Nếu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được thông qua thì xã Suối Trầu sẽ bị xóa sổ trên bản đồ hành chính. Ảnh: Hoàng Trường |
Kết quả điều tra của UBND tỉnh Đồng Nai hồi giữa tháng 10 cho thấy, kinh phí ước tính thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ người dân nhằm giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là hơn 13.000 tỷ đồng. Giai đoạn đầu sẽ có 2.515ha của 1.808 hộ bị thu hồi, giai đoạn 2 có 2.733 hộ dân với 2.484ha ảnh hưởng phải giải tỏa.
Theo ông Đặng Minh Đức, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai, 13.000 tỷ đồng là khoản bồi thường hỗ trợ cho người dân về đất đai, tài sản... nhằm giải phóng mặt bằng chứ chưa tính đến kinh phí tái định cư cho người dân vùng dự án.
"Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu tạm thời tại thời điểm, giá và chính sách hiện nay. Số liệu thực khi thực hiện thì phải tính ở thời điểm Nhà nước quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai", ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, kết quả điều tra khảo sát ý kiến của các hộ dân trong vùng dự án cho thấy hầu hết các hộ đều đồng tình ủng hộ chủ trương thực hiện dự án xây dựng sân bay với tỷ lệ 99,9%. Trong 4.541 hộ dân khảo sát, chỉ 25 ý kiến không ủng hộ, 400 hộ dân khác là công nhân cạo mủ cao su không có ý kiến vì không có đất.
Cũng theo kết quả khảo sát này, phần lớn người dân khi tái định cư đều có nguyện vọng đăng ký học nghề: lái xe, sửa chữa xe máy, xây dựng, công nhân, thợ may, thợ điện... Trong đó, UBND tỉnh cũng cho quy hoạch hai khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn với 6.869 lô đất và khu tái định cư Bình Sơn là 3.803 lô dành cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án.
Nguyện vọng của nhiều công nhân cạo mủ cao su là sẽ chuyển nghề sau khi diện tích cao su bị giải tỏa nhường mặt bằng cho sân bay Long Thành. Ảnh: Hoàng Trường |
Dự án sân bay Long Thành thuộc địa phận 6 xã của huyện Long Thành gồm: Suối Trầu, Bình Sơn, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An và Long Phước với quy mô diện tích khoảng 5.000ha.
Theo VNE