Dưới đây là cuộc trao đổi của PV với PGS. TS Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam) về vấn đề cách xưng hô trong văn hóa công sở:
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng nếu bỏ xưng hô "chú-cháu" nơi công quyền, thì cần nghiên cứu một cặp từ xưng hô chung để làm chuẩn. |
Bộ Nội vụ có dự thảo quy định bỏ xưng hô “chú-cháu”, “bác- cháu” nơi công sở, là một chuyên gia về xã hội học, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Nhìn chung, đặc điểm cấu thành xã hội Việt Nam được xây dựng trên nền tảng làng xã, thân tộc lâu nay nên người dân thường chuyển hóa những mối quan hệ thân tình hoặc huyết thống, làng xã hoặc theo một điều gì đó ràng buộc nặng nghĩa tình vào trong ngôn từ giao tiếp.
Văn hóa của chúng ta, cụ thể chính từ những từ nguyên của chúng ta quá tinh tế, tạo ra nhiều tầng bậc để người ta khảm vào trong ấy tình cảm, sự trìu mến, kính trọng…
Tuy nhiên, nó tinh tế nên khi muốn thể hiện ngôn ngữ hành chính hay mức độ quan hệ có tính chất công quyền, trung tính thì cái tầng bậc đó lại trở thành con dao hai lưỡi.
Theo tôi, nguyên do của việc xưng hô “bác-cháu”, “chú –cháu” ở trong các cơ quan ngoài chênh lệch tuổi tác cũng có thể do một bộ phận người đứng đầu không đủ lòng tin ở đức độ, chuyên môn, nghiệp vụ của mình, muốn chia bậc để có thể “đàn áp” người dưới quyền.
Vì vậy, theo tôi đề án này rất đáng hoan nghênh và ủng hộ. Tôi hoàn toàn cổ súy cho ngôn ngữ hành chính ở trong cơ quan công quyền, trong cộng đồng xã hội và đồng ý với sự chuẩn bị của Bộ Nội vụ. Rõ ràng trong các cơ quan, chúng ta không thể để cách xưng hô “bác-cháu”, “chú-cháu” được.
Nếu vậy sẽ phải có một cặp từ xưng hô được dùng chung nơi công sở, thưa ông?
- Trong quá trình tương tác, giải quyết công việc, tốt nhất nên có một cái “vỏ” ngôn ngữ xã hội trong xưng hô (một cặp từ xưng hô chung) lấy để làm chuẩn. Và cái tình cảm, sắc thái muốn biểu hiện với nhau sẽ thể hiện thông qua ngữ điệu. Có thể, ví dụ vẫn "ông-tôi' nhưng gọi "ông" và xưng "tôi" một cách đầm ấm, trang trọng, vẫn thể hiện được sự kính trọng mà không tỏ vẻ bề trên hay bất nhã.
Như vậy, một khi đã soạn thảo ra những nội dung này, phế bỏ đi hình thức xưng hô “bác-cháu” thì cũng nên bàn đến một sự quy ước trong giao tiếp và điều này cần có sự tham gia của các nhà chuyên môn về lĩnh vực ngôn ngữ.
Theo tôi, trong công sở, ngoài xã hội thì nên xưng "tôi" để thể hiện cái tôi cá nhân trong hoạt động ở nơi công quyền. Mặt khác, nó cũng giúp đỡ phức tạp trong các tình huống nảy sinh do “va chạm”.
Với việc dùng một cặp từ chung như ông đề xuất thì những người chênh nhau về độ tuổi quá lớn khi xưng hô có đi ngược với truyền thống, thậm chí là thuần phong mỹ tục của nước ta từ trước đến nay?
- Theo tôi điều này hoàn toàn là được. Quan trọng là ngữ điệu của người giao tiếp chứ không phải là ở cái vỏ ngôn ngữ. Cái tôi đấy không phải cái tôi hầm hố, quát nạt, bởi tiếng Việt giàu cung bậc, ngôi thứ nhưng đồng thời cũng giàu cách thức trong việc biểu đạt tình cảm.
