Theo ông Lạng mô tả, các thỏi vàng có hình chữ nhật, cao một gang, dài hai gang tay người lớn, bề mặt khắc chữ “Minh Trị Thiên Hoàng”. Ông Lạng ước đoán số vàng thỏi ấy khoảng 4,8 tấn… Sau này, ông Lạng qua đời.
Gặp người nắm giữ bí mật kho báu
Nói đến Vương quốc người Chàm xưa (thuộc vùng Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay), người ta thường liên tưởng ngay đến dòng họ Chế quý tộc, dòng họ nắm giữ ngôi vị quan trọng trong cộng đồng người Chàm qua hàng thế kỷ. Tương truyền, họ Chế không những tài hoa mà còn rất giàu có, bởi họ đều làm quan lớn. Khi vương quốc Chăm-pa suy vong do nhà Nguyễn mở rộng bờ cõi về phương Nam, dòng họ này cũng tản mác khắp nơi.
Những câu chuyện về kho báu người Chàm thất lạc, đến nay vẫn được truyền tụng như hoài niệm về một thời hoàng kim của vương quốc này. Tuy nhiên, câu chuyện chúng tôi sắp kể dưới đây, dù liên quan mật thiết đến số phận một đại phú người Chàm, lại không liên quan gì đến những huyền tích kho báu của vương quốc Chăm-pa cổ. Đó là kho vàng ước chừng 4,8 tấn được phát xít Nhật chôn giữa Sài thành. Đến nay, chỉ còn lại một nhân chứng sống duy nhất biết tường tận câu chuyện về kho vàng khổng lồ này.
Cuộc gặp nhân chứng sống này cũng đến với chúng tôi hết sức tình cờ. Qua dịp trò chuyện với một nhân vật (xin giấu tên), PV được người này tiết lộ về kho vàng 4,8 tấn. Đồng thời, người này còn cung cấp địa chỉ hậu duệ vị đại phú người Chàm năm xưa bị Nhật bắt. Lần theo chỉ dẫn, chúng tôi đã lần tìm ra được địa chỉ người hậu duệ này. Đó là một bà lão tuổi 80, ngụ trong một con hẻm nhỏ ở quận 3, TP. HCM (thuận theo yêu cầu, chúng tôi xin không nêu địa chỉ cụ thể bà sinh sống). Theo đó, bà tên khai sinh là Chế Thanh Vân, con ruột của ông Chế Quang Lạng, người bị Nhật bắt nhốt cùng số vàng khổng lồ ở Sài Gòn năm 1945.
Ông Chế Quang Lạng một thời làm quan |
Bà Vân kể, theo gia phả của dòng họ truyền lại, sau khi vương triều Chăm-pa lụi tàn, dòng dõi quý tộc họ Chế ở Ninh Thuận dời ra kinh đô Phú Xuân (Huế) sinh sống. Tại đây, họ Chế có rất nhiều người tài đóng góp công sức cho nước Đại Việt. Năm 1890, ông nội bà là Chế Quang Ân được triều đình nhà Nguyễn phong cho một chức quan nhỏ. Đến năm 1917 (đời vua Khải Định), ông được thăng chức Đốc phủ thành Phú Xuân. Thời gian này, ông bén duyên với Công nữ Hy Tô, tiểu thư của một vị quan trong triều và sinh người con trai, đặt tên là Chế Quang Lạng.
Tiếp bước cha, Chế Quang Lạng lớn lên cũng được học hành và nhậm chức Tuần phủ. Tuy nhiên ra Bắc nhậm chức, ông Lạng được biết đến nhiều hơn với tư cách một đại điền chủ giàu có bậc nhất vùng đồng bằng sông Hồng lúc bấy giờ. Với hàng ngàn mẫu ruộng ở các tỉnh Bắc Giang, Hà Đông, Thanh Hóa…, cơ ngơi của Chế Quang Lạng khiến ai nấy đều thèm muốn. Nhắc đến thời kỳ huy hoàng của gia tộc, bà Vân nói: “Hồi ấy, trong dinh thự cha tôi luôn tấp nập người hầu, kẻ hạ. Thế rồi, chiến tranh đã làm tan biến cơ đồ ông cha tôi đã tạo dựng”.
Vào những năm 1940, khi quân Nhật tràn vào lãnh thổ Việt Nam thay chân Pháp, chúng thực hiện chính sách đàn áp tàn khốc. Để nuôi bộ máy chiến tranh, Nhật chủ trương trưng thu thóc gạo vận chuyển sang chính quốc, trực tiếp gây nên nạn đói lịch sử năm 1945 ở miền Bắc Việt Nam. Chứng kiến cảnh tượng đó, ông Chế Quang Lạng đã mở kho thóc để cứu tế dân chúng. Hành động này đã bị bọn phát xít phát hiện. Nghĩ ông chống đối, quân Nhật đã ra lệnh vơ vét hết kho của cải nhà họ Chế. Những địa chủ khác trong vùng cũng đều chịu chung số phận. Cướp thôi chưa đủ, phát xít Nhật còn bắt giữ ông Lạng. Trong hành trình bị giặc giam cầm, ông đã may mắn khám phá bí mật về số vàng khổng lồ.
