số giúp thí sinh có thể đạt 1-2 điểm, hay phần phương trình dù chưa đưa ra được kết quả nhưng vẫn chấm điểm quá trình giải của các em. Nếu thí sinh này thực sự không biết gì về môn Toán thì nên để sang năm thi lại, không thể có ngoại lệ cho trường hợp này.
Ông cũng cho rằng quy định về điểm liệt của Bộ GD-ĐT là hợp lý bởi “sẽ làm khó thí sinh hơn và khiến các em phải học hành cẩn thận. Nếu không có quy định này chắc chắn tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay còn cao hơn nữa”.
Theo ông, thí sinh này chính là ví dụ điển hình cho tình trạng học lệch của nền giáo dục Việt Nam. Điều đó khiến PGS Văn Như Cương băn khoăn: “Chương trình giáo dục phổ thông đề cập việc dạy học toàn diện là cần thiết. Nếu không làm được điều đó các em ra đời sẽ là những sản phẩm méo mó.
Tuy nhiên, việc Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh lựa chọn môn thi lại đang khuyến khích việc học lệch. Nếu ba năm nữa vẫn duy trì hình thức này, ngay từ lớp 10 các em sẽ chỉ tập trung vào Văn, Toán và hai môn tự chọn mà coi thường các môn khác”.
Qua đây, PGS Văn Như Cương chắn chắn rằng giám thị của phòng thi này làm việc rất nghiêm túc, không có tình trạng học sinh trao đổi bài, quay cóp.
Nên làm đơn xin phúc khảo
Khi biết được thông tin về thí sinh này, GS.TS Đỗ Thanh Bình, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ: “Tôi rất tiếc cho thí sinh này. Thực tế, nhiều học sinh có thể mạnh về khoa học xã hội mà hạn chế về các môn tự nhiên”.
Tuy nhiên, vị giáo sư này cũng đặt ra giả thuyết: “Năm nay đề thi Lịch sử không chỉ kiểm tra học thuộc mà còn đòi hỏi tư duy. Nếu thí sinh này đạt được 10 điểm thì chắc chắn cũng có khả năng học tập. Có thể trong lúc thi vì một lý do khách quan nào đó em không thể phát huy hết kiến thức, năng lực của mình”. Vì vậy, GS Bình khuyên thí sinh này nên làm đơn xin phúc khảo bài thi.
Theo Zing