Trong buổi thảo luận tại tổ Hà Nội chiều 12/11, nhiều đại biểu đã đưa ra các ý kiến khác nhau góp ý cho Luật nghĩa vụ quân sự.
Đa số các đại biểu đều đồng tình với đề xuất nâng độ tuổi gọi nhập ngũ lên 27 tuổi. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Kim Tuyến cho rằng thanh niên sau khi tốt nghiệp đại học ra trường phục vụ trong quân đội là tốt, nhưng xét góc độ nào đó thì đối tượng này cũng cần cho xã hội, có thể phục vụ mục đích phát triển kinh tế.
“Chúng tôi cũng đồng tình nâng độ tuổi gọi nhập ngũ lên 27 tuổi, tuy nhiên khi tuyển đối tượng thực hiện nghĩa vụ trong độ tuổi này phải có chế độ gì đó để thu hút”, đại biểu Tuyến đề xuất.
Ông Đào Trọng Thi cho rằng không nên đề xuất việc đóng tiền thay cho nghĩa vụ quân sự. |
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng cần phải giáo dục cho thanh niên nhận thức được tham gia nghĩa vụ quân sự là may mắn. Quá trình rèn luyện trong quân đội sẽ giúp các em trưởng thành hơn.
“Tôi đã từng ra Trường Sa, có cháu ở TP.HCM không biết làm gì nhưng ra đây ăn uống khổ hơn lại biết làm mọi thứ”, đại biểu Khánh nêu ví dụ.
|
Ông Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội) đề xuất nên có quy định theo hướng đóng tiền hoặc làm việc công ích nhất định được xem là thay thế nghĩa vụ quân sự.
Quan điểm này cũng được đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đồng tình và đề nghị cần đưa vào dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự.
Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội lại phản đối việc đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự.
Ông Thi cho rằng việc đi nghĩa vụ quân sự nghĩa là được trang bị kiến thức quốc phòng, để khi cần thiết tổng động viên thì có thể tham gia chiến đấu ngay. Nếu có nghĩa vụ thay thế thì dù bằng cách nào cũng không thể trang bị cho công dân kiến thức quốc phòng.
Bên cạnh đó, vị Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng mọi thanh niên đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Vì vậy, không nên đề xuất đưa vào luật quy định đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự.
“Cho đóng tiền trước được miễn nghĩa vụ quân sự, sẽ có chuyện con nông dân, con nhà giàu, đóng tiền là phản cảm, mất đi tính thiêng liêng của nghĩa vụ quân sự”, ông Thi nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, việc tham gia nghĩa vụ quân sự sự không chỉ có lợi cho quân đội, cho đất nước mà còn rất có giá trị đối với những thanh niên này.
Ông Đào Trọng Thi cũng góp ý hiện nay quân đội đang có hai mức thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với các bộ phận khác nhau 18 tháng và 24 tháng. Điều này sẽ khó khăn cho việc tuyển quân trong quân đội với 2 lần/năm. Vì vậy, ông Thi đề xuất phải thống nhất một mốc thời gian là 24 tháng để đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ hiện nay.
Trước đó, trao đổi với với báo chí, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh cũng nêu quan điểm không đồng tình với đề nghị nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự và không quy định vào dự thảo Luật Nghĩa vụ Quân sự (sửa đổi) này.
Bởi thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật.
“Nếu quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự sẽ làm mất ý nghĩa thiêng liêng và nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã thấm sâu vào tiềm thức của Nhân dân và cả dân tộc Việt Nam”. Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng khẳng định.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng cho biết thêm, hằng năm có gần 7 triệu công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ (từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi), số lượng gọi nhập ngũ rất ít. Trong điều kiện đất nước đang phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự rất khó khăn, nếu được quy định vào Luật sẽ chưa có tính khả thi.
Theo VTCnews