Bên lề hội thảo quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử” do trường ĐH Đà Nẵng và ĐH Phạm Văn Đồng tổ chức ngày 20/6, trả lời báo chí, học giả Renato DeCastro (Đại học De La Salle, Philippines), cho biết: Theo góc nhìn của Philippines, nếu giàn khoan thứ nhất là nhắm trực tiếp vào Việt Nam, thì giàn khoan thứ hai này có thể là để nhắm trực tiếp vào Philippines.
Giàn khoan Nam Hải số 9 của Trung Quốc. Ảnh tư liệu.
“Có những báo cáo cho biết TQ đã đánh dấu lên Reef Bank (Bãi cỏ rong). Việc đã xảy ra vào tháng 3/2011, khi Philippines cử một tàu thăm dò dầu khí ra đây thì đã bị hai máy bay của lực lượng tuần duyên của TQ chặn lại. Thế nên giàn khoan thứ hai này có thể sẽ đặt ở Bãi Cỏ rong, trực tiếp nhắm vào Philippines. Họ sẽ đẩy Việt Nam và Philippines lên cùng thuyền. Rất có thể đây là phản ứng của TQ trước việc các chiến sĩ hải quân Việt Nam và Philippines chơi bóng chuyền trên một trong những đảo thuộc quần đảo Trường Sa gần đây. TQ thấy Việt Nam và Philippines là cùng hội cùng thuyền”- vị chuyên gia này nhận định.
Tại buổi tọa đàm “Tình hình an ninh Biển Đông hiện nay’’ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam diễn ra cùng ngày, trả lời câu hỏi của về mục đích TQ đưa giàn đưa giàn khoan Nam Hải 9 vào Biển Đông, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an cho rằng mục đích của hành động này có thể TQ chuẩn bị thay thế cho Hải Dương-981.
Ông cũng dự đoán TQ sẽ rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển đang hạ đặt hiện nay. Tuy nhiên, hướng đi tiếp theo của Hải Dương-981 theo ông Cương là rất khó dự đoán. “Nó có thể rút về vùng biển TQ sát đảo Hải Nam, ra vùng biển quốc tế nhưng cũng có thể sẽ di chuyển sâu về phía Nam, hướng về phía quần đảo Trường Sa của Việt Nam”, ông Cương nói.
Theo Pháp luật TP.HCM