Cho nên việc thể hiện sự kính trọng hoàn toàn có thể quyết định ở ngữ điệu. Thế hệ mới bây giờ cũng không chấp nhận vòng tư tưởng cũ, khi mà được quán triệt, ví dụ là “ông-tôi” thì cũng sẽ “ông –tôi” ngay từ đầu.
Xin nói thêm, văn hóa là sự vun trồng, có sự thêm bớt mà không bàn chuyện hơn thua. Vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể tiếp thu được tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Khi xưng tiếng “tôi” sẽ quyết định ở ngữ điệu và ánh mắt. Vì vậy một cái xưng "tôi" cà chớn khác với cách xưng "tôi" trân trọng.
Có thể lấy ví dụ về việc xưng hô quyết định bởi ngữ điệu mà chúng ta hiện vẫn thường dùng, đó là chữ “tao-mày” trong ngôn ngữ của chúng ta. Khi thân tình cũng xưng “tao-mày” nhưng khi điên tiết cũng là “tao-mày”.
Liệu khi chọn một cặp xưng hô chung có khiến một bộ phận người lớn tuổi không hài lòng, còn người trẻ cảm thấy “ngượng mồm”?
- Quan trọng nhất là một sự quy định và quy định ấy phù hợp với sự phát triển của xã hội, phù hợp với thời đại mới. Như vậy nó sẽ có chỗ đứng và sẽ phát triển. Còn những người cứ cho rằng như vậy là “trứng khôn hơn vịt”, xưng như vậy là bất kính thì đó là những người bảo thủ và đã lỗi thời.
Không những thế, đây còn là cơ hội cho người trẻ khi họ sẽ không còn bị đe nẹt trong khuôn khổ những ngôn từ xưng hô. Khi chúng ta xưng hô theo cách mới sẽ tạo điều kiện để giải quyết những khó khăn trong quá trình tương tác, làm việc giữa các lực lượng ở các thế hệ. Nếu giải quyết được thì xã hội sẽ phát triển, còn không theo tôi xã hội vẫn sẽ “lùng nhùng”.
Điều này đặc biệt đáng quý hơn khi mà chúng ta đang trong quá trình trẻ hóa lực lượng quản lý, sẽ có nhiều “sếp” trẻ hơn nhân viên. Điều này sẽ mở đường cho những người tài có cơ hội phát triển, thay vì bị ràng buộc trong ngôn từ xưng hô như hiện nay. Mặc dù ngôn từ xưng hô không quyết định được hết tất cả, nhưng chi ít vẫn tác động như một “xiềng xích” vô hình.
Vậy có thể có những trường hợp những người cùng huyết thống, cụ thể là bố hoặc mẹ và con cùng công tác ở một đơn vị sẽ phải xưng hô với nhau là “tôi-ông”, “tôi-bà”, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Một khi đã có quy định chung thì dĩ nhiên phải dùng ngôn ngữ xã hội. Tất nhiên chúng ta không tuân thủ đến mức như “kỷ luật trại lính” và có thể xưng hô theo chức vụ. Ví dụ: "Thưa trưởng phòng, tôi…"; ngang hàng thì là "anh/chị-tôi', cái này là dễ dàng nhất và đã được dùng ở nhiều quốc gia.
Là người nghiên cứu về xã hội học tôi cho rằng, việc bố hay mẹ, con xưng "tôi" với nhau lúc làm việc là không có gì bất cập, hoàn toàn có thể làm được.
Xét cho cùng, tôi cho rằng, nếu chúng ta kiên trì thực hiện và cốt là chủ trương và sự gương mẫu chấp hành của người đứng đầu các đơn vị thì đề án này hoàn toàn khả thi.
Xin cảm ơn ông!
Theo Infonet