Sáng 8/6, tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh thông xe cầu Vĩnh Thịnh trên quốc lộ 2C với chiều dài lớn nhất hiện nay bắc qua sông Hồng, nối liền tỉnh Vĩnh Phúc với Thủ đô Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Thịnh.
Cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng là công trình giao thông huyết mạch trên tuyến đường vành đai 5, một trong 3 tuyến vành đai quan trọng nằm trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cây cầu bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu vượt sông 5.487m dài nhất Việt Nam từ trước đến nay. Mặt cắt ngang cầu rộng 16,5m dành cho 4 làn xe với tốc độ thiết kế 80km/h. Dự án có tổng mức đầu tư 137 triệu USD từ vốn vay ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Sau 28 tháng thi công (vượt tiến độ 7 tháng), cầu Vĩnh Thịnh đưa vào sử dụng sẽ kết nối hai trục hướng tâm ( quốc lộ 32 và quốc lộ 2), các tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm Thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang; đồng thời góp phần giảm áp lực giao thông cho các trục đường hướng tâm như các quốc lộ 2,3,6,32 khi lưu thông qua trung tâm Hà Nội đi các tỉnh phía Nam và ngược lại…
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án Thăng Long, chính quyền và người dân TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc liên quan, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động trên công trường đã phối hợp chặt chẽ, nỗ lực khắc phục nhiều khó khăn, lao động làm việc ngày đêm để hôm nay chính thức đưa cầu Vĩnh Thịnh vào hoạt động vượt tiến độ gần 7 tháng, đảm bảo an toàn thi công và chất lượng công trình.
Thủ tướng nhấn mạnh, cầu Vĩnh Thịnh không chỉ đáp ứng mong mỏi nhiều đời nay của người dân (Sơn Tây và Vĩnh Tường) sinh sống hai bên bờ mà còn là công trình có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giao thông vận tải, cải thiện đời sống của người dân của Hà Nội, Vĩnh Phúc và rộng hơn là các tỉnh Tây Bắc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành giao thông vận tải, TP Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các tỉnh thành, phố trong cả nước cùng thi đua nỗ lực phấn đấu, xây dựng và đưa vào sử dụng nhanh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả nhiều công trình hơn nữa trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đây là khâu đột phá để đẩy nhanh Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá để đưa nước ta sớm trở trành nước công nghiệp theo hướng hiện đại….
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đã tài trợ vốn ODA ưu đãi cho công trình cầu Vĩnh Thịnh. Thủ tướng cho biết: Đến nay Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư, bạn hàng và nhà tài trợ ODA hàng đầu của Việt Nam. Cầu Vĩnh Thịnh là một trong 13 dự án Hàn Quốc tài trợ cho ngành giao thông vận tải với tổng số vốn hơn 1,1 tỷ USD.
Khẳng định Chính phủ Việt Nam trân trọng và tiếp tục quản lý, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả các nguồn vốn tài trợ của các đối tác, trong đó có Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn hai bên cùng nỗ lực phấn đấu đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, đem lại sự phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân hai nước.
Theo VOV