Chiều ngày 20/6, phóng viên tìm về nhà trọ khu phố 3 (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), nhà của hai đứa trẻ Phạm Hoàng Thiên Hóa (3 tuổi) và bé Trần Thị Kiều My (18 tháng tuổi) rơi xuống hồ cá bị ngạt nước. Hai đứa trẻ này sau đó được mọi người “sơ cứu” bằng cách đốt lửa trong lu rồi hơ hai bé bên ngoài để cho cơ thể ấm lên. Tuy nhiên một trẻ tử vong, một đang trong tình trạng nguy kịch.
Ngồi tựa tấm lưng vào cánh cửa phòng trọ, “bảo mẫu” Bùi Thị Lài (67 tuổi) giật mình khi có người đến tìm. Bà mếu máo kể lại buổi chiều định mệnh khiến cho những ngày tháng còn lại của bà phải sống trong dằn vặt.
Bà Lài cho biết, quê ở vùng sông nước nghèo của tỉnh Trà Vinh, do cuộc sống khó khăn nên khoảng hơn một năm nay, bà lên chỗ người con trai đang làm thuê ở Biên Hòa để mưu sinh. Hàng ngày, con trai đi phụ xe tải còn bà ở nhà phụ cơm nước. Ở cạnh phòng trọ của bà có vợ chồng chị Nguyễn Thị Giàu (26 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu) đi làm công nhân.
Bà Lài thuật lại việc hơ lửa cho hai đứa trẻ bị ngạt nước trên chiếc lu. |
“Tôi ở nhà cũng chỉ đi chợ nấu cơm thôi nên khi vợ chồng chị Giàu muốn gửi con đầu lòng để trông coi, tôi đã nhận lời để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Vợ chồng chị Giàu trả công mỗi tháng một triệu đồng. Tôi đã chăm sóc cháu My hơn một năm nay, từ khi cháu mới được vài tháng tuổi, nên coi bé chẳng khác gì cháu nội của mình”, bà Lài cho biết.
Đúng ba ngày trước khi xảy ra vụ việc đau lòng, vợ chồng Hoàng Thị Quỳnh Hương (ngụ cùng khu phố) cũng đưa con trai là cháu Phạm Hoàng Thiên Hóa (2 tuổi) đến nhờ bà Lài giữ giúp. Đang trông coi bé Kiều My nên bà Lài nhận lời trông bé Hóa. Mỗi ngày chị Hương trả cho “bảo mẫu” 67 tuổi này 40.000 đồng.
Khoảng 16h ngày 17/6, khi hai đứa bé ngủ dậy, bà Lài cho chơi trước sân nhà trọ. Sau đó người “bảo mẫu” quay vào trong phòng trọ để lấy cơm cho hai đứa trẻ ăn. Khoảng 5 phút sau, bà Lài quay ra thì không thấy cả hai bé đâu nên đi tìm. Bước vội ra hồ cá, bà Lài thấy đôi dép và quả bóng của bé Hòa, biết có chuyện chẳng lành nên bà cụ vội chạy ra cổng kêu cứu mọi người.
Lúc này một số thanh niên đang làm việc tại gara xe ô tô ngoài cổng liền chạy tới nhảy xuống hồ nước mò tìm vớt được hai đứa trẻ lên bờ.
“Khi mấy người gạt bèo trên mặt nước ra, tôi thấy hai đứa trẻ nổi lập lờ. Khi được vớt lên thì chúng tím tái hết cả rồi. Mọi người vác hai đứa lên vai sốc cho nước trong bụng ọc ra. Tuy nhiên chúng vẫn không tỉnh lại”, bà Lài kể lại.
Bà “bảo mẫu” kể tiếp: “Thấy chân tay hai đứa lạnh ngắt nên một số người đã nghiêng chiếc lu, đốt lửa bên trong rồi đặt hai cháu lên trên bên ngoài để làm ấm. Đây là một số kinh nghiệm cứu trẻ bị ngạt nước của người miền Tây. Nhiều người nói chúng tôi đốt lửa bên trong rồi đặt hai đứa trẻ lên miệng chiếc lu là không đúng”.
Sau khi nỗ lực sơ cứu, hai bé được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Đồng Nai với tình trạng ngưng thở, ngưng tim. Tại đây, các bé được cấp cứu, khi tim đập trở lại thì được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Tuy nhiên đến ngày hôm sau bé Kiều My tử vong. Gia đình đã hỏa táng cháu và mang tro cốt gửi vào chùa.
Theo các bác sĩ, cháu Hóa hiện vẫn đang nguy kịch. |
Vì thương nhớ con, sợ ở lại phòng trọ cũ sẽ bị ám ảnh, vợ chồng chị Giàu đã dọn sang nơi ở mới. Chi phí cho việc mai táng đã được con trai bà Lài chạy vay mượn khắp nơi để phụ giúp gia đình cháu My. Biết hoàn cảnh gia đình của bà Lài nên vợ chồng chị Giàu cũng không gây khó khăn và nghĩ đó là tai nạn nên không hề oán trách bà cụ.
Vợ chồng chị Giàu đã bỏ công ăn việc làm để lo hậu sự cho con gái. “Gia đình nghèo khó nên khi sinh con My được một năm thì hai vợ chồng gửi nó cho bà Lài trông nom, để đi làm kiếm tiền lo cho cuộc sống. Công việc của tôi bấp bênh, ngày làm được, ngày không. Còn vợ thì mới vừa xin vào làm công nhân. Cái chết của con khiến vợ chồng tôi sốc nặng”, bố đứa trẻ xấu số nghẹn lòng.
Chị Giàu cho biết thêm, chiều xảy ra vụ việc, khi hai vợ chồng đi làm chuẩn bị về đón cháu thì nhận hung tin cháu My bị ngạt nước, phải cấp cứu ở bệnh viện. Hai vợ chồng chị vội vã chạy đến bệnh viện và biết tình trạng cháu vô cùng nguy kịch. Đến ngày hôm sau thì bé không qua khỏi.
“Ban đầu vợ chồng tôi hay dặn dò bà Lài canh chừng cháu cẩn thận. Sau một thời gian bé My quý bà cụ và không có chuyện gì nên chúng tôi cũng an tâm đi làm. Vậy mà, giờ cháu đã ra đi. Thôi thì giờ bắt đền được ai đây, coi như là một tai nạn xảy ra”, chị Giàu nghẹn ngào nói.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viên Nhi đồng Đồng Nai cho biết, hiện bé Hóa vẫn đang rất nguy kịch, hôn mê sâu, suy hô hấp nặng, đồng tử giãn, chết não, nên nguy cơ tử vong cao.
Có mặt tại bệnh viện, chị Huỳnh Thị Quỳnh Hương nói trong dòng nước mắt: “Vì mấy ngày nay công việc hai vợ chồng nhiều, bận rộn nên mới đem cháu gửi. Có ngày gửi ngày không. Mới gửi cháu được ba ngày thì đã xảy vụ việc đau lòng này. Bây giờ vợ chồng tôi chỉ biết cầu mong làm sao cháu qua khỏi”.
“Khi trẻ bị ngạt nước thì trước tiên mình phải coi trong miệng bé có ngậm gì không, sau đó thổi vào miệng bé hai lần để lồng ngực bé nhô lên rồi nhồi tim 30 lần và tiếp tục thổi vào miệng bé hai lần rồi nhồi tim, đồng thời gọi xe cấp cứu. Vì khi đứa trẻ bị ngạt nước thiếu oxy lên não nếu sơ cứu chậm 5 phút có thể sẽ tử vong. Không nên bế đứa trẻ lên để xốc nước và đặc biệt không hơ lửa vì sẽ gây ra những tai biến khác khiến tỉ lệ tử vong cao”, bác sĩ Nghĩa khuyến cáo.
Theo Zing