Vụ tham nhũng tại ALC II: 3 án tử hình, 4 án chung thân

Thứ bảy, 27/09/2014, 08:48
Chiều 26/9, Hội đồng xét xử TAND TP.HCM đã tuyên 3 án tử hình và 4 án chung thân đối với các bị cáo trong vụ án tham nhũng ở Công ty cho thuê tài chính II (ALC II).

Vụ tham nhũng tại ALC II: 3 án tử hình, 4 chung thân

Các bị cáo nghe tuyên án - Ảnh: Ngọc Lê

Các bị cáo bị truy tố về tội “tham ô tài sản”.

Tòa tuyên phạt mức án tử hình đối với: Vũ Quốc Hảo (59 tuổi, nguyên giám đốc ALC II), Phạm Minh Tuấn (56 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cát Long Hải); Hoàng Lộc (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần Giám định, thẩm định Việt Nam).

Bốn bị cáo gồm: Vũ Đức Hòa (nguyên giám đốc công ty Cát Long Hải), Lê Thị Minh Huệ (nguyên kế toán trưởng Công ty Cát Long Hải), Lê Phúc Đức (nguyên trưởng phòng thẩm định, Công ty cổ phần thẩm định, giám định Việt Nam), Nguyễn Văn Tài (nguyên phó tổng giám đốc ALC II) cùng nhận mức án chung thân.

Ngoài ra, với vai trò là đồng phạm tích cực, các bị cáo thuộc lãnh đạo cấp dưới của Công ty ALC II, cũng nhận các mức án: Phạm Xuân Nghị (nguyên trưởng phòng cho thuê tài chính) 20 năm tù, Đinh Nguyên Tý (nguyên phó phòng cho thuê tài chính) 16 năm tù, Nguyễn Văn Thọ (nguyên phó trưởng phòng cho thuê tài chính) 18 năm tù, Phùng Văn Đồng (nguyên phó phòng kinh doanh 1) 15 năm tù.

Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Hảo, Tuấn, Lộc là những người chủ mưu cầm đầu, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. Mặc dù đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ, nhưng hành vi của các bị cáo gây bất bình cho xã hội, gây tổn thất to lớn không có gì bù đắp, nên cần có mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt mới tương xứng hành vi phạm tội của các bị cáo.

Hội đồng xét xử nhận định việc các bị cáo thay đổi lời khai tại tòa là do không thống nhất với tội danh bị truy tố, chứ không phải không có hành vi phạm tội. Việc phủ nhận lời khai trước đó của các bị cáo là không có cơ sở. Việc truy tố của VKS là có căn cứ để chấp nhận, phù hợp với sự thật khách quan của vụ án.

Hội đồng xét xử nhấn mạnh: “Đây là vụ án có tổ chức, có sự câu kết, phân công và mỗi bị cáo là các mắc xích chặt chẽ để hoàn thành việc phạm tội, biến một tàu lặn có giá trị 100 triệu thành 130 tỷ đồng, chỉ có phạm tội mới thu lợi bất chính như thế”.

Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm (6/11/2013) bị cáo Hảo và đồng phạm bị TAND TP.HCM tuyên phạt tử hình về tội “tham ô tài sản”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”, “cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ở phiên phúc thẩm sau đó (10/7/2014), Tòa phúc thẩm TAND TP.HCM sau khi xem xét, đã tuyên hủy một phần án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại đối với bị cáo Hảo với 2 tội danh "tham ô tài sản" và "cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", bị cáo tạm thoát án tử hình tòa sơ thẩm đã tuyên trước đó.

Các sai phạm của bị cáo Hảo cùng đồng phạm được chia ra xét xử thành 3 lần khác nhau.

Theo cáo trạng, tháng 11/2006, ông Vũ Quốc Hảo được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc điều hành ALC II. Ngoài ra, ông Hảo thành lập thêm Công ty cổ phần Cát Long Hải và giao cho các cổ đông là Phạm Minh Tuấn, Vũ Đức Hòa đứng tên trên danh nghĩa.

Để có tiền đầu tư kinh doanh bất động sản và giải quyết nợ xấu cho một số đối tác, ông Hảo đã dùng thiết bị lặn Tinro 2 của Công ty Cát Long Hải để nâng khống giá rồi bán lại cho ALC II nhằm hợp pháp hóa việc giải ngân tiền.

Vì thiết bị này không có giấy tờ đăng ký, đăng kiểm về hàng hải, ông Hảo đã bàn với Phạm Minh Tuấn thuê tàu vận chuyển thiết bị này ra Hải Phòng, rồi cố tình cho hải quan bắt giữ, bán đấu giá để mua lại với giá 100 triệu đồng.

Khi có giấy tờ hợp pháp, ông Hảo chỉ đạo Tuấn liên hệ với Hoàng Lộc (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần giám định, thẩm định Việt Nam - Vivaco) nhằm thẩm định, nâng khống giá thiết bị tàu lặn từ 100 triệu lên đến 130 tỷ đồng để bán lại cho ALC II.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn