Hơn 10 năm nay, làng câu cá mập Thủy Đầm, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) gắn chặt với ngư trường Hoàng Sa. Họ đi trên những con tàu săn cá mập không theo mùa, bám biển Hoàng Sa quanh năm cả trong mùa mưa bão.
Trong những ngày này, cả làng Thủy Đầm đang hồ hởi bởi những chuyến tàu trúng hàng tấn cá mập vừa trở về, và hàng loạt tàu khác đang rộn ràng sắm chuyến chuẩn bị quay lại Hoàng Sa.
Những người săn cá mập
Những đợt sóng cao hơn mái nhà liên tiếp ập xuống cabin, rồi quất tràn qua boong tàu. Con tàu như chiếc phao bập bênh chốc chốc lại hứng trọn một cú tát như trời giáng hất lên từ mặt biển. Trong buồng lái, thuyền trưởng Trương Quốc Bảo (42 tuổi, người làng Thủy Đầm), căng mắt trước những cơn sóng đen ngòm, ghì chặt tay lái, rồi lệnh: “Thả dù nước!”.
Túi vải dù có đường kính chừng 20m được các thuyền viên thả xuống với độ sâu đã được tính toán là 30m, nó kịp giữ một khối nước lớn để ghìm tàu bớt chao đảo. Máy trên tàu vẫn nổ giòn giã để kịp bơm nước trong tàu ra, giữ tàu không bị chìm.
Cá mập do ngư dân làng Thủy Đầm, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) câu được trên vùng biển Hoàng Sa.
Đó là một đêm mà anh Bảo không bao giờ quên. Con tàu 550 CV cùng hơn chục bạn thuyền rã rời trong sóng gió. Có những cơn bão tàu cố chạy tránh nhưng vẫn không tránh kịp, đành phải chịu trận. Tình cảnh này không chỉ riêng tàu anh Bảo, mà nhiều tàu câu cá mập làng Thủy Đầm vẫn hay gặp. “Mà lạ. Cái nghề này hạp với sóng to gió lớn, vì lúc đó cá mập ăn câu dữ nhất” - anh Bảo cười khà khà.
Những chuyến tàu xuất phát từ Thủy Đầm ra Hoàng Sa phải mất ba ngày ba đêm. Vượt qua gần 300 hải lý, tàu mới đến vùng thả câu ở quanh các đảo Phú Lâm, Đá Bắc, Bạch Quy, Đá Lồi, Bom Bay... Khác với các tàu đánh lưới cản, lưới rút ở ngoài khơi, tàu câu cá mập thường tiến sát vào đảo để bắt mồi câu trong rạn.
Mỗi lần bắt mồi, 6-7 ngư dân phải lặn xuống khoảng 10m, mang theo lưới cước dài khoảng 15m để vây bắt cá mó, cá mú, cá giò... sống trong rạn. Các loại cá mồi này được đem lên “rộng” trong khoang chứa trên tàu. Sau đó, tàu ra vùng nước sâu thả câu. “Cứ làm độ ba ngày là hết mồi, lại chạy vào đảo bắt. Mồi sống thả xuống vẫn còn chạy thì bọn cá mập mới thích” - anh Bảo giảng giải.
Cá mập là loài cá dữ được xem là hung thần biển cả, dù cho người làng Thủy Đầm quen gọi nó với một cái tên nghe hiền hơn: cá nhám. Lão ngư Lê Văn Trí (71 tuổi) - trước đây có nhiều năm làm trưởng thôn, kể: “Đời cha ông chúng tôi, thuyền không có máy móc gì, đi câu cá nhám rất nguy hiểm, nhiều người phải bỏ mình giữa biển vì sinh nghề tử nghiệp”.
Các thợ săn cá mập ở làng Thủy Đầm đã cho chúng tôi xem giàn câu cá mập của họ. Mỗi giàn câu gồm nhiều bọc câu. Trong mỗi bọc có nhiều sợi cước to như đầu đũa buộc chặt những lưỡi câu bằng thép to bằng ruột chiếc bút bi trên tay chúng tôi. Giàn câu của tàu lớn có tới cả ngàn lưỡi, thả hết xuống dài khoảng 20 hải lý.
