Sài Gòn năm ấy: 'Dầu hèn cũng thể'

Thứ bảy, 07/06/2014, 18:13
Đến bây giờ, thằng Minh vẫn chưa hiểu hai tiếng "ngon lành" của chú Hai Ngon cũng như "dầu hèn cũng thể" mà chú hay nói. Chắc chú bán cái xe chiếu bóng thùng cũ này để đi tìm “ngon lành”.

Sài Gòn năm ấy - Kỳ 7: “Dầu hèn cũng thể”

Một quán ăn ở Sài Gòn trước 1975 - Ảnh: Tư liệu

Bưng tô mì lên, húp nước lèo rột rột, sau đó thằng Minh ợ một cái, nhưng vẫn tiếp tục thắc mắc để sau này nó có thể nói dóc với bọn thằng Chim:

- Món phở của người Tàu hả chú?

- Không, người Bắc Kỳ đem vào? Ê, đừng ợ như vậy, ghê quá mậy.

- Người Bắc Kỳ không phải là người Việt hay người Tàu hả chú?

Chú Hai Ngon cười hăng hắc:

- Người Bắc Kỳ là người Việt Nam chứ người xứ nào mậy! Người Bắc có món phở phải nói là quỷ kiến sầu.(1) Tại tao mê chiếu bóng chứ không sau này tao đi học nghề bán phở.

- Ừ, chú bán phở đi để con ăn ké.

- Cần gì mậy, chừng nào tao ngon lành tao sẽ bao mầy đi ăn phở Tàu bay...

- Ngon lành là sao chú? Ngon lành mới ăn được hả?

- Ừ. Một tô phở mắc lắm nha mậy. Nhứt là khi mầy “thiếm sực” một chén bò tái hay làm thêm chén nước béo. Phải ngon lành mới có tiền ăn nha con… Ủa, mầy làm cái gì vậy?

Trong lòng bàn tay thằng Minh là một cục nhân thịt mà nó đã lén lấy từ cái bánh bao để trên bàn. Đây là trò “ảo thuật” có tên là “moi  ruột” do thằng Ti chỉ cho tụi nó khi muốn ăn ruột bánh bao không tốn tiền. Khi vào tiệm nước, gọi ly cà phê đen rồi nhân lúc phổ ky không để ý tụi nó gỡ miếng giấy phía dưới bánh bao, moi lấy cái nhân thịt ở trong ra ăn. Sau đó dán miếng giấy che kín cái lỗ thủng phía dưới bánh bao lại y như cũ. Khi phổ ky dọn bàn, thấy cái bánh bao vẫn nguyên vẹn nhưng đâu biết đó chỉ còn lại cái vỏ, còn cái nhân thịt trong ruột bánh đã đi vào bao tử tụi nó.

- Dạ, con lấy cái ruột bánh bao.

- Ăn thì trả tiền đàng hoàng chứ mậy!

- Tại con ghét thằng cha Quẩy này. Bữa nọ con mua một đồng trà đá, thằng chả không bán.

“Cách chú Hai Ngon sử dụng khẩu ngữ bình dân  dầu hèn cũng thể thường trực trên đầu môi như một phương châm sống, nói lên cách ứng xử mộc mạc, hồn nhiên, đầy ắp tình người giữa những cảnh đời khốn khó. Những đạo lý giản dị nhưng sâu xa đó gợi nhớ đến những bài học khó quên trong sách Luân lý giáo khoa thư của Trần Trọng Kim, Đỗ Thận...”

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

- Ghét thì đừng ăn quán của người ta, còn ăn thì phải trả tiền sòng phẳng. Lỡ tụi nó bắt được thì nó coi mấy thằng người Việt mình ra gì mậy. Đừng để ai khinh mình hết. Bị người ta ghét thì được chứ đừng để bị người ta khinh. Dầu hèn cũng thể chứ mậy.

Bị bắt tại trận, để đỡ ngượng, nó đánh trống lảng:

- Chú có xem “Chú Thòn lãnh vợ hôn?” Cái tuồng mà thằng Xuân Phát (2) đóng vai chú Thòn - người Tàu - đi lãnh vợ là người Việt do con Trương Ánh Loan (3) đóng bị bắt vô bót cảnh sát vì đi làm gái bán ba đó… - nói tới đây nó hát -  “Ngọ có chết li thì cũng theo chời theo Phật á… Chỉ sợ mấy lứa con khờ nhỏ dại ai nuôi”... Vậy mà còn bị con Trương Ánh Loan đánh lên đầu một cái, máu chảy dầm dề. Tội quá chừng chừng.

- Mầy nói chuyện tầm bậy quá. Có ăn, có học mà cứ nói chuyện như đồ không học…

- Con nói làm sao chú?

- Sao mầy cứ gọi là thằng Xuân Phát, con Trương Ánh Loan… Họ lớn tuổi bằng tao mà mầy cứ gọi là thằng này, con kia. Tao nghi mầy gọi tao là thằng Hai Ngon khi nói chuyện với người khác quá.

Thằng Minh cười, biết lỗi:

- Tụi con nói vậy quen rồi chú ơi. Từ từ con sửa...

-  Phải gọi là nghệ sĩ, tài tử hoặc bằng tên không cũng được, như vậy mới là người có lễ phép. Mình có thể ăn bậy, uống bậy chứ không được nói bậy!

- Dạ. Cho con xí một chút. Nhưng mà con hỏi chú cái này nghe... Sao cái gì chú cũng biết hết vậy?

Chú Hai Ngon đổ phần cà phê còn lại trong ly vào đĩa húp cái rột, nói từ từ:

- Cái gì không biết thì hỏi. Hỏi thì chỉ dốt một lần, không hỏi thì dốt suốt đời. Dầu hèn cũng thể chứ mậy. Nát vỏ cũng còn bờ tre mà.

- Dầu hèn cũng thể. Nát vỏ cũng còn bờ tre là gì chú? Chú cắt nghĩa cho con nghe đi…

- Là... là bể cái lu vẫn còn cái khạp! Ngon lành mà mậy!

Đến bây giờ, thằng Minh vẫn chưa hiểu hai tiếng "ngon lành" của chú Hai Ngon cũng như "dầu hèn cũng thể" mà chú hay nói. Chắc chú bán cái xe chiếu bóng thùng cũ này để đi tìm “ngon lành”. Chú Hai mà ngon lành thì nó sẽ được ăn món phở của người Việt không tốn tiền. Nhưng để được ăn tô phở mà không gặp được chú Hai Ngon thì nó cũng thấy buồn, thiêu thiếu cái gì đó một cách mơ hồ thân thiết. Như vậy, chẳng thà không ăn phở còn hơn. Nó nhớ chú Hai Ngon!

***

(1) Tiếng lóng: quá tốt, quá ngon, quá giỏi, quá dữ.
(2) Ba của diễn viên điện ảnh Dustin Nguyễn. Là một trong những danh hài lúc đó cùng với Tùng Lâm, Thanh Việt, Phi Thoàn, Hoàng Mai, Khả Năng, Thanh Hoài. Ông là tác giả bài vọng cổ Tình Chú Thòn với giọng hát của một người Hoa nói tiếng Việt. Sau này được đoàn cải lương Dạ Lý Hương dựng lại thành vở diễn do Hùng Cường đóng vai chính.            
(3) Đào chánh đoàn cải lương Kim Chưởng.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn