Chiều 14/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổ đại biểu Quốc hội số 1, Đoàn ĐBQH TPHCM tiếp xúc với bà con cử tri quận 3, TPHCM.
Cán bộ đi nước ngoài nhiều quá!
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hữu Châu cho rằng, có đại biểu trong nhiều kỳ họp không phát biểu được ít nhất một ý kiến. “Luật tổ chức Quốc hội có quy định ĐBQH phải sống với dân, gần gũi, thương dân, lắng nghe và làm theo ý dân nhưng tôi thấy các đại biểu xa dân quá”, ông Châu nêu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: "Cái gì có lợi cho dân thì cứ làm để đồng tiền của dân thật sự có giá trị"
Cử tri Nguyễn Kim Đỉnh thì khẳng định, ai nói hệ thống pháp luật rườm rà đâu ông không thấy, riêng quan điểm của ông thì Việt Nam đang thiếu luật và luật thiếu chất lượng. Ông Đỉnh cho rằng, các tiêu cực xã hội, lãng phí, tham nhũng... ngày càng tinh vi, gia tăng là do mô hình nhà nước tập trung quan liêu; chưa có tư duy mới về mô hình nhà nước. Vì vậy, cần phải xóa chức năng nhà nước tập trung, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đích thực, có thế mới quản lý hiệu quả nền kinh tế thị trường, chống lại tham nhũng, quan liêu...
Cũng liên quan đến vấn nạn tham nhũng, cử tri Lâm Ngọc Mạnh cho rằng hiện có quá nhiều công trình tiền tỷ, nhưng mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp. Cần phải dừng ngay những công trình không hiệu quả, thắt chặt chi tiêu công thì mới giúp nền kinh tế phát triển.
“Lãng phí, tham nhũng là tội ác. Vậy mà không hiểu sao các cán bộ cứ đổ xô nhau đi nước ngoài nhiều quá. Các cán bộ cấp nhà nước, vì ngoại giao, phát triển kinh tế, đi công vụ đã đành, các anh cán bộ tỉnh, huyện cũng đua nhau đi thì không ổn chút nào”, ông Mạnh nói.
Chủ tịch nước trò chuyện với bà con cử tri.
“Ra đường là gặp cướp”
Cử tri Lê Công Cẩn cho rằng vấn đề kỷ luật hành chính của nhà nước hiện còn rất yếu. Cứ xử lý qua loa rồi "huề cả làng". Điều này dẫn đến tham nhũng, nhũng nhiễu ở nhiều cơ quan nhà nước. Khi người dân không hài lòng với các hình thức kỷ luật hành chính, phản ánh lên cơ quan chức năng thì chính người dân lại "lãnh đủ".
“Chúng ta nói với nhau nhiều về tham nhũng nhưng các biện pháp của Quốc hội, Chính phủ chưa tương xứng. Tôi kiến nghị tất cả những bảng kê khai tài sản của cán bộ cần công khai trên trang web của cơ quan chống tham nhũng để người dân xem” - vị cử tri này kiến nghị.
Cũng theo ông Cẩn thì khi thu hồi, cưỡng chế đất của người dân, cần chuyển qua cơ chế tòa án bàn giao thẩm quyền chứ không đơn thuần chỉ có cơ quan hành chính nhà nước. Có như vậy mới tránh được những hậu quả đáng tiếc như ở Tiên Lãng, Hải Phòng vừa qua để rồi cả cán bộ lẫn người dân đều phải vào tù.
Cử tri Lê Công Cẩn cũng báo động về tình trạng mất an ninh trật tự khi cho rằng an toàn tính mạng của người dân hiện nay rất mong manh. “Ra đường là gặp cướp. Gây lộn sơ sơ là chém. Hàng chục đối tượng xả dao ở bệnh viện Gia định vừa rồi là điển hình. Sinh mạng người dân hiện nay rẻ lắm. Chỉ cần vài triệu đồng là xã hội đen xả dao bị thương, chục triệu đồng là chúng chém chết. Cần sửa tội danh đối với nhóm đối tượng này nặng hơn chứ không đơn thuần là gây rối trật tự”, cử tri Cẩn đề nghị.
Ông Cẩn cũng bày tỏ sự băn khoăn khi kỳ họp sắp tới, Quốc hội họp 40 ngày, thông qua và cho ý kiến 42 văn bản luật. Với áp lực thời gian như thế, ông Cẩn e rằng luật sẽ không đi vào cuộc sống; thiếu chất lượng.
Trước những băn khoăn của cử tri Cẩn, ĐBQH Trần Du Lịch cho biết, quy trình làm luật hiện nay chặt chẽ, công phu. Khi đưa ra Quốc hội thông qua thì năm ngoái đến nay các dự thảo đã được đưa đi đưa lại khắp nơi, có khi sửa đến 20 lần.
Để đồng tiền của dân có giá trị
Sau khi lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các cử tri, Chủ tịch nước đã phát biểu, giải thích những vấn đề mà nhiều cử tri quan tâm.
Về vấn đề kinh tế, theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đây là mục tiêu mà toàn Đảng, toàn dân đã dốc sức khắc phục trong 4 năm qua, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô. Đến nay, chúng ta đã kiểm soát được lạm phát, kinh tế vĩ mô cơ bản đã giữ ổn định, mức độ phục hồi có chậm nhưng khá chắc.
Theo Chủ tịch nước, trước đang tăng trưởng 7-8%/năm, nay tăng trưởng mới đạt 5-6% nên việc có ý kiến không thỏa mãn cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng ta không thể nóng vội được. Để giải quyết căn cơ, chúng ta cần kiên trì, bài bản thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, kết hợp đổi mới mô hình tăng trưởng.
Dẫn ý kiến cử tri cho rằng bình quân mỗi buổi làm việc của Quốc hội phải thông qua hoặc xem xét một dự án luật, nghị quyết là quá nhiều, như thế thì chất lượng sẽ không sâu. Theo Chủ tịch nước, để tái cấu trúc nền kinh tế thành công, bước đầu tiên chính là đổi mới thể chế, hệ thống luật lệ phải hết sức hoàn chỉnh.
Vì vậy, kỳ họp này, với 42 văn bản pháp luật, trong đó có những văn bản liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh tế như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... là một sức ép rất lớn, nhưng nếu chậm nữa thì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước thì đây là ý kiến rất đáng quan tâm, ông hứa sẽ báo cáo những băn khoăn này với UB Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch nước cho biết, dự kiến năm tới, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả hơn. “Không có nguồn nhân lực ngon lành thì không công nghiệp hoá được. Không thể phủ nhận các thành tựu nhưng nền giáo dục cứ thế này thì gay go để có nguồn nhân lực chất lượng".
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cho rằng, việc thi hành quyết định hành chính ở nhiều cơ quan không nghiêm; chưa bảo vệ người tố cáo, chưa sử dụng hết thông tin tố giác tội phạm. “Trong thực tế, phải công nhận Đảng và Nhà nước chưa đủ sức bảo vệ người tố cáo”, Chủ tịch nước nói.
Liên quan đến "phàn nàn" của các cử tri về tình trạng cán bộ đi nước ngoài nhiều, Chủ tịch nước đưa ra quan điểm:
"Các cán bộ cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm. Mỗi chuyến đi nước ngoài thật sự rất tốn. Tôi cũng cắt các chuyến đi nước ngoài. Phải bớt người đi theo, tháp tùng. Những phản ánh từ người dân về việc cán bộ đi nước ngoài gây lãng phí cần nói nhiều lần, nhiều lúc, nhiều nơi. Cái gì có lợi cho dân thì cứ làm để đồng tiền của dân thật sự có giá trị" - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.
Theo Dantri