Anh Phan Hạnh (39 tuổi), một ngư dân từng trải, cho biết: “Thả xong giàn câu như vậy mất bốn tiếng, thường thả từ 3h chiều đến 7h tối. Tới 3h sáng hôm sau thì thu câu cho tới khoảng 10h mới xong. Cá nhám cắn câu nhiều vào đầu đêm lúc này phần lớn đã chết. Con nào còn sống thì kéo lên trên mặt nước, rồi dùng “tông” (một cây sắt dài đầu nhọn) đâm vào lưng cho chết hẳn mới kéo lên tàu. Những con to phải dùng cẩu mới kéo nổi. Cá kéo lên boong, cắt ngay các vây (vi) cá để bảo quản riêng, còn thân cá thì cho xuống hầm tàu muối đá”.
Tại khu neo đậu tàu thuyền tránh bão ở Ninh Hải, mực nước ở cảng cá có cạn trong cái nắng hè khô khốc, nhưng vẫn đủ cho chiếc tàu 440 CV của anh Phan Cảo (42 tuổi) chở khẳm cá mập từ Hoàng Sa về cập vào. Khuôn mặt sạm đen của anh Cảo giãn ra một nụ cười tươi rói: “Chuyến này gặp hên, đi 22 ngày được gần 5 tấn, chắc được 250 triệu đồng. Trừ sắm sửa chi phí, dư 110 triệu, mỗi anh em bạn được chia hơn 9 triệu đồng”.
Thuyền viên tàu KH-97326 TS kéo cá mập từ tàu lên cảng cá Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) ngày 1/6. Tàu này do thuyền trưởng Phan Hạnh điều khiển và câu được gần 6 tấn cá mập trong 21 ngày ra khơi trên vùng biển Hoàng Sa. |
Bà con trong làng túa ra trầm trồ trước lũ cá mập phơi bụng trắng phếu nằm la liệt vừa kéo lên từ hầm đá. Chỉ vào con nặng hơn một tạ, anh Cảo nói: “Cá vậy chưa phải là lớn nhất đâu, cá nhám ở Hoàng Sa dính câu có con 4 tạ lận”. Trước tàu anh Cảo, tàu anh Phan Hạnh cập bến với gần 6 tấn cá, tàu anh Trần Văn Lực cũng cập bến với 5 tấn cá. Cả làng Thủy Đầm vui mừng, vì biết rằng những ngày này đi câu cá mập ở Hoàng Sa là vô cùng gian truân.
Giữ nghề giữ biển
“Bọn tôi không sợ sóng gió, không ngán loài cá hung thần biển cả, chỉ căng thẳng khi đối mặt với tàu Trung Quốc” - anh Phan Hạnh bày tỏ. Vì đặc thù của nghề câu cá mập cần thường xuyên phải có cá mồi sống bắt ở ven các rạn đảo, nên chuyện đụng tàu Trung Quốc là chuyện “cơm bữa”. “Chuyến đi mới nhất, tàu của tôi đang đánh bắt gần đảo Bạch Quy thì một tàu lớn trắng toát súng ống đầy đủ của Trung Quốc bất ngờ chạy tới bắn chỉ thiên liên tục. Tôi phải cho tàu tránh đi. Nó đuổi theo, tôi cho tàu chạy xà quần. Sau 12 giờ vây ép thì nó mỏi không đuổi nữa. Đợi nó đi khuất mình lại câu tiếp”.