Hé lộ kho báu 4,8 tấn vàng
Sau khi vơ vét hết tài sản của những địa chủ giàu có ở Bắc kỳ, phát xít Nhật đã nắm trong tay số vàng bạc khổng lồ. Trong bối cảnh tình hình chiến sự Đông Dương căng thẳng, Phát xít Nhật toan tính thực hiện một kế hoạch vận chuyển kho tài sản khổng lồ trên về chính quốc. Bước đầu, phát xít Nhật điều những thợ đúc vàng giỏi vào Việt Nam nhằm tiến hành quy đổi kho tài sản thành vàng khối cất giấu.
Theo tiết lộ của bà Vân, trên mặt mỗi cục vàng, phát xít Nhật cho khắc chữ Minh Trị Thiên Hoàng với ý định chứng minh số vàng trên có xuất phát từ Nhật. Sau thời gian dày công đúc số vàng trên thành thỏi, chúng đã lệnh cho ông Lạng cùng áp giải số vàng trên vào Sài Gòn, dự định sẽ vận chuyển về Nhật Bản bằng đường biển.
Bà Chế Thanh Vân kể lại bí mật về kho báu |
Theo lời cha bà Vân, sau khi đến Sài Gòn, một mặt quân Nhật cho giam những tù binh vào một khu riêng biệt, mặt khác âm thầm thực hiện việc cất giấu vàng vào địa điểm bí mật. Về phần ông Lạng, sau khi bị tống giam trong ngục tối nhiều tháng trời, ông đã đào một đường hầm bí mật trốn thoát ra ngoài.
Biết quân Nhật đang âm thầm chôn số vàng cướp bóc, ông bí mật ngày đêm theo dõi từng động thái. Một thời gian sau, ông Lạng phát hiện địa điểm luôn có đám quân Nhật canh giữ nghiêm ngặt bất kể ngày đêm. Một ngày nọ, lợi dụng lúc đám lính uống rượu no say, ông Lạng bí mật lẻn vào phía trong và phát hiện có một khu đất phía sau bị xới tung. Tại đây, ông Lạng đã tận mắt chứng kiến những thỏi vàng ròng lớn đã được vận chuyển xuống hầm một cách cẩn trọng.
Không nghi ngờ gì được nữa, đó đích thực là địa điểm chúng đang chôn giấu số vàng khổng lồ cướp từ điền chủ, người giàu có và chính gia đình ông. Bí mật tra xét thông tin, ông Lạng nắm được số vàng phát xít Nhật chôn giấu lên đến 4,8 tấn. Tuy nhiên, khi Nhật chưa kịp vận chuyển số vàng phi nghĩa về nước thì Cách mạng tháng 8 nổ ra. Cách mạng thắng lợi, quân Nhật bị đuổi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam mà không được mang theo một tấc sắt. Vậy là, toàn bộ vàng chôn giấu đã nằm lại Sài Gòn. Địa điểm phát xít Nhật cất giữ số vàng bi mật, chỉ một mình ông Chế Quang Lạng nắm được.
Năm 1952, ông Lạng ra Bắc đưa gia đình quay lại Sài Gòn và sống gần khu vực Nhật chôn số vàng khổng lồ năm xưa. Bà Vân còn nhớ như in, lúc cha đưa gia đình vào Sài Gòn thì bà mới 17 tuổi. Ngày ngày, cha vẫn dẫn bà đi ngang qua địa điểm Nhật chôn vàng. Ông Lạng đã kể hết bí mật về kho báu và dặn con gái đợi thời cơ thích hợp sẽ giúp đất nước lấy lại những gì đã mất.
Những năm sau giải phóng, ông Lạng chưa kịp đào kho báu thì qua đời vì tuổi cao sức yếu. Thời gian trôi qua, câu chuyện về kho báu, được thừa truyền lại cho cô con gái duy nhất. Thời thế thay đổi, gia đình bà nghèo dần nên không có điều kiện tiến hành đào bới và bà chôn giấu bí mật trong lòng cho đến nay. Bà Vân quả quyết, câu chuyện kho báu là có thật. Hiện tại, bà đã làm đơn tường trình gửi cơ quan chức năng chờ ngày khảo nghiệm. Nếu điều này được chứng thực thì câu chuyện ly kỳ này sẽ góp thêm sự phong phú cho những giai thoại kho báu trên đất Phương Nam.
Mong được hiến kho vàng cho Nhà nước Bà Vân cho biết, đầu năm 2013, bà đã gửi bản tường trình hiến kho báu lên Sở Công an TP. HCM. Trong đó, bà miêu tả rõ những gì người cha quá cố đã tận mắt nhìn thấy: “Một cục vàng chiều dài 2 gang tay, ngang 1 gang, cao 1 gang tay. Trên bề mặt cục vàng có in chữ Minh Trị Thiên Hoàng, tất cả số lượng vào khoảng 4,8 tấn”. Bà Vân mong muốn được hiến số vàng trên cho Nhà nước và bù đắp phần nào những tổn thất năm xưa quân Nhật đã gây ra cho dòng họ Chế. Vậy nhưng, khi chính quyền chưa giải quyết thì đã có những kẻ hám lợi “ngửi được mùi”. Một số kẻ xưng là “nhà ngoại cảm” cứ rần rần đến tận nhà bà để phán đoán, mong được “xin lộc”. “Nay tôi đã tuổi già sức yếu, trước khi nhắm mắt, tôi chỉ muốn để lại chút gì đó cho hậu thế”, bà Vân tâm nguyện. |
Theo Giadinh