Tham vọng "nuốt trọn" Biển Đông của TQ chuyển động từng ngày

Thứ sáu, 06/06/2014, 09:08
Tờ The Philippine Star dẫn lời ông Aquino nói rõ rằng các tàu Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực đá Ga Ven và đá Châu Viên thuộc Trường Sa.

Tiếp sau vụ ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, Trung Quốc sẽ tiếp tục những bước đi lớn hơn

Tham vọng Biển Đông của TQ chuyển động từng ngày

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III hôm 5/6 tiết lộ rằng ông đã nhận được các báo cáo về “sự chuyển động” của một số tàu Trung Quốc tại ít nhất hai bãi đá khác ở quần đảo Trường Sa.

Thanh Niên trích nguồn từ trang The Philippine Star dẫn lời ông Aquino nói rõ rằng các tàu Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực đá Ga Ven và đá Châu Viên thuộc Trường Sa.

Ông Aquino cho rằng các tàu đó đang có những hoạt động xây dựng tương tự như các tàu Trung Quốc thực hiện công trình ở đá Gạc Ma, cũng thuộc Trường Sa.

Sau khi Tổng thống Aquino đưa ra tiết lộ trên, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố nếu xác định các tàu Trung Quốc trên thật sự đang có hoạt động thay đổi hiện trạng ở khu vực, Manila sẽ xem xét lên tiếng phản đối Bắc Kinh.

Ông del Rosario khẳng định những hoạt động như Trung Quốc đang làm ở đảo Gạc Ma sẽ vi phạm Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) vì "đang thay đổi hiện trạng một cách hiệu quả cũng như gây căng thẳng”.

Cách đó ít hôm, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này dự tính xây đảo nhân tạo gần đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm cạnh tranh với Việt Nam và Philippines trong những tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Thông tin trên được báo Đài Loan dẫn lại tin mà Global Times tiết lộ hôm 25/5. Theo đó, hòn đảo nhân tạo sẽ do Viện Nghiên cứu và Thiết kế đóng tàu số 9 (NDRI), có trụ sở ở Thượng Hải triển khai. Vị trí hòn đảo nhân tạo dự kiến ở quanh bãi Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bãi đá này bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988.

Tổng thống Aquino vừa cáo buộc Trung Quốc vi phạm Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở biển Đông - Ảnh: Reuters
Tổng thống Aquino vừa cáo buộc Trung Quốc vi phạm Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông - Ảnh: Reuters

Tờ báo cho biết Trung Quốc dự kiến xây dựng các cơ sở quân sự, bao gồm một căn cứ không quân và cảng hải quân, trên hòn đảo nhân tạo. Hòn đảo sẽ được sử dụng với mục đích chính là tăng khả năng phản ứng nhanh cho các chiến hạm và lực lượng an ninh hàng hải của Trung Quốc nếu có sự cố xảy ra trong khu vực.

Không chỉ vậy, trước đó, theo Reuters, ngày 14/5, Bộ Ngoại giao Phillipines cáo buộc Trung Quốc tiến hành cải tạo đất trên bãi Gạc Ma và nhiều khả năng sắp xây dựng một đường băng.

Phát ngôn viên bộ trên Charles Jose cho biết trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã vận chuyển đất và vật liệu tới bãi Johnson (Việt Nam gọi là Gạc Ma, Trung Quốc gọi là Xích Qua Tiêu) thuộc quần đảo Trường Sa và đang tiến hành cải tạo đất đai - hành động vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Những động thái trên diễn ra song song với việc hạ đặt giàn khoan dầu trên thềm lục địa Việt Nam, và điều nhiều tàu đến bảo vệ. Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là bất hợp pháp và kiên quyết phản đối hành động xâm phạm này.

Bên cạnh đó, Việt Nam tái khẳng định có các cơ sở pháp lý và bằng chứng chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời cho biết việc Trung Quốc chiếm giữ bãi đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa là trái phép.

Trong cuộc họp báo quốc tế hôm 15/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định mọi hành vi nhằm thay đổi nguyên trạng Trường Sa đều vi phạm các quy ước đã được ký kết trong DOC.

Sự ngang ngược của Trung Quốc đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Dư luận trên thế giới đều cho rằng hành động của Trung Quốc không nằm ở phạm vi hẹp là những tranh chấp đơn thuần giữa các quốc gia mà hành vi này của Trung Quốc đã vi phạm Luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) mà Trung Quốc là quốc gia thành viên đã ký kết.

Báo chí Mỹ, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ... đã có nhiều bài viết về việc Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Trung Quốc đang có toan tính gì?

Việc Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương-981 và những động thái ngang ngược trên bãi đá Gạc Ma là một bước đi có tính toán trong việc hiện thực hóa tham vọng khống chế Biển Đông của mình và sẽ tiếp tục những bước đi lớn hơn.

Trên tờ Pháp luật TP.HCM, PGS-TS Trần Nam Tiến (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) phân tích về những bước đi lớn của Trung Quốc:

"Những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận Biển Đông chủ yếu ở góc độ địa chính trị và địa chiến lược.

Dựa trên cơ sở tiếp cận các lý thuyết địa chính trị, tham vọng của Trung Quốc thực sự không dừng lại ở Biển Đông mà xa hơn trong tầm nhìn của họ là một chiến lược “chuỗi ngọc trai” (String of Pearls) đầy tham vọng nối Biển Đông với Ấn Độ Dương.

Chiến lược “chuỗi ngọc trai” được xây dựng nhằm hướng đến giải quyết vấn đề ưu tiên mang tính chiến lược của Trung Quốc là bảo đảm an toàn cho tàu chở dầu mỏ và khí đốt đến từ vịnh Ba Tư.

Chính sự phát triển mạnh mẽ hiện nay, sự lệ thuộc vào các nguồn cung cấp tài nguyên và năng lượng từ nước ngoài, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên, đóng một vai trò quan trọng hình thành nên chính sách và chiến lược phát triển của Trung Quốc.

Tiếp sau vụ ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, Trung Quốc sẽ tiếp tục những bước đi lớn hơn
Tiếp sau vụ ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép, Trung Quốc sẽ tiếp tục những bước đi lớn hơn.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chiến lược “chuỗi ngọc trai” còn được Trung Quốc nhắm đến việc đảm bảo khả năng kiểm soát Ấn Độ Dương, trong trường hợp đụng độ với một trong những đối thủ tiềm tàng mạnh nhất của nó, cụ thể là Ấn Độ".

PGS-TS Trần Nam Tiến cho biết thêm: "Để hoàn thành chiến lược “chuỗi ngọc trai”, bên cạnh tuyên bố chủ quyền với nhiều đảo ở Biển Đông, trong đó chú trọng thúc đẩy tạo ra tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc sẽ còn mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, tiếp cận với các cảng của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên để từ đó dễ dàng tiếp cận biển Nhật Bản, khống chế Nhật Bản.

Từ Biển Đông, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng “chuỗi ngọc trai” sang Ấn Độ Dương thông qua việc tiếp cận các quốc gia “đồng minh mới” như Campuchia, Myanmar và gần nhất là Thái Lan. Ở khu vực Ấn Độ Dương, Trung Quốc tiến hành xây dựng các “viên ngọc trai” tại Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives và Seychelles.

Như vậy, nếu kết nối các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và biển Nhật Bản cùng với các đảo và những cơ sở cầu cảng khác của Trung Quốc xây dựng trải rộng từ Hải Nam tới vùng Trung Đông, “chuỗi ngọc trai” mà Trung Quốc hướng tới xây dựng sẽ giống như một vành đai bao quanh rất nhiều đất liền ở khu vực châu Á.

“Chuỗi ngọc trai” này tạo cơ sở cho Trung Quốc vào vị trí kiểm tra và giám sát tất cả tuyến đường biển quan trọng nhất ở châu Á cũng như thế giới; kiềm chế Nhật Bản và Hàn Quốc và giành lợi thế tiếp cận trực tiếp các vị trí chiến lược quan trọng ở Thái Bình Dương so với Mỹ và Nga".

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn