Tạm lờ Ukraine, Nga - Mỹ bất ngờ tìm được tiếng nói chung

Thứ tư, 15/10/2014, 22:27
Sau nhiều tháng căng thẳng trên mặt trận ngoại giao vì khủng hoảng Ukraine, Nga và Mỹ đã bất ngờ tìm được tiếng nói chung. Cuộc gặp gỡ giữa hai ngoại trưởng tại Paris mở ra triển vọng hàn gắn quan hệ giữa hai nước.
Hai ngoại trường nhưng hai người bạn trong vườn cây

Hai ngoại trưởng như hai người bạn trong vườn cây.

Washington và Moscow cam kết sẽ nối lại hợp tác an ninh, điều này đặt cơ sở ngăn chặn các rạn nứt vốn xuất hiện từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Cả hai đã thống nhất sẽ hợp tác để chia sẻ thông tin tình báo trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố tự xưng là Nhà nước Hồi giáo.

Động thái này diễn ra sau khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có một cuộc họp kéo dài 3 giờ tại Paris. Không chỉ vấn đề IS, cuộc đàm phán còn tập trung vào các vấn đề khác nhưng tránh chuyện khủng hoảng Ukraine và nó là tín hiệu tốt để cải thiện quan hệ Mỹ - Nga vốn đang chạm đáy thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Sự hợp tác mà đặc biệt là chia sẻ thông tin tình báo về IS được Nga và Mỹ coi là một phần "nhiệm vụ chính" của cường quốc thế giới, ông Kerry nói. Giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên và việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran cũng là những điểm nóng mà hai nước cần hợp tác, Ngoại trưởng Mỹ nói thêm.

Còn ông Lavrov cho biết: "Chúng tôi có thể hợp tác tốt hơn với nhau để tăng hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề lớn. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố, mà bây giờ đã trở thành mối đe dọa chính đối với toàn bộ Trung Đông".

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu với các cuộc biểu tình chống chính phủ ông Yanukovych hồi năm ngoái. Mỹ và Liên minh châu Âu ủng hộ phong trào biểu tình, dẫn đến một cuộc đảo chính vũ trang với sự góp mặt của nhóm cực hữu. Chính quyền mới lên có chính sách thù địch với cộng đồng người Nga dẫn đến Crimea tự tổ chức trưng cầu dân ý, tách khỏi Ukraine và gia nhập Nga.

Phương Tây coi Nga sáp nhập Crimea là bất hợp pháp và Washington đã phát động một chiến dịch nhằm cô lập Nga trên trường quốc tế. Chính sách cô lập của Nhà Trắng đã cắt đứt hầu hết các con đường hợp tác giữa Mỹ và Nga, bao gồm cả trao đổi hợp tác an ninh.

Ngay cả khi tiến hành chiến tranh với IS, Mỹ ban đầu cũng không cần hỏi ý kiến Nga. Tuy nhiên, sau một thời gian thì Mỹ hiểu rằng nếu không có sự hậu thuẫn của Nga thì các điểm nóng trên thế giới rất khó giải quyết. Đó là lý do ông Kerry phải tạm lờ vấn đề Ukraine khi gặp ông Lavrov tại Paris để bàn những vấn đề lớn khác.

Theo MTG

Các tin cũ hơn