Được một cán bộ xã dẫn đường, chúng tôi đến tận nơi để “mục sở thị” hòn đá kỳ lạ, được xem là “báu vật” của người dân thôn Mỹ Hòa. Khác với trí tưởng tượng của chúng tôi, hòn đá này chỉ là một khối đá dài chừng 60 cm và rộng khoảng 20cm, nằm ở ven đường. Hòn đá có màu xám, ở một số vị trí bị cạo để lộ khoảng trắng xám phía trong thân đá.
Người dân địa phương cạo bột đá về chữa bệnh tưa lưỡi cho trẻ. |
Ông Phan Duy Kiệt - một vị cao niên trong làng, cho biết: “Không ai biết được gốc tích và tuổi của hòn đá, từ nhỏ, tôi đã thấy hòn đá nằm đó. Theo sử sách thì vào năm 1851, ở làng này có ông Phan Khải Thăng, người thi đậu tam khoa, từng giữ chức Thừa Ấn Vụ ở Hưng Nguyên đã biết lấy bột hòn đá chữa bệnh. Sau đó, học trò của ông đã lập miếu thờ hòn đá gọi là miếu Cây Sanh. Trải qua chiến tranh, ngôi miếu bị tàn phá, chỉ còn hòn đá nằm trơ trọi. Trước đây, hòn đá rất to, giống thỏi vàng, dài khoảng 1,5m, rộng gần 1m, nhưng do nhiều người đến cạo bột đá làm thuốc nên nhỏ dần”.
Ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch HĐND xã Phù Lưu cho biết thêm: “Lúc còn nhỏ, tôi đã nghe ông bà kể về khả năng chữa bệnh của hòn đá này. Từ trước tới nay, trẻ con trong làng bị bệnh tưa lưỡi hay phụ nữ bị nứt vú, tắc sữa sau khi sinh đều đến đây cạo ít bột đá cho vào nước hòa tan, bôi vài ba lần là khỏi”. Cũng theo ông Thạch, hòn đá tuy cứng nhưng rất dễ cạo, bột đá có màu trắng đục giống bột gạo nếp. Người dân thường lấy dao, hay liềm cạo, nhưng có thầy thuốc trong làng cho rằng, nếu dùng mảnh sành cạo thì thuốc có tác dụng tốt hơn.
Thủ tục xin bột đá rất đơn giản, chỉ cần bỏ khoảng 2-3 ngàn đồng, thành tâm khấn rồi cạo. Tiền để lại là “lộc”. Bà Phạm Thị Hà (54 tuổi), nhà ở gần hòn đá giải thích: “Lộc đó không ai được phép chiếm làm của riêng mà chỉ để thỉnh thoảng cho người già mua trầu hoặc trẻ con mua kẹo”.
Hay tin về hòn đá kỳ lạ, người dân nhiều nơi cũng tìm đến. Thấy hiệu nghiệm, nhiều người lợi dụng hòn đá không ai quản lý đã đưa về nhà nhưng một thời gian sau, không hiểu vì lý do gì mà tự động trả lại.
Theo người dân địa phương, hòn đá này chỉ có tác dụng khi nằm ở mô đất ven đường của thôn Mỹ Hòa, nếu di chuyển đến một địa điểm khác thì sẽ mất hiệu nghiệm (?)
Trước đây, khi thuốc men chưa có, tiền bạc hạn chế, người đến xin bột đá nườm nượp. Tuy nhiên, bây giờ, khoa học tiến bộ nên người đến lấy bột ít dần. Mặc dù vậy, cứ 3-4 ngày lại có người đến “xin” bột về chữa bệnh.
Hòn đá kỳ lạ, được xem là “báu vật” của người dân thôn Mỹ Hòa. |
Ông Thạch chia sẻ thêm: “Chúng tôi nghĩ trong thành phần của bột đá chứa chất có khả năng chữa được bệnh. Do bột đá hòa với nước có màu đục như sữa nên người dân chúng tôi quen gọi là đá sữa, chứ không gọi là đá “thần” như nhiều người tung tin”.
Lý giải về hòn đá “sữa” có khả năng chữa bệnh ở thôn Mỹ Hòa, ông Hà Song Hồng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phù Lưu cho biết: “Cách đây khoảng một năm, Phòng Y tế huyện Lộc Hà phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về khảo sát và tiến hành điều tra. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức".
Thiết nghĩ, các ngành chuyên môn, đặc biệt là các nhà khoa học sớm nghiên cứu, tìm ra sự thật về tác dụng của hòn đá "lạ" ở thôn Mỹ Hòa (Phù Lưu, Lộc Hà), tránh những suy diễn, hành động không tốt, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo Báo Hà Tĩnh