Năm 2050: Gần 1 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long mất chỗ ở

Thứ năm, 13/11/2014, 09:37
Đây là khẳng định do Đại sứ quán Pháp, Trung tâm Văn hóa Pháp với sự hỗ trợ của nhiều đối tác trong nước và quốc tế công bố trong lễ khai mạc Tuần lễ chuẩn bị Hội nghị về biến đổi khí hậu Paris 2015.

Ông Jean-Noël Poirier - Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong những nước có “tiềm năng” bị tác động bởi biến đổi khí hậu. Và sự biến đổi khí hậu này đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Biểu hiện rõ nhất là các hiện tượng thời tiết bất thường như bão lũ, hạn hán, nước biển dâng cao kéo theo đất ngập mặn, làm cho các khu vực đồng bằng màu mỡ như Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập mặn. Làm giảm diện tích trồng lúa, trồng cây lương thực.

Cùng với đó, năm 2050, gần 1 triệu dân cư khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải thay đổi nơi ở do lũ, lụt hoặc hạn hán.

Ông Jean-Noël Poirier - Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam  (số 1 từ phải qua)

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, để thích nghi với môi trường, ông Jean-Noël Poirier cho rằng tất cả các cơ quan nhà nước phải có những sự thay đổi cũng như những điều chỉnh trong hoạt động của mình.

Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh, nhiệm vụ đầu tiên trong Tuần lễ chuẩn bị Hội nghị về biến đổi khí hậu Paris 2015 là làm sao hướng các cơ quan của Việt Nam đề ra chính sách và thực hiện chính sách phù hợp với mục tiêu đặt ra.

Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu đó, ông Jean-Noël Poirier cho rằng phải có chương trình cụ thể. Ví dụ, trong việc điều hòa lượng nước của các con sông như sông Mê Kông, sông Hồng cũng như phòng ngừa một vài hiện tượng xảy ra do nước biển xâm thực gây ảnh hưởng đến diện tích trồng trọt của Việt Nam.

“Ở Việt Nam, chúng tôi cũng có những cơ quan phụ trách về hợp tác nông nghiệp. Trong đó, chúng tôi hướng đến việc tạo ra những cây trồng mới, hợp với những vùng ngập mặn”, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết.

Hay một số những dự án khác như hỗ trợ Việt Nam tái tạo lại vùng cây ngập mặn nhằm hướng tới mục tiêu đa dạng sinh học đồng thời tạo ra những vùng đất ngăn nước biển vào sâu trong đất liền.

“Thời gian tới, tại khu vực châu Á chúng tôi sẽ phân bổ khoảng 60% ngân sách dành cho việc có liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, mỗt năm chúng tôi tài trợ khoảng chừng 100 triệu euro/năm cho các dự án để hạn chế biến đổi khí hậu”, ông Jean-Noël Poirier nhấn mạnh. Cụ thể, các dự án làm giảm khí thải C02 hay có những hành động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với mục tiêu trên, về phía nước Pháp sẽ vận động trên quy mô khắp thế giới trong đó có Việt Nam để mọi người ý thức được rằng trong tất cả các bộ, ngành cần phải có sự điều chỉnh trong hoạt động nhằm đáp ứng được mục tiêu đó.

Tuần lễ chuẩn bị Hội nghị về biến đổi khí hậu Paris 2015 sẽ mời những chuyên gia trong lĩnh vực biến đổi khí hậu đến các trường học để trao đổi, tranh luận với học sinh về vấn đề biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi nghĩ rằng đây sẽ là một điều rất hay để lắng nghe, cũng như chia sẻ những thông tin với tất cả các bạn trẻ về một vấn đề rất quan trọng như thế này”, ông Jean-Noël Poirier cho biết.

Thứ Bảy ngày 15/11, Tuần lễ sẽ tổ chức ngay tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội một hoạt động hoàn toàn bằng tiếng Việt, trong đó sẽ chia sẻ những ý tưởng, những kinh nghiệm của các bạn trẻ về vấn đề làm sao thích ứng với môi trường biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, một dự án khác sẽ chọn những đại diện tiêu biểu của thanh niên Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu tham dự COP21 (Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu năm 2015) tại Paris năm 2015.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn