Bọ xít hút máu người xuất hiện lại ở Hà Nội.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, PGS. TS Trương Xuân Lam (Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trụ sở tại 18 Hoàng Quốc Việt) cho biết: "Nhiều người dân đã thông báo về việc phát hiện loại bọ xít được cho là bọ xít hút máu người đến Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật từ tháng 4 vừa qua.
Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, tìm kiếm lấy mẫu phân tích và phát hiện nhiều loại bọ xít này ở trong nhà dân, chúng thuộc giống Trimatoma. Đây là loại côn trùng hút máu các loài động vật như trâu, bò, gà, lợn... Chúng sinh sản rất nhanh, thức ăn chính là máu nên dần chuyển sang tấn công hút máu con người nhằm đáp ứng nguồn thức ăn của mình".
PGS. TS Trương Xuân Lam và đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu đặc điểm cấu tạo và tập quán sinh sống về nhóm côn trùng này từ năm 2011. |
Năm 2011, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật bắt đầu tiến hành đề án nghiên cứu về đặc điểm cấu tạo và phân loại từng cá thể bọ xít hút máu người này. Khảo sát 20 tỉnh thành trên cả nước về loại côn trùng này cho thấy, Viện đã thu được 1350 mẫu thiếu trùng và 907 mẫu trưởng thành bọ xít hút máu thuộc giống Triatoma.
Tại khu vực Hà Nội, 21/29 quận huyện đều có loại bọ xít hút máu người này như huyện Từ Liêm phát hiện ổ bọ xít với số lượng 1.300 con, quận Long Biên khoảng 700 - 800 con...
Qua nghiên cứu về đặc điểm cấu tạo và tập quán sinh sống của chúng cho thấy, ban ngày bọ xít hút máu người thường nương náu vào những chỗ tối, ẩm thấp trong nhà như khe giường, dưới bếp... Chúng bắt đầu bay ra hút máu vào khoảng thời gian từ 0h - 3h sáng. Trước khi hút máu người, nhóm cá thể này tiết ra một chất có thể gây tê cho con người nên khó có thể phát hiện được chúng khi bị đốt.
Môi trường ẩm thấp xung quanh chỗ ở con người sẽ giúp chúng sinh sôi nảy nở nhanh.
TS. Lam cho hay, kích thước trung bình của loại bọ xít này từ 1,9 - 2,4cm. Mỗi năm chúng có thể sản sinh ra từ 200 - 300 trứng rồi phát triển thành con. Ngay khi ra đời chúng đã có khả năng hút máu. Tuổi thọ của loại này có thể sống được từ 2- 3 năm.
TS. Lam cho hay, mùa hè là mùa sinh sôi nảy nở rất nhanh về số lượng cá thể của loại bọ xít này. Hiện viện cũng đang nỗ lực đi tìm tổ sống của chúng để diệt nhóm côn trùng này. Nếu người dân phát hiện ra nơi sinh sống của quần thể bọ xít này thì nên báo cho trung tâm y tế dự phòng để có biện pháp ngăn chặn sự sinh sôi và lan rộng phạm vi hoạt động của chúng.
"Khi người dân bị loại bọ xít này đốt vào người thì cần tránh gãi vào đó vì sẽ khiến trở nên sưng tấy, nổi mụn. Những vết sưng trên da có dấu hiệu đỏ tấy, nổi mụn thì cũng không quá lo lắng vì nó sẽ tự lặn dần sau vài ngày", Tiến sĩ Lam khuyến cáo.
Thêm nữa, do tập quán sinh sống của loại bọ xít này thường tập trung ở những nơi ẩm thấp, bóng tối trong nhà nên việc người dân tiến hành xịt thuốc, hóa chất sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cách tốt nhất để phòng tránh những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi bị chúng đốt là vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh, trước khi đi ngủ cần mắc màn kín đáo để chúng không có điều kiện sinh sôi, phát triển.
Theo Trí thức trẻ