Cả giận với Thủ tướng Nhật báo Trung Quốc mất khôn

Thứ tư, 02/07/2014, 10:01
Trước quyết tâm sửa đổi Hiến pháp của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, báo chí Trung Quốc đã chỉ trích nặng nề với những lời lẽ thiếu kiềm chế.

Nỗ lực sửa đổi Hiến pháp để mở rộng vai trò quân sự là một trong những ưu tiên chính trị hàng đầu của ông Shinzo Abe trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản. Thời gian gần đây, trước áp lực quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Chính phủ của ông Abe lại càng tích cực vận động cho quá trình cải cách Hiến pháp Nhật Bản.

Tuy nhiên, dư luận Nhật Bản hiện tại đang chia làm hai phe. Một bên ủng hộ và một bên phản đối việc sửa đổi Hiến pháp. Những người phản đối lo sợ việc cải cách Hiến pháp với trọng tâm là thay đổi Điều 9 sẽ kéo nước Nhật vào vòng xoáy những cuộc chiến, chạy đua vũ trang và do đó ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Một vài tuần trở lại đây, sự phản đối của người dân ngày càng gia tăng. Đã có người tự thiêu cùng những cuộc biểu tình có hàng ngàn người tham dự nổ ra ở Tokyo và các thành phố lớn.

Đối với quá trình sửa đổi Hiến pháp của Nhật, Trung Quốc là nước quan tâm hơn cả. Lý do là trong khu vực, Nhật là nước có khả năng đối trọng với Trung Quốc hơn cả. Thêm nữa trong quá khứ, Đế quốc Nhật Bản từng xâm lược Trung Quốc. Bởi vậy, người Trung Quốc quan tâm đến chính sách an ninh quốc phòng của Nhật cũng là điều dễ hiểu.

Tuy vậy, những phản ứng của truyền thông Trung Quốc đối với sự kiện này tỏ ra hơi thái quá.

Sáng 1/7, trên trang Tân Hoa Xã cùng lúc đăng hai bài về chủ đề này. Một là chùm ảnh người Nhật Bản biểu tình phản đối sửa đổi Hiến pháp và bài kia là bài bình luận có tựa đề: "Hành động của Abe là một cuộc đảo chính nguy hiểm đối với Hiến pháp hòa bình".

Tác giả bài báo viết ngay dòng mở đầu bài viết bằng một câu kết tội: "Hành động của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thực hiện một cuộc đảo chính nguy hiểm để lật đổ hòa bình và lý tưởng dân chủ".

Họ cũng nói rằng quyết định của Nội các Nhật Bản về việc sửa đổi giải thích Hiến Pháp diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) không phải là ngẫu nhiên. Nó sẽ làm thay đổi vị thế quốc phòng của nước Nhật kể từ sau khi kết thúc Thế chiến II và điều này có thể sẽ đem đến nguy cơ xung đột đẫm máu trong tương lai.

Trọng tâm của việc sửa đổi Hiến Pháp Nhật Bản nhằm vào việc giải thích lại Điều 9 của Hiến pháp. Điều này quy định: "Nhân dân Nhật Bản mãi mãi từ bỏ chiến tranh và các mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực như là phương tiện giải quyết tranh chấp quốc tế".

Cả giận với Thủ tướng Nhật báo Trung Quốc mất khôn - Ảnh 1

Sáng 1/7, Tân Hoa Xã đăng một chùm ảnh dòng người biểu tình trước văn phòng của Thủ tướng Shinzo Abe.

Bài bình luận cáo buộc: hành động sửa đổi Hiến pháp là “vi phạm tàn nhẫn tinh thần của Hiến pháp hiện hành của Nhật Bản”. Bài viết cũng nặng nề chỉ trích: “Cuộc đảo chính của Abe chống lại Hiến pháp cho thấy sự khinh miệt của ông ta đối với dư luận khi nhiều cuộc điều tra được tiến hành bởi phương tiện truyền thông Nhật Bản đã cho thấy gần 70% dân chúng Nhật Bản phản đối việc này”.

Cả giận với Thủ tướng Nhật báo Trung Quốc mất khôn - Ảnh 2

Tân Hoa Xã đã đăng nhiều ảnh về cuộc biểu tình kèm theo một bài bình luận chỉ trích ông Abe như phát xít.

Các nhà bình luận của Tân Hoa Xã cũng không ngần ngại ví von hành động của ông Abe như Phát xít Đức khi viết: “Phó Thủ tướng Taro Aso đã nói trước đó về việc thay đổi Hiến pháp, cho thấy Nhật Bản nên làm điều đó lặng lẽ. "Cũng như trong một ngày Hiến pháp Weimar thay đổi Hiến pháp của Đức Quốc xã, mà không ai nhận ra điều đó, tại sao chúng ta không học hỏi từ đó loại chiến thuật?" Aso đề nghị.

Bây giờ, Abe đã đến rất gần với mục tiêu của mình thông qua những "chiến thuật của Đức Quốc xã" và hành động của ông đã phá hỏng Điều 9, về cơ bản là lật đổ con đường hòa bình của đất nước trong thời kỳ hậu chiến".

Thời gian qua, căng thẳng biển Hoa Đông đã nhiều lần khiến Nhật - Trung "khẩu chiến" trên báo. Tuy nhiên chưa lần nào truyền thông Trung Quốc lại nặng lời như lần này. Với bài báo này của Tân Hoa Xã, có lẽ sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến trên phương tiện truyền thông và ngoại giao hai nước.

Theo Người Đưa Tin

Các tin cũ hơn