"Nửa nước Mỹ dương tính vi rút sợ-Ebola"

Thứ năm, 16/10/2014, 09:08
"Vi rút sợ-Ebola lây nhiễm thông qua trò chuyện, thâm nhập bộ não con người theo đường tai, nó nguy hiểm đến độ nó có thể phát tán chỉ bằng việc xem hình ảnh hoặc video về Ebola".

Trong bài viết đăng trên CNN ngày 15/10, cây bút bình luận Mel Robbins "mỉa mai" chứng sợ hãi quá độ của nước Mỹ trước Ebola. Bà Robbins dẫn một khảo sát của tờ Washington Post và ABC News cho thấy 2/3 người Mỹ được khảo sát đang sống trong lo sợ dịch Ebola sẽ lan rộng tại nước này.

Theo Washington Post, khảo sát này cho thấy có 2/3 số người được hỏi ủng hộ việc giới hạn nhập cảnh vào Mỹ đối với người đến từ các nước Tây Phi. Mức độ lo lắng của người Mỹ theo khảo sát này ngang bằng nỗi sợ nhiễm cúm gia cầm vào năm 2006, và vượt qua dịch SARS hồi năm 2003.

Bệnh nhân Ebola trong trại cách ly ở Tây Phi - Ảnh: Reuters

Cây bút bình luận ví von hội chứng sợ-Ebola cũng là một loại "vi rút" đang lan nhanh, "nó có thể truyền nhiễm thông qua trò chuyện, thâm nhập bộ não con người theo đường tai. "Vi rút" này nguy hiểm đến độ nó có thể phát tán chỉ bằng việc xem hình ảnh hoặc video về Ebola".

Theo bà Robbins, sợ hãi Ebola là một căn bệnh nguy hiểm bởi nó khiến "bệnh nhân" không thể suy nghĩ lô-gic, quyết định thiếu chính xác và ảo tưởng. Những người muốn cấm tiệt việc người từ Tây Phi nhập cảnh, hoặc ám ảnh bởi chuyện Ebola có thể qua không khí đều là nạn nhân của vi-rút này.

"Không riêng gì người dân, "vi rút" sợ-Ebola lây lan cả đến các cơ quan, tổ chức. Navarro College, một trường cao đẳng cộng đồng nhỏ, đã dương tính với "vi rút" này và ngưng tiếp nhận sinh viên đến từ những quốc gia có người nhiễm Ebola".

Mel Robbins cho biết Navarro College đã từ chối đơn xin học của sinh viên từ Nigeria, một quốc gia có dân số 174 triệu người so với 20 ca nhiễm Ebola được phát hiện.

Ebola đã lan khỏi Tây Phi với những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại Mỹ - Ảnh: Reuters

"Nhìn rộng hơn, việc này giống như Harvard gửi thư từ chối đến các học sinh trung học tại Texas vậy, "Không may làm sao, Harvard không thể tiếp nhận các sinh viên đến từ những bang có ca nhiễm Ebola được", Robbins "xỏ xiên".

Bà nhận định hội chứng sợ-Ebola ở cấp độ tổ chức là "đặc biệt nguy hiểm" bởi nó kéo theo sự phân biệt đối xử trên diện rộng.

Robbins dẫn lời mẹ của bà: "nước Mỹ có một người chết vì Ebola, và chuyện đó mới kinh khủng làm sao. Nếu muốn lo về bệnh truyền nhiễm chết người thì hãy lo về cúm. Năm rồi đã có hàng vạn người chết vì cúm đấy".

Lời của mẹ bà Robbins hóa ra... đúng. Cây bút bình luận này dẫn ra thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh, rằng từ năm 1997 đến 2007, số người chết vì cúm mỗi năm dao động từ 3.500 đến 49.000. Vào năm trước, cúm trở thành đại dịch ở Mỹ.

Nhân viên y tế khử trùng nơi bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên đã ở - Ảnh: Reuters

Mel Robbins cũng kêu gọi người Mỹ thay vì "sống trong sợ hãi" về việc Ebola sẽ bùng phát ở đây, hãy "suy nghĩ trên phương diện toàn cầu", rằng "thế giới cần nước Mỹ giúp đỡ" và việc Ebola lan rộng tại các nước Tây Phi là do những bất ổn chính trị cộng với cơ sở vật chất thiếu thốn (không như nước Mỹ).

Vì vậy, cách tốt nhất để cứu nước Mỹ khỏi đại dịch Ebola là giúp đỡ các nước Tây Phi. Một lệnh cấm đi du lịch đến Tây Phi, trên thực tế sẽ làm lan rộng Ebola.

Theo CTV News ngày 8.10, nhiều người Mỹ, bao gồm một số thượng nghị sĩ cho rằng cách đơn giản nhất để "cách ly" nước Mỹ khỏi Ebola là cấm các chuyến bay đến từ Tây Phi. Trong khi đó, nguồn lực của nước Mỹ chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều ở các nước đang bị Ebola hoành hành, như đã từng chiến đấu chống lại SARS năm 2002.

Cuối cùng, Mel Robbins nhắc nhở mọi người, trong lúc đang ở Mỹ và tìm cách giúp đỡ châu Phi chống chọi với Ebola, "cẩn thận không thì "dính" cúm".

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn