Một tiệm nước của người Hoa tại Sài Gòn thập niên 1960 - Ảnh: T.L |
Chủ các tiệm nước không bao giờ giặt vợt pha cà phê bằng xà bông vì sợ làm mất mùi thơm của cà phê. Vợt càng đen thì cà phê càng đậm đà hương vị. Thím Quẩy bỏ vợt đựng đầy cà phê vào một cái siêu đất to rồi đổ nước sôi thật già vào vợt, đậy nắp siêu lại chờ cho cà phê thật ngấm. Sau đó, thím rót cà phê từ trong siêu vào những cái ly có sữa hay đường để sẵn. Phổ ky chỉ việc bưng ra cho khách.
Chú Hai Ngon bưng ly cà phê lên mũi ngửi, hít một hơi thật sâu như để mùi cà phê sữa thơm nồng chạy tận vào phổi. Cà phê này là cà phê thứ thiệt vì hằng ngày chú thấy một ông già Tàu ngồi rang bên hông tiệm. Chú thận trọng cầm ly cà phê đổ vào cái đĩa lót ly cà phê, thổi phù phù, rồi cầm cái đĩa lên húp từng ngụm. Dân uống cà phê tiệm nước phải uống cà phê đựng trong đĩa thì mới gọi là “chánh hiệu dầu cù là Miến Điện”.
Trong lúc chú Hai Ngon uống cà phê thì thằng Minh “đớp” liền cái xíu mại với dào cháo quảy. Thằng Minh nghĩ xíu mại ăn với dào cháo quảy thì ngon hơn ăn với bánh mì vì bánh mì thì cứng, không mềm bằng dào cháo quảy và không có mùi dầu chiên. Khi phổ ky vừa bưng hai tô hủ tiếu mì vừa la “nước sôi, nước sôi” tới bàn thì nó đã cho hai cái xíu mại vào bụng.
Đến tiệm nước, chú Hai Ngon khoái uống cà phê sữa hơn là ăn hủ tiếu mì vì chú chỉ khoái ăn món này từ những cái xe có tranh kiếng vẽ những nhân vật từ truyện Tam quốc như Lữ Bố, Quan Công, Trương Phi trong các tích Lữ Bố hí Điêu Thuyền, Vườn đào kết nghĩa, Quan Công tha Tào ở Huê Dung đạo… Đây là đặc trưng của xe bán hủ tiếu mì người Tàu. Chỉ cần nhìn cái xe đó thì ông biết ngay đó là xe bán hủ tiếu mì chứ nhất định không bán thức ăn gì khác. Nhưng chú muốn cho thằng Minh có được một buổi ăn trong tiệm nước - một niềm vui không dễ gì có được đối với nó.
Vừa đưa vắt mì lên miệng chú hỏi:
- Mầy biết hông?
- Biết cái gì chú? Chú chưa nói làm sao con biết.
- Mì Tàu chính cống là mấy tiệm mì, xe mì có chữ ký phía sau. Thí dụ như Tài Ký, Minh Ký… Mầy để ý coi, tiệm nào cũng có chứ Ký hết. Có chữ Ký mới ngon.
- Ký viết i ngắn hay y-cà-lết (1) vậy chú?
- Y dài hay i ngắn đều được. Mà nó viết Hải kí mì gia hay Hải ký mì gia cũng như nhau, miễn nó nấu ngon là được… Chánh tả đâu có liên quan gì đến nước lèo đâu! Mì dở thì có 10 chữ ký… cũng dở ẹt. Cũng giống như chữ hủ tiếu có ê hay hủ tíu không ê đâu có quan trọng, miễn ngon là được.
- Nói thiệt nghen chú, con ăn tiệm mì nào cũng thấy ngon hết.
- Tại sao mầy thấy mì nào cũng ngon?
- Lâu thiệt lâu con mới được ăn mì một lần thì mì nào cũng số dách.
- Mầy khoái ăn món gì nhất.
- Món gì con cũng khoái hết.
- Hông, tao nói những món đặc biệt kìa.
- Thì bột chiên hột vịt, bánh ướt tôm khô. Có một ông người Tàu đẩy xe bán bánh ướt tôm khô ngon tổ sư bồ đề luôn. Con chỉ ăn được bánh ướt của bà già người Tàu. Bánh ướt mà chan nước tương chứ không phải nước mắm.
Chú Hai Ngon gật gù:
- Chừng nào tao ngon lành rồi tao bao mày ăn một món đặc biệt, trong Chợ Lớn không có.
- Món gì mà đặc biệt vậy chú?
- Phở Tàu bay.
- Nó ra làm sao chú? Ở Sài Gòn là chỗ nào?
- Quán phở Tàu bay ở gần chợ cá Trần Quốc Toản (2). Một tô phở bự vầy nè, cỡ mầy ăn xong chắc phải no hai ngày.
Mặc dù thắc mắc, nhưng thằng Minh vẫn không bỏ lỡ việc gắp mì đưa vào miệng:
- Nhưng phở là cái gì chú?
- Ừ… nó có thịt bò tái, thịt bò chín, có gân bò, có mỡ bò…
- Thịt bò không à?
- Không, nó nấu với bánh phở, giông giống như sợi hủ tiếu nhưng mềm hơn, nhưng nước lèo của nó nấu bằng xương bò với quế, riềng, hồi, thảo quả thơm, ngọt, ngon lành lắm.
- Con chỉ biết xe bán cháo lòng bò của một bà người Tàu ở ngã tư cầu Bình Tiên đường Minh Phụng, năm đồng một tô. Má con nói chừng nào thi đậu đệ thất bả sẽ thưởng cho ăn hai tô.
***
(1) Y dài
(2) Nay là Trung tâm thương mại ở góc đường 3 Tháng 2 và Nguyễn Tri Phương
Theo Thanh Niên