Vợ chồng anh Jensen và bác sĩ Carl June tại bệnh viện - Ảnh: Georgia Newsday |
Vào đầu năm 2012, Marshall Jensen, sống ở tiểu bang Utah của Mỹ, bị sốc khi kết quả kiểm tra cho thấy anh mắc bệnh ung thư máu, thường được gọi là bệnh bạch cầu cấp hay máu trắng. Đây là dạng ung thư ác tính do sự sản sinh đột biến của các tế bào bạch cầu bất thường. Thay vì thực hiện chức năng miễn dịch bảo vệ cơ thể, các bạch cầu bất thường này tấn công hồng cầu rồi đến cả các tế bào khác.
Theo Đài KSL, sau khi trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và đủ loại liệu trình không thành công trên khắp nước Mỹ, gia đình Jensen quyết định tham gia chương trình điều trị thử nghiệm tại Bệnh viện Đại học Pennsylvania tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania.
Điều kỳ diệu đã đến khi vào tuần trước, Jensen, 30 tuổi, cùng vợ Amanda và cậu con trai nhỏ Kezman đã có thể trở về nhà sau khi được xác nhận cơ thể anh đã lần đầu tiên sạch bóng ung thư sau nhiều năm. Đáng chú ý hơn nữa là giờ đây, Jensen đang mang trong người một dạng vô hại của HIV, vi rút gây ra căn bệnh thế kỷ AIDS.
“Thuần hóa” HIV
Theo tờ Daily Mail, vào năm 2006, giới y khoa đón nhận một bước đột phá lớn với trường hợp của Timothy Brown, một bệnh nhân HIV/AIDS mắc thêm ung thư máu. Người này được ghép tủy xương từ một người hiến tặng có biến dị gien hiếm gặp. Cuộc cấy ghép không những giúp trị bệnh máu trắng mà còn loại bỏ sạch sẽ vi rút HIV trong cơ thể Brown, khiến ông trở thành người đầu tiên trong lịch sử được tuyên bố khỏi hoàn toàn HIV.
Từ đó, các chuyên gia nỗ lực xác lập mối liên hệ tác động qua lại giữa HIV và ung thư máu để tìm phương pháp điều trị hữu hiệu cho cả hai căn bệnh quái ác này. Đến nay, sau trường hợp của Jensen và một số bệnh nhân khác, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Pennsylvania do bác sĩ Carl June dẫn đầu được đánh giá là đã thành công bước đầu trong việc dùng HIV chữa bệnh máu trắng.
Trong liệu pháp thử nghiệm mang tên Liệu pháp miễn dịch tế bào T, các chuyên gia trích xuất hàng tỉ tế bào T, một dạng tế bào bạch cầu, từ cơ thể bệnh nhân và cho chúng kết hợp với vi rút HIV đã được “thuần hóa”.
“Chúng tôi loại bỏ hoàn toàn các đặc tính gây hại của HIV nhưng vẫn giữ nguyên đặc điểm quan trọng nhất của chúng, đó là khả năng chèn gien mới vào tế bào miễn dịch”, Đài KSL dẫn lời bác sĩ June cho hay.
Dưới tác động của HIV, các tế bào T được tái lập trình, mang lại cho chúng khả năng nhận dạng và tiêu diệt tế bào bạch cầu ác tính. Sau một thời gian nuôi trong phòng thí nghiệm, các “chiến binh” này, được nhóm nghiên cứu đặt tên là CTL019, sẽ được truyền trở lại vào cơ thể bệnh nhân để tìm diệt ung thư.
Theo bác sĩ June, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các tế bào CTL019 sẽ “ngủ đông” trong cơ thể, phục sẵn trong trường hợp ung thư quay lại.
Liệu pháp đột phá
Trước Mashall Jensen, nhóm của bác sĩ June đã áp dụng thành công Liệu pháp miễn dịch tế bào T cho bé gái Emma Whitehead vào năm 2012. Khi đó, bé Whitehead (7 tuổi) là đứa trẻ đầu tiên được điều trị ung thư máu bằng phương pháp này. Đến nay, cô bé gần như đã hoàn toàn khỏe mạnh, có thể đi học, vui chơi một cách hoàn toàn bình thường dù vẫn phải đến bệnh viện kiểm tra định kỳ. Hai trường hợp của Jensen và Whitehead đã được các chuyên gia thuộc Bệnh viện Đại học Pennsylvania và Bệnh viện Nhi Philadelphia công bố chi tiết trong chuyên san The New England Journal of Medicine.
Ngoài ra, cách đây 6 tháng, nhóm nghiên cứu đã áp dụng liệu pháp mới trên 30 bệnh nhân máu trắng, gồm 5 người từ 26 đến 60 tuổi và 25 người từ 5 đến 22 tuổi. Đến nay, 23 trong số 30 bệnh nhân vẫn còn sống và tình trạng đang tiến triển tốt, theo tờ The New York Times.
Từ những kết quả trên, Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm Mỹ đã gọi Liệu pháp miễn dịch tế bào T là “liệu pháp đột phá” cho cả người lớn lẫn trẻ em. Bác sĩ June chia sẻ trong thời gian tới, nhóm của ông sẽ vừa tiếp tục nghiên cứu để tăng hiệu quả và giảm chi phí của liệu pháp mới vừa tìm hướng áp dụng nó để điều trị các loại ung thư khác, với mục tiêu trước mắt là ung thư tuyến tụy.
Theo Thanh Niên