“Giấc mơ Trung Hoa” gắn với mục tiêu phục hưng dân tộc của Trung Quốc. Đối với nhiều nhà quan sát ở phương Tây, việc hiện thực hóa “giấc mơ” đó có nghĩa là Trung Quốc, cũng như Nga, sẽ không bao giờ chấp nhận chơi trò chơi trong quan hệ quốc tế theo luật do Mỹ thảo ra.
Jyrki Kallio - nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Phần Lan.
“Lừa đối phương” là chiến lược cơ bản?
Hiện nay, người ta nói quá nhiều về sự nổi lên của Trung Quốc, thứ được coi như một nguy cơ đối với sự ổn định của trật tự quốc tế, và người ta liên tưởng đến câu nói “nói nhiều đến quỷ thì quỷ sẽ xuất hiện”. Ở Trung Quốc cũng có câu ngạn ngữ tương tự nhưng không phải là nói về quỷ mà nói về Tào Tháo, một chiến lược gia quân sự nhiều mưu kế sống trong thời kỳ giữa thế kỷ thứ 2 và thứ 3. Các nhà quân sự kinh điển của Trung Quốc coi việc “lừa đối phương” là một trong những chiến lược cơ bản, và bảo bối trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc kể từ khi bắt đầu cải cách là “giấu mình chờ thời”. Phải chăng Tào Tháo đang quay lại?
Câu trả lời đương nhiên là: đúng. Tuy nhiên, Tào Tháo không phải là kẻ khờ dại và sẽ là không công bằng khi so sánh ông ta với ma quỷ. Nhưng liệu, “Giấc mơ Trung Hoa” có cần thiết nếu nó tạo ra cơn ác mộng cho người khác?
Có nhiều tình tiết cho thấy “Giấc mơ Trung Hoa” không đến nỗi tồi tệ như vậy. Thứ nhất, người ta có cảm giác lãnh đạo Trung Quốc đang tập trung quyền lực, hoặc thậm chí cá nhân một nhà lãnh đạo cũng có khả năng đưa ra những quyết định vô lý. Khác với hai thập kỷ trước, giới lãnh đạo Trung Quốc khi đó đã giữ được tính tập thể và đấu tranh giữa những quan điểm khác biệt được thể hiện qua ngôn ngữ chứa đựng sự nhân nhượng trong nhiều tài liệu quan trọng.
Thứ hai, các phương tiện truyền thông thường thổi phồng về sự tăng lên của ngân sách quốc phòng Trung Quốc và khả năng quân sự của Trung Quốc là đáng lo ngại. Mục tiêu phát triển quân sự của Trung Quốc không có gì thay đổi. Trung Quốc còn lâu mới đủ khả năng thách thức Mỹ trên các vấn đề toàn cầu và cũng không tỏ ra mình đang cố làm điều đó. Theo báo cáo gần đây cho thấy, gánh nặng chi phí quốc phòng của Trung Quốc chiếm từ 2 đến 2,1% GDP.
Thứ ba, nội bộ Trung Quốc còn nhiều vấn đề cả về kinh tế, môi trường, xã hội và hòa hợp dân tộc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường phải hô hào muốn phát triển kinh tế thì phải ổn định, cả bên trong lẫn bên ngoài.
Phải rũ bỏ tàn dư của thực dân
Nhưng có điều hiển nhiên là Trung Quốc có thể trở thành mối đe dọa của khu vực. Việc tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt ở Biển Đông, có thể đưa đến khủng hoảng. Trung Quốc coi vấn đề chủ quyền quốc gia là quan trọng. Trong khi, khái niệm tổng thể của phục hưng dân tộc là dựa trên quan niệm Trung Quốc phải rũ bỏ tất cả những gì gọi là tàn dư của chế độ thực dân để lại. Những bài học lịch sử của thế giới sẽ được nghiên cứu kỹ. Nhưng điều đó không có nghĩa Trung Quốc sẽ biến những bài học đó thành hiện thực.
Đối với khu vực, mặc dù Trung Quốc có cứng rắn lên trong vấn đề đòi hỏi chủ quyền biển đảo, song Trung Quốc không muốn để các vấn đề trên biển ảnh hưởng đến kinh tế khu vực. Có thể, khi lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy đất nước đã đủ mạnh, họ có thể sẵn sàng nhượng bộ đôi chút với các nước láng giềng. Tuy nhiên, nếu bị đe dọa, các quốc gia láng giềng của Trung Quốc có thể sẽ không hề nhân nhượng.
Theo An Ninh Thủ Đô