Ngư dân Thủy Đầm cho biết không chuyến đi câu cá mập nào mà không gặp tàu Trung Quốc. Bình thường thì tàu Trung Quốc đuổi suông. Hung hơn thì chúng bắn chỉ thiên. Hung nữa thì chúng bắn pháo ngay trên đầu. Nhiều ngư dân nói khi còn ở đất liền nghe tàu Trung Quốc hung dữ cũng ngại, nhưng khi ra Hoàng Sa gặp nó liên tục thì chẳng sợ gì. “Giống như người lính đánh trận riết rồi quen tiếng súng vậy” - anh Hạnh nói.
Kinh nghiệm của ngư dân Thủy Đầm là khi gặp tàu Trung Quốc, phải điều khiển tàu chạy lòng vòng cho nó nản, nhưng không được hạ ga. “Dù nó chạy sát mình đến mức nó lấy chai bia ném qua dễ dàng, nhưng mình luôn chạy nhanh, không hạ ga thì nó có gan trời cũng không bao giờ dám nhảy qua tàu mình” - anh Trương Quốc Bảo khẳng định.
Xẻ thịt cá mập.
Dù luôn đối mặt với tàu Trung Quốc nhưng ngư dân làng Thủy Đầm kể rằng hễ tàu Trung Quốc rời đi thì ngư dân lại lên đảo bắt ốc và nghỉ ngơi. Ngư dân đi biển dài ngày nên lên đảo rất thích.
Xã Ninh Thủy đã thành phường, từ khi Ninh Hòa lên thị xã đã mấy năm nay nhưng mọi người vẫn quen gọi Thủy Đầm là làng hơn là tổ dân phố. Đưa chúng tôi đến đình làng nằm giữa khu phố đông đúc, lão ngư Lê Văn Trí cho biết ngôi đình này đã có trên 200 năm.
“Nghề câu cá nhám ở đây có từ thời “chiêu dân lập ấp”. Nghề này gọi là nghề “câu to” để phân biệt với nghề câu nhỏ là câu các loài cá thông thường. Đến khi tôi lớn lên, làm nghề câu to nhưng bằng thuyền nhỏ chỉ gắn máy một lốc có công suất vài chục mã lực, chỉ câu vùng lộng chứ không ra khơi như bọn trẻ bây giờ” - ông Trí bồi hồi nói.
Bước chuyển lớn nhất của nghề câu làng Thủy Đầm diễn ra hai năm 2009-2010, khi đó Nhà nước kêu gọi ngư dân đóng tàu lớn vươn ra ngư trường xa. Một lớp ngư dân trẻ đã mạnh dạn đóng tàu lớn và đi tìm cá mập ở những vùng biển xa hơn. Tìm kiếm của ngư dân Thủy Đầm cho thấy không đâu nhiều cá mập như ở vùng biển Hoàng Sa. Vậy là hơn mười năm nay, cá mập Hoàng Sa là nguồn sống chính của bà con làng biển này. Lứa ngư dân trẻ năm nào giờ nhiều người đã thành những thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm như các anh Trương Quốc Bảo, Phan Quang, Phan Cảo, Phan Hạnh... Các anh là trụ cột nghề câu của làng, đưa người làng Thủy Đầm ra bám biển Hoàng Sa quanh năm, với đội tàu 14 chiếc chuyên câu cá mập.
PGS.TS Võ Sĩ Tuấn - viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, một trong những chuyên gia nghiên cứu về cá mập cho biết nghề câu cá mập ở Nam Trung bộ hoạt động tại ba ngư trường tập trung gồm: vùng ven bờ Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên, vùng Bố Khám - Trường Sa - giàn khoan Vũng Tàu, vùng nước giáp Malaysia, Brunei và Indonesia. Tuy nhiên, làng Thủy Đầm chỉ chuyên câu cá mập ở Hoàng Sa nên đây là một điều rất đặc biệt.
Lão ngư Lê Văn Trí tự hào: “Nghề câu của Thủy Đầm truyền từ đời này sang đời khác, đến giờ càng phát triển với đội tàu hiện đại ra biển xa hơn. Tôi nói với con cháu mình giữ nghề câu này là giữ biển khơi của cha ông để lại, là góp phần giữ nước”.
Theo TTO