2.500 phụ nữ Việt chết mỗi năm do ung thư cổ tử cung

Thứ sáu, 17/10/2014, 13:37
Bệnh có thể được phòng ngừa hoặc điều trị khỏi ở giai đoạn sớm song mỗi năm cả nước vẫn có khoảng 5.000 người mắc mới và nửa số ấy không qua khỏi.

Thống kê được các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) cho biết khi trò chuyện với bệnh nhân về tầm soát ung thư cổ tử cung để điều trị sớm, sáng 16/10.

vacxin

Tầm soát có thể giúp giảm lượng người tử vong vì ung thư cổ tử cung. Ảnh: Thiên Chương

Theo bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh, Trưởng khoa Khám, Bệnh viện Hùng Vương, mỗi ngày Việt Nam có 14 ca mắc mới và 7 ca tử vong vì ung thư cổ tử cung. Hơn nửa trường hợp phát hiện mắc bệnh đều ở giai đoạn nghiêm trọng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Trương, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận khoảng 650.000 lượt khám thì một nửa mắc bệnh phụ khoa. Trong số đó có 30 ca ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, 15-20 ca giai đoạn muộn.

"Ở Việt Nam, cứ 100.000 người thì có khoảng 20-30 mắc bệnh. Bệnh có thể điều trị được nhưng nhiều người không khám để phát hiện bệnh sớm", ông Trương nói. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân đến bệnh viện khi tình trạng huyết trắng kéo dài có mùi hôi, có chảy máu sau quan hệ, đau vùng hố chậu. Những trường hợp này đã khó chữa trị.

Hơn 99% ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây nên từ quan hệ tình dục không an toàn. Thời gian nhiễm đến khi gây tổn thương từ 10 đến 15 năm. Nhiều người không tầm soát bệnh, ngoài ra trước khi phát hiện ung thư, bệnh không có những triệu chứng rõ ràng nên khó nhận biết.

Các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương cũng cho biết, ngoài tiêm ngừa văcxin để phòng 70% khả năng mắc bệnh, thì tầm soát để phát hiện sớm là cách hữu hiệu để ngăn bệnh phát triển. Trước đây phương pháp xét nghiệm phết tế bào bỏ sót đến 33% trường hợp mắc bệnh, song hiện nay các phương pháp phối hợp xét nghiệm với công nghệ mới đã có thể giúp phát hiện bệnh chính xác hơn.

Theo VNE

Các tin cũ hơn