Việt Nam ưu tiên cho Nga sử dụng vịnh Cam Ranh
Tàu tên lửa do Việt Nam tự đóng mới hạ thủy.
Mạng china.com ngày 1/7 nói rằng: Vào trung tuần tháng 6, người phát ngôn Việt Nam cho biết, Việt Nam tìm kiếm hợp tác quốc tế ở vịnh Cam Ranh, nhưng ưu tiên cho Nga, điều này cho thấy Nga sử dụng vịnh Cam Ranh đã có tiến triển mang tính thực chất.
Theo bài báo, vịnh Cam Ranh của Việt Nam có vị trí quan trọng, trực tiếp kiểm soát eo biển Malacca, trước đây từng là căn cứ hải quân lớn của Mỹ và Nga.
Báo chí Trung Quốc tỏ ra không vừa ý đối với mối quan hệ Việt Nam - Nga. China.com viết: "Lần này Nga quay trở lại, có ý đồ trỗi dậy, Việt Nam thể hiện thái độ tích cực với “gấu Nga”; trong đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam khéo léo “đánh con bài Mỹ” và “con bài Nga”.
Ngoài Nga, Mỹ cũng có ý định tìm cách tiến quân vào vịnh Cam Ranh. Trong thời gian gần đây, có chuyên gia quân sự Trung Quốc đã phân tích, cho rằng, đóng quân ở vịnh Cam Ranh là một trong những mục tiêu khu vực của Mỹ, do đó Mỹ đã tích cực lôi kéo Việt Nam. Như vậy, một nước muốn làm trọng tài, còn một nước muốn hiện diện.
Tàu tên lửa lớp Molninya do Việt Nam tự đóng.
Việt Nam nâng cấp tàu Kiểm ngư
Các tờ báo điện tử Trung Quốc và hãng tin CNA Đài Loan ngày 1/7 dẫn theo các nguồn tin của Việt Nam cho biết: Việt Nam vừa bàn giao tàu Kiểm ngư KN781 cho Cục Kiểm ngư sử dụng, tăng cường khả năng và hiệu quả thực thi pháp luật trên biển.
Theo bài báo, tàu Kiểm ngư 781 do Công ty đóng tàu Hạ Long chế tạo, bắt đầu được đóng từ năm 2012 theo thiết kế và công nghệ của Tập đoàn đóng tàu Damen Hà Lan, được coi là tàu Kiểm ngư tiên tiến nhất của Việt Nam.
Bài báo cho biết, tàu Kiểm ngư KN-781 dài 90,5m, rộng 14m, lượng giãn nước trên 2.000 tấn, có thể chạy liên tục 5.000 hải lý trong môi trường bình thường, trên tàu có sàn cất hạ cánh máy bay trực thăng, trang bị các thiết bị như tìm kiếm cứu nạn và vòi rồng cao áp.
Theo nguồn tin, tàu Kiểm ngư KN-781 có nhiều tính năng tiên tiến, ưu việt, phù hợp với nhu cầu của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, có lợi cho thực hiện các nhiệm vụ như chấp pháp và cứu viện trên biển, nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Tàu Kiểm ngư KN781 Việt Nam.
Ngoài ra, nhà máy đóng tàu Hạ Long của Việt Nam hiện cũng đang thử nghiệm một tàu Kiểm ngư cùng loại khác, dự kiến vào tháng 7 sẽ tiếp tục bàn giao cho Cục Kiểm ngư sử dụng.
Bài báo cho rằng, Việt Nam bàn giao tàu Kiểm ngư mới, đưa vào sử dụng trong bối cảnh căng thẳng Việt - Trung hiện nay đã gây quan tâm cho dư luận, nhất là khi nhiều tàu Việt Nam trong đó có tàu Kiểm ngư bị tàu Trung Quốc đâm hỏng.
