Trong một bài viết mới đây được đăng tải trên trang SBS News của Australia, hai tác giả Isaac Stone Fish và Helen Gao đã nhận định rằng, cả giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc dường như sẽ rất tức giận nếu bà Clinton trở thành Tổng thống tiếp theo của Mỹ.
Theo hai tác giả, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo sợ bà vì họ không có kinh nghiệm đối phó với những người phụ nữ như bà - nổi tiếng và quyền lực. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới truyền thông và cả suy nghĩ của một bộ phận người Trung Quốc.
Dưới đây là những phân tích của hai tác giả Isaac Stone Fish và Helen Gao trên trang SBS News:
Hillary Clinton đang ghi thêm dấu ấn cho chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 của mình – vốn không nói ra nhưng gần như ai cũng nhận thấy - với việc phát hành cuốn hồi ký về quãng thời gian làm Ngoại trưởng: "Những lựa chọn khó khăn”. Nó được kỳ vọng sẽ giúp gợi mở thêm những câu chuyện, từ vụ khủng bố Benghazi, Libya, cho tới bốn năm nhiệm kỳ của bà ở Bộ Ngoại giao, từ thành tích quá khứ cho tới những chính sách trong tương lai.
Theo tờ Washington Post, trong cuốn sách của mình, bà Clinton nhắc tới ba lựa chọn để chế ngự Châu Á: "Mở rộng mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, tăng cường liên minh với những nước khác trong khu vực như một đối trọng với Trung Quốc, đẩy mạnh các tổ chức đa phương trong khu vực”. “Tôi đã quyết định rằng lựa chọn khôn ngoan là kết hợp cả ba cách tiếp cận này”, bà viết.
Chuyên gia đối ngoại Walter Russell Mead đã mô tả cựu đệ nhất phu nhân Clinton là "một người thực tế với niềm tin rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được sự hòa hợp chân thành dựa trên lợi ích kinh tế và mong muốn chung là tránh chiến tranh."
Vậy người Trung Quốc và giới lãnh đạo nước này nghĩ gì về bà Clinton?
“Chỉ có tin đồn mới lên được các mặt báo Trung Quốc”
Chưa có cuộc thăm dò dư luận đáng tin cậy nào về việc 1,4 tỷ người của Trung Quốc nghĩ gì về các chính trị gia Mỹ. Nhưng nếu theo dõi kỹ trên phương tiện truyền thông Trung Quốc và các nội dung trao đổi trên Internet, cũng như hàng chục cuộc phỏng vấn, sẽ không khó nhận ra rằng, ý tưởng về một Tổng thống Hillary có thể gây tâm lý tức giận ở một số lượng người đáng ngạc nhiên trong giới trí thức và người dân Trung Quốc và - xem cái cách mà truyền thông nước này nói về bà thì – có lẽ cả giới lãnh đạo nữa.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton.
Trong một bài viết đặc biệt với tựa đề "Sự ra đi của 'kẻ địch’", được đăng tải sau khi bà Clinton rời Bộ Ngoại giao, Hoàn Cầu đã tóm lược nhiệm kỳ của bà và viết rằng "chỉ trong vòng bốn năm tại nhiệm, trong mắt dân mạng Trung Quốc, bà Clinton nhanh chóng trở thành chính trị gia Mỹ bị căm ghét nhất".
Trong khi những cuộc thảo luận về bà trên Internet ở Trung Quốc cho thấy những tranh cãi về giới chính trị Hoa Kỳ và sự ngưỡng mộ dành cho thành tựu của nữ cựu Ngoại trưởng, nó thường xoay quanh câu hỏi mơ hồ, từ việc tại sao bà lại "ghét" Trung Quốc tới những cuộc công kích tập hợp để phản đối ý tưởng bà Clinton lên nắm quyền.
"Bà ta thậm chí còn không quản nổi chồng mình, thế mà giờ lại muốn cai quản cả một quốc gia ư?" – một câu hỏi của người dùng trên Sina Weibo.
Có vẻ như phần lớn các ý kiến tiêu cực chống lại bà Hillary ở Trung Quốc đều xuất phát từ cách mà truyền thông nước này miêu tả về bà trong suốt thập kỷ qua - kể cả khoảng thời gian đương nhiệm và sau đó - như một “bà đầm thép” khó tính, sắc sảo, không thân thiện.
Truyền thông quốc gia Trung Quốc soi mói đời tư, đưa tin dựa trên những suy đoán thiếu căn cứ về xu hướng giới tính và bị ám ảnh về gu thời trang của bà. Trong khi chỉ có các ấn phẩm uy tín ở Mỹ viết về kiểu tóc của bà Clinton thì những chuyện hời hợt vô thưởng vô phạt chiếm lĩnh hầu hết các mặt báo Trung Quốc.
Một chùm ảnh đăng trên tờ People’s Daily Online, trang web của cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mô tả đủ kiểu tóc của bà Hillary qua các giai đoạn khác nhau, chẳng hạn như gương mặt "luộm thuộm nhất" hay gương mặt "lố bịch" nhất. "Chúng tôi không có nhiều kênh để tìm hiểu về các chính trị gia Mỹ," một phó giám đốc giấu tên của Phòng các Diễn đàn trực tuyến thuộc tờ People’s Daily Online thừa nhận. "Chỉ có tin đồn mới lên được các mặt báo Trung Quốc."
Trung Quốc chỉ quen với việc được phụ nữ rót trà phục vụ
Tuy nhiên, có vẻ như ác cảm trong giới chuyên gia chính trị Trung Quốc bắt nguồn từ sự bất đồng với các chính sách của bà Clinton, đặc biệt cái gọi là xoay trục sang châu Á - một chiến lược mà bà nêu ra trong một bài viết trên tờ Foreign Policy, số tháng 10/2011 khi còn đương chức Ngoại trưởng.
Bà Hillary Clinton (khi còn là Ngoại trưởng) trong một cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Trong khoảng thời gian tại nhiệm của bà Clinton, Trung Quốc gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng - đặc biệt là tại các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Bắc Kinh cũng ngày càng cứng rắn hơn sau khi nền kinh tế nước này trỗi dậy, chủ yếu là nhờ không bị tổn thất nhiều từ cuộc Đại suy thoái.
Dường như hầu hết sự giận dữ của người Trung Quốc xuất phát từ việc bà Hillary công khai quan điểm chống lại Trung Quốc - điều mà bà từng thẳng thừng tuyên bố trong các cuộc phỏng vấn báo chí và gần như cả 7 chuyến công du tới nước này trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ. (Ít ra thì bà cũng là người nhất quán: bà Clinton thậm chí từng làm như vậy trong chuyến thăm nổi tiếng đến Trung Quốc năm 1995 trong vai trò Đệ nhất phu nhân, khi chỉ trích Bắc Kinh hạn chế thảo luận các vấn đề của phụ nữ.)
Cái cách mà truyền thông Trung Quốc mô tả bà Clinton dường như thể hiện một sự khó chịu rõ ràng của giới lãnh đạo Trung Quốc đối với bà, có lẽ chỉ vì bà là phụ nữ.
"Ở đây có một thái độ phân biệt giới tính nghiêm trọng. Tôi nghĩ rằng bà Clinton khiến họ thấy lo sợ”, Kelley Currie, một thành viên cao cấp của Viện Dự án 2049, người đã làm việc rất nhiều với chính phủ Trung Quốc. "Họ là những người đàn ông lớn tuổi hay nhuộm tóc, đi giày nâng đế và quen với việc được phụ nữ rót trà phục vụ. Bà Clinton không phải đối tượng mà họ có kinh nghiệm đối phó trong hệ thống chính trị của mình. Và bà sẽ không nương tay với họ, theo cách mà ngay cả những phụ nữ cấp cao nhất mà họ từng đối phó đã làm." (Kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay không một người phụ nữ nào có mặt trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc).
Nói chung, Trung Quốc lúc nào cũng gán cái mác nam tính hay dữ dằn cho những phụ nữ có nhiều quyền lực, Paul French, một tác giả và sử gia về Trung Quốc thế kỷ 20, nhận định. Nguyên Phó Thủ tướng Ngô Nghi - một nhà đàm phán kiên định, được mệnh danh là "Bà đầm thép". Vợ Mao Trạch Đông, Giang Thanh bị gọi là "Bạch Cốt Tinh". "Phụ nữ, theo cách nghĩ thông thường (của Trung Quốc), chỉ có thể thành công nhờ sắc dục hoặc là phải nam tính", French viết.
Tuy nhiên, người dân Trung Quốc tỏ ra cảm thông với bà Clinton hơn giới chính trị và quan chức nước này. Bà Hillary là người "có trình độ, quyết đoán và lý trí", ông Li, giảng viên đại học 41 tuổi ở Tế Nam, đánh giá. Vấn đề của bà "là không tạo được một hình ảnh tốt ở Trung Quốc.", ông nói thêm.
Theo ý kiến của nhiều người đã tham gia trả lời phỏng vấn cho bài viết này thì Phó Tổng thống Joe Biden sẽ là một lựa chọn tốt hơn cho vai trò ứng cử viên của đảng Dân chủ. Không giống như bà Clinton, ông Biden "dường như không coi công việc của mình là thực hiện nhiệm vụ Chúa ban cho và buộc Trung Quốc phải phục tùng Mỹ", Han Deqiang, một giáo sư hàng không, người sáng lập trang web Utopia, nhận định.
Ở cả Mỹ và Trung Quốc, ông Biden có cách tiếp cận đặc biệt để kết nối với mọi người. Trong một chuyến công du Trung Quốc tháng 8/2011, ông Biden đã dùng món tại một nhà hàng Bắc Kinh chuyên về lòng lợn. "Việc lựa chọn đồ ăn địa phương giúp ông ấy gần gũi hơn với người dân Trung Quốc", Du nói. "Ấn tượng của nhiều người Trung Quốc về bà Hillary Clinton là một chút gì đó hiếu chiến, trong khi Joe Biden có vẻ ôn tồn và kiềm chế hơn", Chen Chenchen, biên tập viên của Hoàn Cầu đánh giá.
Tất nhiên, quan điểm của Trung Quốc về bà Clinton sẽ không ảnh hưởng tới lá phiếu của cử tri Mỹ. Trên thực tế, thái độ tiêu cực của Trung Quốc đối với bà có khi lại là một lợi điểm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, nếu bà quyết định tham gia. Và nếu bà giành chiến thắng, người ta có thể hình dung bà sẽ tìm ra cách để "mở rộng mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc," như đã viết trong cuốn sách của mình. Điều đó có vẻ khả thi hơn là đợi Bắc Kinh học được cách đối phó với bà.
Theo Trí thức trẻ