Hải quân Việt Nam tiếp nhận hai tàu tên lửa mới
Các tờ báo điện tử Trung Quốc, Đài Loan và Singapore gần đây đưa tin, ngày 27/6, Tổng công ty đóng tàu Ba Son, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã bàn giao hai tàu tên lửa cho Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam, nâng cao sức chiến đấu cho Hải quân Việt Nam.
Theo hãng tin CNA Đài Loan, hai tàu tên lửa mới này lần lượt được đặt tên là HQ-377 và HQ-378, trang bị các hệ thống hiện đại công nghệ cao. Trải qua nhiều lần bắn đạn thật, hai tàu tên lửa này được Bộ Quốc phòng Việt Nam đánh giá cao.
Theo báo Trung Quốc, hai tàu tên lửa này đã trang bị rất nhiều hệ thống công nghệ cao, có khả năng tấn công và phòng thủ như: hệ thống vũ khí, khí tài, hệ thống động lực, hệ thống thiết bị điều khiển, hệ thống bảo vệ, có kết cấu bảo đảm sống sót, hoạt động độc lập...
Hai tàu chiến này thuộc lớp Molniya do Tổng công ty đóng tàu Ba Son đóng. Với các tàu này, Hải quân Việt Nam đã cho thấy năng lực đóng tàu quân sự cũng như khả năng làm chủ khoa học kỹ thuật của mình.
Vũ khí trên tàu tên lửa do Việt Nam chế tạo.
Theo báo Trung Quốc, loại tàu tên lửa này dài 51,7m, rộng 10m, mớn nước 2,56m, trọng tải 550 tấn.
Tổng công ty đóng tàu Ba Son cho biết, đây là tàu tên lửa cơ động đa năng hiện đại nhất do Việt Nam tự chế tạo. Nó là sự bổ sung kịp thời cho Hải quân Việt Nam.
Tổng công ty Ba Son còn cho biết, trong quá trình chế tạo loại tàu này, tuy đã gặp phải một số khó khăn, nhưng công ty đã tập trung mọi lực lượng, hoàn thành nhiệm vụ đóng tàu đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Tàu hộ vệ lớp Gepard Việt Nam mua của Nga.
Việt-Nga dự định thành lập doanh nghiệp sửa chữa tàu liên doanh
Trang mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc ngày 27/6 dẫn các nguồn tin cho biết, chính phủ Việt Nam và Nga đang bàn bạc thành lập doanh nghiệp liên doanh để cung cấp dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa cho Hải quân Việt Nam.
Nếu dự án này được thực hiện, doanh nghiệp liên doanh hải quân sẽ trở thành thỏa thuận công nghiệp quốc phòng lớn thứ ba của Việt Nam và Nga kể từ năm 2012 đến nay.
Tháng 8/2013 Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tuyên bố, hai nước đang bàn thành lập doanh nghiệp liên doanh để làm dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu trang bị lục quân do Nga chế tạo.
Trước đó, tháng 3/2012, Irkut và Hiệp hội hàng không vũ trụ Việt Nam đạt được thỏa thuận, phát triển và chế tạo máy bay không người lái dựa trên hệ thống Irkut-200 tầm trung của Nga tại Việt Nam.
Ngoài ra, năm 2013, hai nước đạt thỏa thuận, thành lập công ty có thể phát triển và chế tạo tên lửa tại Việt Nam, loại tên lửa này dựa trên hệ thống tên lửa Kh-35 do Công ty tên lửa chiến thuật JSC Nga thiết kế.
Loạt thỏa thuận này hỗ trợ cho Việt Nam phát triển khả năng của mình, bảo đảm cho thử nghiệm rất nhiều trang bị do Nga chế tạo.
Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo phiên bản cải tiến, trị giá 2 tỷ USD, 20 máy bay chiến đấu Su-30MK2, tàu tấn công nhanh lớp Svetlya và 4 tàu hộ vệ lớp Gepard.
Tàu ngầm Hà Nội số hiệu HQ182 của Hải quân Việt Nam.
Theo Giáo dục Việt Nam